Kinh tế

Cú “đánh úp” bất ngờ, loạt nữ đại gia bị mất tiền tỷ

“Nữ hoàng thuỷ sản” Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Vĩnh Hoàn, vợ chồng bà Chu Thị Bình, bà chủ Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) là những người bị thiệt hại khá nặng nề về tài sản trên sàn chứng khoán trong phiên lao dốc bất ngờ chiều hôm qua.

Phiên giao dịch chiều cuối tuần, thị trường chứng kiến tình trạng lao dốc của các chỉ số chính trong bối cảnh áp lực bán ra mạnh còn lực cầu thì quá yếu.

VN-Index đánh mất tới 9,46 điểm tương ứng 0,98% còn 959,88 điểm và HNX-Index mất 0,97 điểm tương ứng 0,92% còn 104,35 điểm.

Trong một phiên hàng giảm giá la liệt trên thị trường, thanh khoản vẫn vô cùng yếu. Chỉ có 136,53 triệu cổ phiếu được giao dịch trên sàn HSX tương ứng tổng dòng tiền đổ vào sàn này là 3.246,84 tỷ đồng; khối lượng giao dịch tại HNX cũng chỉ đạt 26,8 triệu cổ phiếu tương ứng 359,87 tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu bị sụt giá rất mạnh, có thể kể đến GAS (giảm 3,5%), PNJ (giảm 2,9%), DPM (giảm 2,2%), EIB (giảm 2,2%), GMD (giảm 2,2%), MWG (giảm 1,7%) ...

Sắc xanh chỉ le lói ở một số ít cổ phiếu như SAB (tăng 1,3%), MSN (tăng 0,4%), HPG (tăng 0,3%)... Trong đó, chỉ riêng mức giảm mạnh tại GAS đã khiến VN-Index bị lấy mất 2,17 điểm; VNM khiến VN-Index thiệt hại 1,04 điểm. SAB đóng góp mạnh nhất nhưng cũng chỉ “đỡ” cho VN-Index được 0,67 điểm.

Nhóm cổ phiếu có vốn hoá trung bình thiệt hại nặng nề, như ANV (giảm 7%), PVD (giảm 5,1%), HDG (giảm 4,6%), PHR (giảm 3,8%), DPR (giảm 3,8%), CMG (giảm 3,7%), DXG (giảm 3,4%), HBC (giảm 3%), VHC (giảm 2,7%) ...

Sau nhiều phiên giao dịch giằng co, thị trường bất ngờ bị "đánh úp" vào phiên chiều cuối tháng 5

Trên quy mô thị trường, số mã giảm giá hoàn toàn áp đảo số mã tăng. Có tổng cộng 365 mã giảm, 38 mã giảm sàn so với 259 mã tăng và 58 mã tăng trần.

Với phiên giao dịch này, “nữ hoàng thuỷ sản” Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Vĩnh Hoàn bị mất suýt soát 100 tỷ đồng; vợ chồng bà Chu Thị Bình - chủ thương hiệu Minh Phú mất hơn 43 tỷ đồng và giá trị tài sản trên sàn của bà chủ PNJ - Cao Thị Ngọc Dung cũng bị giảm gần 47 tỷ đồng.

Tổng kết lại một tuần vừa qua, BVSC nhận xét, thị trường đã có tuần giao dịch kém tích cực với chỉ 1 phiên tăng và 4 phiên giảm liên tiếp đến cuối tuần. Kết thúc tuần, chỉ số VN-Index giảm 10,15 điểm tương đương 1,05% về mức 959,88 điểm. Trên sàn HNX, chỉ số HnxIndex đóng cửa tuần ở mức 104,35 điểm, giảm 1,05 điểm tương đương 0,99% so với cuối tuần trước.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index tuần qua là VHM, GAS và BID khi lấy đi của chỉ số lần lượt 2,50, 1,26 và 1,02 điểm. Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index là SAB, VCB và VJC khi đóng góp vào chỉ số lần lượt 1,11, 0,78 và 0,75 điểm tăng. Giá trị giao dịch trung bình phiên tuần qua trên sàn HSX đạt 3.522 tỷ đồng/phiên, tương ứng với khối lượng giao dịch là 146 triệu cổ phiếu/phiên.

Về diễn biến nhóm ngành tuần qua, đa phần các nhóm ngành đều giảm điểm. Nhóm cổ phiếu dầu khí giảm 4,90% do các cổ phiếu PVS, PVD, PLX và GAS giảm lần lượt 5,04%, 4,83%, 4,39% và 2,07%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 1,29% do ảnh hưởng bởi diễn biến tiêu cực của các cổ phiếu trong ngành như CTG, BID, TCB và VPB khi giảm lần lượt 4,25%, 3.08%, 2,59% và 2,41%. Các nhóm khác như chứng khoán, thực phẩm hay dược phẩm đều giảm nhẹ.

Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại có tuần bán ròng trên sàn HSX tuần qua với giá trị gần 255 tỷ đồng.

Tuần tới, VN-Index dự kiến sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng 955-960 điểm trong những phiên giao dịch đầu tuần tới. Chỉ số được kỳ vọng sẽ sớm cho phản ứng hồi phục tại vùng điểm này để hướng đến thử thách vùng cản 968-972 điểm.

Mặc dù vậy, BVSC cũng lưu ý rằng, nếu chỉ số tiếp tục xuyên thủng vùng hỗ trợ trên thì nguy cơ thị trường giảm mạnh về các vùng hỗ trợ sâu hơn như 935-945 điểm hay 910-920 điểm trong thời gian tới là điều cần được tính đến.

Về diễn biến một số nhóm ngành, các cổ phiếu dầu khí đang chịu áp lực từ xu hướng điều chỉnh mạnh của giá dầu thế giới nên nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh thêm một vài phiên trong tuần tới, trước khi có thể xuất hiện phản ứng hồi phục trở lại về cuối tuần. Nhóm ngân hàng và một số cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn duy trì xu hướng giảm và có thể sẽ lùi về kiểm định vùng đáy cũ trong tuần tới.

Trong bối cảnh thị trường đang có xu hướng biến động mạnh theo hướng tiêu cực trong ngắn hạn, nhà đầu tư được khuyến nghị nên tiếp tục đứng ngoài thị trường và xem xét giảm tỷ trọng danh mục về mức trung bình thấp 20% cổ phiếu.

Tác giả: Bích Diệp

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP