Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4 (Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270, Bộ Tư lệnh đặc khu Vĩnh Linh) được giao trọng trách phối hợp với các lực lượng vũ trang tấn công nổi dậy ở khu Đông Gio Linh, để ngăn chặn sự chi viện của địch lên phía Tây, nhằm “chia lửa” cùng chiến trường đường 9 Khe Sanh. Lực lượng của ta tập trung đánh phá kho tàng, quân cảng, tàu thuyền vận chuyển tiếp tế trên sông Hiếu, cảng Cửa Việt lên Đông Hà và tuyến đồn bốt từ cao điểm 12,31, Dốc Miếu, quận lỵ Gio Linh, cao điểm 39, Cồn Tiên – Đông Hà.
Bia tưởng niệm 55 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến tại Gio Thành ngày 6/5/1968 |
108 ngày đêm chiến đấu khốc liệt
Dù sức khỏe không được tốt, nhưng Đại tá Trần Văn Thà - người trực tiếp tham gia suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ tại Quảng Trị và là người trực tiếp chỉ huy chiến dịch Mậu Thân tại vùng Đông Gio Linh, vẫn vượt đường xa về Quảng Trị. Sự có mặt của ông tại Quảng Trị - mảnh đất ác liệt năm xưa trở nên ý nghĩa để tri ân các liệt sĩ đã ngã xuống và cũng là niềm động viên tinh thần đối với những người lính ông chỉ huy năm xưa.
Đại tá Trần Văn Thà - người chỉ huy chiến dịch năm xưa gặp lại các chiến sĩ |
Dưới nắng gắt, vị “thủ lĩnh” chiến dịch ấy năm nay đã 90 tuổi vẫn ôn tồn hỏi chuyện từng người. Tại sân bia tưởng niệm các liệt sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270 đã hy sinh trong chiến Mậu Thân tại huyện Gio Linh, các cựu binh tay bắt mặt mừng vây lấy thủ trưởng của mình. Những người lính năm xưa đã từng “vào sinh ra tử”, sát cánh bên nhau giữa khói lửa chiến tranh để đánh đuổi kẻ thù, giải phóng quê hương.
Trở về thăm chiến trường xưa, tri ân đồng đội đã hy sinh, các cựu quân nhân bồi hồi nhớ lại ký ức về những trận chiến khốc liệt xảy ra cách đây 50 năm.
Cựu quân nhân Lê Hữu Trạc dâng hương tri ân đồng đội đã ngã xuống |
Kể về trận chiến, Đại tá Trần Văn Thà cho biết: Để thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tấn công Mậu Thân đánh thẳng vào sào huyệt Mỹ - Ngụy, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã chọn chiến trường Khe Sanh – Quảng Trị làm mũi đột phá, vừa là mũi nghi binh thần diệu, vừa để giam chân những Sư đoàn chủ lực Mỹ, tạo điều kiện cho mặt trận Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn đồng loạt tấn công. Để yểm trợ cho mặt trận Khe Sanh – Hướng Hóa, Bộ Tư lệnh B5 đã giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 47, thuộc Bộ Tư lệnh Vĩnh Linh, phối hợp cùng đặc công Hải quân, quân và dân các xã khu đông Gio Linh và một số đơn vị hỏa lực phối thuộc khác bằng mọi giá phải “bóp chặt” cuống họng sông Cửa Việt, chặn đứng sự tiếp tế của Mỹ lên phía Tây, đảm bảo cho cuộc vây áp Khe Sanh thắng lợi.
Cuộc hội ngộ giữa những người lính và vị chỉ huy để lại nhiều cảm xúc |
“Cuộc chiến đấu bên bờ sông Cửa Việt đã diễn ra từ ngày 20/1/1968, kéo dài đến gần nửa năm 1968, với biết bao hy sinh to lớn. Với những trận đánh thần kỳ, chiến thắng vang dội đã trở thành mốc son chói lọi trong trang sử vàng truyền thống của Tiểu đoàn 47 và của quân dân khu Đông Gio Linh.
Tròn 50 năm trôi qua, nhìn lại trận chiến 108 ngày khốc liệt và rất đỗi tự hào ấy, chúng ta không khỏi bồi hồi, thương nhớ các liệt sĩ, những người dân đã ngã xuống trên mảnh đất này. Chúng ta hiểu sâu sắc rằng, xương máu của những liệt sĩ ấy giờ đây đã làm bật dậy những mầm xanh, những cánh đồng, những làng mạc trù phú ở vùng đông này”, Đại tá Trần Văn Thà xúc động.
Trong ký ức của vị chỉ huy, 108 ngày đêm năm đó không thể nào quên. Đại tá Trần Văn Thà cho biết: “Trong chiến dịch Mậu Thân, Tiểu đoàn 47 phải đọ sức với 3 tiểu đoàn viễn chinh của Hoa Kỳ, đánh 198 trận, tiêu diệt 346 lính Mỹ, bắn cháy và chìm 35 tàu vận tải của Mỹ, tiêu diệt 43 xe bọc, bắn rơi 5 máy bay, bắt 1 trung úy Mỹ làm tù binh”.
Các cựu binh và thân nhân các liệt sĩ trao đổi thông tin |
Cũng theo Đại tá Trần Văn Thà, chiến công ấy đã đánh gục Tiểu đoàn 3/1, thuộc Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến, được mệnh danh là “bão táp” Hoa Kỳ.
Những đồng đội cũ gặp nhau, cùng ôn lại trận đánh khốc liệt cách đây 50 năm |
Trận đánh “giáp lá cà” giữa cánh đồng
Đại tá Trần Văn Thà kể lại: Sau trận đánh thử của lực lượng ta vào quân đồn trú của địch ở Nhĩ Hạ vào đêm 5/5/1968, quân Mỹ dùng lực lượng để nhằm đẩy quân ta ra xa. Từ 5h ngày 6/5/1968, hỏa lực pháo các loại của Mỹ bắn xối xả. Đến 6h, có 4 máy bay Mỹ ném bom vào làng Nhĩ Trung, xóm Phường khiến nhà dân tan hoang, cây cối tiêu điều, khói lửa trùm lên cánh đồng Nhĩ Trung.
“Khoảng 9h30, quân Mỹ dần tiến vào với đội hình dày đặc, bộ binh dừng từng chặng xả súng vào làng. Đợi cho quân địch thọc sâu vào trận địa mai phục, quân ta nhất loạt dội bão lửa vào quân Mỹ. Các xe thiết giáp bùng cháy. Khi phát lệnh xung phong, các chiến sĩ Tiểu đoàn 47 xông lên đánh “giáp lá cà” khiến quân địch hoảng hốt. Đơn vị của Nguyễn Quang Triêm hạ gục một toán lính Mỹ”, Đại tá Thà thông tin.
Cựu binh Nguyễn Xuân Dòng đi trên cánh đồng, nơi xảy ra cuộc chiến ác liệt 50 năm trước |
Chiến sĩ trực tiếp tham gia trận chiến khốc liệt ngày ấy - cựu binh Nguyễn Xuân Dòng, liên lạc Đại đội 2, nhớ lại: “Trận đánh cách đây 50 năm diễn ra vô cùng ác liệt. Trận đánh kéo dài từ sáng đến chiều tối chúng tôi mới dám ra tìm anh em hy sinh. Chúng tôi khiêng người hy sinh ra trước, còn lại một số người chết thì đặt xuống hàng khoai lang, dấu lại để hôm sau vào lấy. Trong trận đánh ấy, lực lượng ta đã bắt được 1 lính Mỹ. Tôi và một số anh em là những người sau cùng ra khỏi trận địa”.
Không ít lần quay trở lại Quảng Trị để tri ân đồng đội đã ngã xuống - cựu binh Nguyễn Chiến Thắng (hiện sống ở Thanh Xuân, Hà Nội) - chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 vẫn mang cảm xúc bồi hồi, khó quên. Trận đánh xảy ra cách đây 50 năm, những đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này. 55 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 4 đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ quê hương.
Những cựu quân nhân Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270 |
Trong ký ức của cựu quân nhân Nguyễn Hữu Ngật (khóm 2, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh), chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, trận đánh sáng 6/5/1968 không thể nào quên. Ngày hôm nay, các ông trở lại Gio Thành để dâng nén tâm nhang lên những đồng đội đã ngã xuống. Trước anh linh các liệt sĩ, những cựu binh đều mang tâm trạng bồi hồi, xúc động.
Cuộc chiến 108 ngày đêm trên vùng đất khu Đông Gio Linh, với sứ mệnh chặn đường tiếp tế của Mỹ lên Khe Sanh đã hoàn thành xuất sắc. Khe Sanh bị bao vây, không được tiếp tế khiến quân lính hoang mang cực độ. Lầu Năm Góc lo sợ một “Điện Biên Phủ” thứ 2 nên đã vội vàng rút quân khỏi căn cứ Khe Sanh. Quân chủ lực B5 cùng với nhân dân các địa phương nhất loạt tấn công, nổi dậy giải phóng hoàn toàn Hướng Hóa.
Tác giả: Đăng Đức
Nguồn tin: Báo Dân trí