Giáo dục

Cổng trường đổ đè gãy xương bé lớp 1, phụ huynh “tố” nhà trường bàng quan

Sự việc xảy ra vào 16h ngày 12/10, bé gái P.T.K.H. (học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tam Quan 1, Vĩnh Phúc) đang đi từ lớp học ra cổng để mẹ đón về thì bị cánh cổng sắt lớn đổ đập vào gãy xương quai xanh.

Phụ huynh “tố” lãnh đạo nhà trường bàng quan, thiếu trách nhiệm

Sau khi vụ việc xảy ra, phụ huynh em P.T.K.H bức xúc cho rằng, lãnh đạo trường Tiểu học Tam Quan 1 (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) tỏ ra bàng quan, “không có động thái gì” đối với trường hợp tai nạn của con gái anh. Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh với phụ huynh này rằng "nhà trường không có quỹ gì và không có trách nhiệm phải đến thăm hỏi cháu - trách nhiệm thăm hỏi là của cô giáo chủ nhiệm".

Ngay sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội, vụ việc đã gây hàng trăm tranh luận trái chiều: Lỗi thuộc về ai? Ai đúng, ai sao? Ai phải chịu trách nhiệm?...

Bé P.T.K.H. gãy xương quai xanh, sưng trợt đầu gối vì bị cửa sắt cổng trường đổ đè vào người, hiện đang điều trị tại bệnh viện tỉnh Vĩnh Phúc.

Trao đổi với PV Dân trí, anh Phạm Văn Đạt (thôn Nhân Lý, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo) cho hay: "Con gái anh tan học đi ra đến cổng trường thì cánh cổng sắt bất ngờ đổ vào người (cháu không hề có tác động gì vào cánh cổng). Lúc này, cũng có các bé khác nô đùa gần đó nhưng chạy tránh được, còn bé H. vừa đi tới lại bất ngờ nên không phản ứng kịp.

Bé được cô giáo chủ nhiệm ra hỏi thăm, nhờ ô tô của một phụ huynh khác đưa đi cấp cứu ở bệnh viện huyện Tam Đảo trong tình trạng hoảng loạn, đầu gối chảy máu sưng. Sau khi chụp x-quang xác định xương quai xanh bị gãy lìa. Tối qua 13/10, bé được chuyển xuống bệnh viện tỉnh để bó bột".

Cổng trường Tiểu học Tam Quan 1 - nơi xảy ra sự việc.

Tối qua 13/10, bé H. được chuyển xuống bệnh viện tỉnh Vĩnh Phúc để bó bột.


Phụ huynh Phạm Văn Đạt cho biết thêm, sáng ngày 13/10 nhà trường đã thuê thợ cơ khí đến gia công lại cổng sắt.

Sáng nay 14/10, anh Đạt đã đến trường gặp ông Trần Xuân Ngọc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Quan 1, Vĩnh Phúc để hỏi ý kiến/động thái của nhà trường đối với trường hợp gặp tai nạn ở trường học của con gái mình.

Theo lời phụ huynh này kể, ông Trần Xuân Ngọc đặt câu hỏi lại rằng: "Bây giờ các thầy cô giáo ốm thì phụ huynh có đến hỏi thăm hỏi chưa?

Hiện chúng tôi có hơn 800 học sinh. Giáo viên chỉ có trách nhiệm quan tâm dạy dỗ, nếu các cháu ốm đau thì nhà trường cho nghỉ. Còn nhà trường không có quỹ gì để đến thăm hỏi cháu được.

Có chăng, lớp có quỹ lớp thì mua cân đường hay hộp sữa đến hỏi thăm, còn nhà trường không có trách nhiệm đến thăm hỏi. Chúng tôi không đi được cả xã”.

Kết lại, vị hiệu trưởng nhấn mạnh: "Cháu nhỏ đến trường học không may xảy ra tai nạn thì không ai mong muốn. Tạo điều kiện thì chúng tôi làm. Thăm hỏi cháu thì cô giáo chủ nhiệm đến thăm".

Cho rằng lãnh đạo nhà trường có thái độ bàng quan và “đùn đẩy” trách nhiệm cho cô giáo chủ nhiệm, anh Phạm Văn Đạt bức xúc: "Con tôi bị tai nạn gãy xương quai xanh, ngay tại trường nhưng lãnh đạo nhà trường không có động thái gì (không gọi điện hay đến hỏi thăm…). Là một phụ huynh, tôi cho rằng trách nhiệm của nhà trường đối với con em nói riêng và học sinh trong trường nói chung chưa trọn vẹn.

Gia đình tôi không nhu cầu thầy hiệu trưởng hỗ trợ tiền nong hay điều gì cao cả - chỉ cần việc xảy ra trong nhà trường do cơ sở vật chất của nhà trường tạo tình huống xấu thì lỗi đấy có phần của nhà trường. Người đứng đầu là thầy hiệu trưởng lại đùn đẩy, không có ý kiến gì về trách nhiệm thì cần xem xét lại. Hàng năm đi học, phụ huynh chúng tôi đều đóng đầy đủ tiền cơ sở vật chất cơ cho con em mình cơ mà?", anh Đạt bức xúc.

Theo quan sát, bản lề cánh cửa sắt cổng trường đã bị hoen rỉ.

Lãnh đạo nhà trường: “Không thể quan tâm tất cả tiền viện phí”

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Xuân Ngọc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Quan 1 cho hay, lời phụ huynh thuật lại chỉ là “một chiều”, thiếu chính xác. Không phải em H. tan học thì bất ngờ cánh cửa sắt tự nhiên đổ vào người mà không có bất kì tác động nào.

Khi tai nạn bất ngờ xảy ra thì các thầy cô nhà trường đang họp chuyên môn. Chỉ có vài phụ huynh đứng đợi con chứng kiến kể lại (bố mẹ em H. cũng chưa đến).

“Theo đó, khoảng 16h10 phút ngày 12/10, em P.T.K.H. - học sinh lớp 1A của trường ra cổng để đứng đợi gia đình đến đón. Tuy nhiên, em này sau đó đã trèo lên cánh cổng chính bằng sắt của trường. Lúc ấy cánh cổng chính đang mở và khép vào bờ của phía cổng phụ thì bất ngờ đổ sập xuống, đè lên người em H. gây tai nạn đáng tiếc”, ông Ngọc cho hay.

Vị hiệu trưởng “bác” thông tin phụ huynh cho rằng nhà trường bàng quan, thờ ơ, thiếu trách nhiệm.

Theo ông Ngọc, gia đình học sinh có ngỏ ý với một giáo viên vào viện thăm cháu H., về việc nhà trường thanh toán viện phí thì điều này, nhà trường không lo hết được. Còn việc quan tâm hỏi han thì không phải không quan tâm.

"Sự việc đã được các cô giáo báo cáo lên BGH nhà trường và lập tức chúng tôi đã cử người đưa cháu H. sang trạm y tế xã để sơ cứu ban đầu. Sau đó, nhà trường cũng cử giáo viên đi cùng với gia đình đưa cháu H. xuống Trung tâm y tế của huyện để chụp chiếu, điều trị.

Sáng nay, trường cũng cử 1 Hiệu phó và cô giáo khối trưởng Khối 1 tới bệnh viện thăm và động viên gia đình cháu”, ông Ngọc dẫn chứng.

Cũng theo ông Ngọc, chiếc cổng trường làm bằng sắt và thấp như cánh cổng ở nhà dân bình thường. Có thể do thời gian sử dụng lâu ngày nên bản lề của cổng bị hỏng.

Vị hiệu trưởng nhấn mạnh: “Nhìn cánh cửa trường vẫn khỏe khoắn. Tôi mới về trường được 2 năm nay. Hàng ngày anh bảo vệ mở ra - mở vào cánh cổng vẫn đấy, tai nạn xảy ra do gãy bản lề. Rủi ro cũng rất khó. Chúng tôi cũng sai khi không ngó nghiêng đến nhưng quả thực, công việc nhà trường có rất nhiều khía cạnh. Tôi cũng rất quan tâm sửa chữa mọi cái, ai ngờ đâu cánh cổng lại bị thế. Phụ huynh không hài lòng cũng không biết làm sao nữa, đành cứ trách mình vậy”.

Ông Ngọc cũng bày tỏ tâm trạng buồn khi những cái nhà trường quan tâm chưa chắc được phụ huynh ghi nhận, còn đôi khi thiếu sót thì phụ huynh không hài lòng, bức xúc khiến nhà trường rất áp lực.

Theo đó, vị hiệu trưởng cho hay vì gia đình em H. thuộc hộ nghèo hoàn cảnh khó khăn nên ngay sau khi xảy ra tai nạn, dù em H. không đóng bảo hiểm thân thể nhưng nhà trường vẫn linh động trao đổi và cho gia đình nộp tiền làm ngay dù đã muộn hạn nộp một chút. Lãnh đạo nhà trường cũng đã bàn đến việc sẽ vận động thầy cô, học sinh quyên góp trong trường ủng hộ cho em H. Còn viện phí của em H. thì nhà trường không thể chịu trách nhiệm được.

“Ở nhà có 1-2 cháu bố mẹ còn không trông nổi. Đằng này 1 cô trông 30-40 cháu học sinh. Chúng tôi luôn cố gắng làm hết trách nhiệm. Phụ huynh phải đến đón con đúng giờ nhưng lúc em H. tan phụ huynh cũng chưa có mặt, em H. tan trường chưa có ai đón nên leo lên cánh cổng nghịch ngợm.

Người tích cực có thể hiểu, người không tích cực lại hỏi tại sao cháu học sinh bị tai nạn nhưng lúc đó không có thầy cô nào ở đó”.

“Có những cái sơ hở thì phụ huynh không vừa lòng, còn những cái đã làm thì họ đâu ghi nhận. Thầy cô đã cống hiến hết mình vì nghề mà còn bị phụ huynh chèn ép nữa thì áp lực rất nặng nề. Như thế chúng tôi không còn dám mạnh dạn trong các vấn đề nữa”, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tam Quan 1 bày tỏ.

Tác giả: Lệ Thu

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP