Formosa xả thải

Đã xây dựng xong phương án đền bù cho ngư dân miền Trung

Ngư dân chưa đánh bắt hải sản tại các khu vực trên bởi 2 lý do: Thứ nhất, là nhằm để khôi phục nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh vốn là nơi cư trú của các loài thủy sản đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự cố môi trường biển. Thứ hai, theo thông báo của Bộ TNMT, 3 khu vực này do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, có một số thông số môi trường cao hơn khu vực khác nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép, cần được tiếp tục giám sát và quan trắc. Như vậy, ngoài 3 khu vực vừa nêu trên (1,5km2 tính từ bờ), thì các khu vực khác đều an toàn cho việc đánh bắt. Mặt khác, ngư dân không khai thác bằng các nghề khai thác cá tầng đáy như lưới kéo, lồng bẫy, nghề lặn ở vùng biển cách bờ từ 20 hải lý trở vào.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Oai – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) – trao đổi riêng với PV Báo Lao Động chiều 30.8, về đề án bồi thường thiệt hại, khôi phục sản xuất và hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân sau vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung. Ông Oai cũng khuyến cáo: Ngư dân không nên khai thác ở 3 khu vực biển Hòn Sơn Dương (Hà Tĩnh) cách bờ 1,5km có diện tích 300km2; cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) cách bờ 1,5km, diện tích 330km2, hòn Sơn Chà (TT-Huế) cách bờ 1,5km, diện tích 160km2.
Ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT). Ảnh: KH.V
Ông Nguyễn Ngọc Oai – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT). Ảnh: KH.V

 Thưa ông, căn cứ vào đâu để Bộ NNPTNT cho rằng, ngoài các khu vực đã được khuyến cáo trên, tại các khu vực khác ngư dân có thể đánh bắt hải sản?

– Theo thông báo của Bộ TNMT, chất lượng nước biển và trầm tích biển tại khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định tại QCVN 10-MT:2015/BTNMT đạt tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh. Theo quan trắc của Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NNPTNT) thì hiện nay thảm cỏ biển, các rạn san hô đã bắt đầu có dấu hiện phục hồi và đã xuất hiện cá con. Báo cáo của Bộ TNMT cho biết, đến giai đoạn tháng 6 và tháng 7.2016 tại các khu vực Hòn Sơn Dương (Hà Tĩnh), Hòn Nồm (Quảng Bình) và Hải Vân, Sơn Chà (Thừa Thiên – Huế) không còn xảy ra hiện tượng san hô bị tẩy trắng. Trên rạn san hô đã thấy hiện tượng san hô phục hồi tự nhiên từ những tập đoàn bị chết từng phần và ấu trùng san hô bắt đầu định cư và phát triển trên nền đáy rạn. Tại khu vực Hòn La vẫn còn điểm san hô phát triển khá tốt. Cá kích thước nhỏ và các động vật đáy cỡ lớn khác trên các rạn san hô đã có dấu hiệu phục hồi tích cực với mật độ cao hơn hẳn giai đoạn trước.

Thưa ông, ngày 29.8 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đồng ý bổ sung các đối tượng gián tiếp chịu thiệt hại. Vậy chính sách này thực hiện như thế nào, thưa ông?

– Ngay sau khi nhận được thông báo của Phó Thủ tướng, Tổng cục Thủy sản đã cử đoàn công tác vào làm việc với các địa phương để hướng dẫn khảo sát, thống kê thiệt hại đối với các đối tượng này theo công văn 6851 mà Bộ NNPTNT đã hướng dẫn các địa phương kê khai thiệt hại trước đây.

 Về gần 4.000 tấn hải sản đông lạnh tồn kho, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế giám định lại chất lượng ATTP. Việc xử lý sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

– Theo chỉ đạo, Bộ Y tế sẽ tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, hướng dẫn các địa phương giám sát ATTP đối với lượng hải sản tồn kho tại địa phương, xác định rõ và công khai những lô hàng đảm bảo, những lô hàng không đảm bảo ATTP theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương hướng dẫn các địa phương giải pháp tiêu thụ các lô hàng tồn kho đảm bảo tiêu chuẩn ATTP. Đối với các lô hàng không đảm bảo an toàn, Bộ TNMT hướng dẫn địa phương tổ chức tiêu hủy theo quy định.

Thưa ông, được biết Bộ NNPTNT đang xây dựng đề án xác định bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng. Xin ông cho biết tiến độ triển khai đề án và một số chính sách khôi phục sản xuất?

– Đến nay, Bộ NNPTNT đã xây dựng xong đề án và đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan và các địa phương. Các bộ, ngành, địa phương đang nghiên cứu và chưa có ý kiến phản hồi. Sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan, Bộ NNPTNT hoàn thiện và trình chính thức để Chính phủ xem xét, phê duyệt.

– Xin cảm ơn ông!

Theo thông báo của Bộ TNMT, tại các khu vực cách bờ 1,5km thuộc Sơn Dương (diện tích khoảng 300km2), cửa Nhật Lệ – Quảng Bình (khoảng 330km2) và hòn Sơn Chà (diện tích khoảng 160km2) một số thông số môi trường cao hơn các khu vực khác nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép, tiếp tục được quan trắc và giám sát chặt chẽ, thường xuyên.                       K.V

KHÁNH VŨ (THỰC HIỆN)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP