Thông tin tại buổi Tọa đàm “Vỉa hè, chống ùn tắc và trách nhiệm công dân”, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng Bộ Giao thông Vận tải triển khai hệ thống vận tải công cộng số lượng lớn.
Hà Nội hiện có gần 100 tuyến buýt kết nối tất cả các vùng miền của thành phố.
Qua gần 3 tháng hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT ở Hà Nội đã vận chuyển gần 1 triệu lượt hành khách.
“So với các tỉnh, thành phố khác, kể cả TP. HCM, Hà Nội vẫn tự hào có hệ thống xe buýt tương đối tốt. Từ ngày 1/1/2017, Hà Nội đã triển khai tuyến buýt nhanh BRT từ bến xe Yên Nghĩa đến Kim Mã. Qua gần 3 tháng hoạt động, chúng tôi nhận thấy hoạt động khá tốt”, ông Viện nói.
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, tính đến ngày 12/3, tuyến buýt nhanh này đã triển khai được 23.147 lượt, đạt 99,98% kế hoạch. Chỉ có duy nhất 1 lượt xe bị tai nạn phải dừng giữa chừng, còn lại đạt 98,2% là đúng giờ, vận chuyển khối lượng xấp xỉ gần 1 triệu lượt hành khách, trung bình đạt 40,3% lượng hành khách trên xe.
Đáng chú ý, số lượng hành khách ngày càng tăng, tháng 2 tăng 11% so với tháng 1, tháng 3 tăng 13% so với tháng 2, tốc độ bình quân khoảng hơn 20km/h, một lượt khoảng 45 phút – nhanh hơn 20% so với buýt thường.
“Khi các chuyên gia của Ngân hàng thế giới đến đây thăm tuyến buýt nhanh của Hà Nội, họ rất ngạc nhiên vì ở nhiều nước khác, phải có hàng rào cứng ngăn thì người tham gia giao thông mới không vi phạm, nhưng ở ta chỉ có một vệt lươn và hệ thống phản quang, nhưng ý thức người tham gia giao thông chấp hành tốt, ý thức của người tham gia giao thông của ta là cao chứ không phải bị đánh giá thấp. Sau này, có làn dành riêng cho phương tiện giao thông công cộng, chắc chắn sẽ thu hút người tham gia giao thông đúng với định hướng ban đầu là tăng lượng khách sử dụng”, ông Viện cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, Hà Nội đã có mục tiêu xác định để phát triển vận tải hành khách công cộng là một trong những mục tiêu được ưu tiên, không phải bây giờ mà từ những năm 2000. Hệ thống giao thông công cộng, trong đó có hệ thống buýt của Hà Nội được đánh giá là tốt nhất cả nước hiện này. Hiện nay toàn bộ hệ thống xe buýt của Hà Nội đều có máy lạnh hết.
“Chúng tôi đang triển khai hệ thống xe buýt nhanh BRT và mong muốn càng đông khách càng tốt. Để được như vậy, phải nâng cao chất lượng hoạt động, phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ phải tốt và quan trọng là phải đúng giờ.
Hà Nội đang chuẩn bị ban hành đề án liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ. Mục tiêu của đề án này là định hướng đến 2025 phát triển mạng lưới xe buýt, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiến tới đáp ứng cao hơn nhu cầu của dân. Đến năm 2020 theo quy hoạch phải đạt 20-25% nhu cầu đi lại của nhân dân, hiện mới có 14-15%. Đáp ứng nhu cầu của người dân không chỉ về số lượng mà phải làm sao để hành khách hài lòng về chất lượng: Xe buýt mới, chất lượng tốt, wifi miễn phí, nhân viên phục vụ tốt hơn, an toàn hơn. Chúng tôi đã xây dựng đề án, chắc chắn chất lượng phục vụ của xe buýt sẽ ngày một tốt hơn”, ông Viện thông tin thêm.
Ngoài ra, về vận tải hành khách khối lượng lớn là tàu điện trên cao và tàu điện ngầm, ông Viện cho biết, Hà Nội hiện có quy hoạch 8 tuyến, đang triển khai 2 tuyến. Như Bộ GTVT cam kết, tuyến số 2 Cát Linh – Hà Đông sẽ được vận hành chạy thử vào cuối tháng 10/2017, tuyến số 3 từ Nhổn đến ga Hà Nội cũng sẽ được cam kết triển khai vào đầu năm 2021. Còn 5 tuyến, Bộ GTVT phối hợp với Hà Nội đang tích cực triển khai.
Minh Thư/Theo Infonet