Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, lãnh đạo một số địa phương trong nước và các tỉnh của Lào, Thái Lan. Cùng với Ninh Thuận và một số tỉnh khác, Hà Tĩnh đã chọn nhà tư vấn nước ngoài là Tập đoàn Monitor (Hoa Kỳ) trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội có tầm nhìn đến năm 2050, được các nhà đầu tư đánh giá cao, làm nền tảng cho Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Theo ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, quy hoạch này phù hợp với quy hoạch chiến lược phát triển KT-XH cả nước, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tăng cường hợp tác quốc tế, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển KT-XH.
Chiều nay 27/4, tại Hà Tĩnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tỉnh Hà Tĩnh đã công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh. Qua đó, Hà Tĩnh kỳ vọng đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người nằm trong nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh phải cụ thể hoá quy hoạch bằng các chương trình, kế hoạch hàng năm và 5 năm – Ảnh VGP/Lê Sơn
Theo đó, quy hoạch tập trung vào nguồn lực để phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế động lực, phát triển mạnh kinh tế biển và ven biển, tạo chuyển biến căn bản, đột phá về chất lượng tăng trưởng gắn với thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, từng bước xây dựng Hà Tĩnh dần trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Qua đó, phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người nằm trong nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước.Cụ thể, Hà Tĩnh kỳ vọng tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 2011-2020 đạt 18,4%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm vào năm 2035 và đạt 97,7 triệu đồng/người/năm vào năm 2020. Đến năm 2020 tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn chiếm 13,1%, công nghiệp chiếm 54,7% và dịch vụ chiếm 32,2%. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 đạt 383 triệu USD và 2 tỷ USD vào năm 2020.
Vẫn theo ông Võ Kim Cự, lãnh đạo Hà Tĩnh xây dựng định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực với mục tiêu đến 2020 sản xuất thép đạt 8,5 triệu tấn/năm và 15-20 triệu tấn/năm vào năm 2030, đưa Hà Tĩnh trở thành địa phương sản xuất thép lớn nhất cả nước. Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như hệ thống thuỷ lợi, kho chứa, cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, khu tránh trú bão cho thuyền bè…Phát triển nhanh lĩnh vực thương mại và dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng, hỗ trợ các ngành và lĩnh vực khác phát triển, nhất là thúc đẩy thương mại với Lào, Đông bắc Thái Lan, Trung Quốc và khối ASEAN.
Tại Hội nghị, thay mặt các nhà đầu tư đang hoạt động tại Hà Tĩnh, đại diện Tập đoàn Formosa (Đài Loan) với dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam là 10 tỷ USD nhằm xây dựng khu gang thép lớn nhất Việt Nam tại Khu kinh tế Vũng Áng và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Đầu tư nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1) đánh giá cao sự năng động, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trong việc kêu gọi, thúc đẩy và tạo điều kiện cao nhất cho các nhà đầu tư vào Hà Tĩnh tìm hiểu, xúc tiến đầu tư.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đạt được trong những năm qua, tạo nền tảng quan trọng để Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết đầu tư giữa lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các tập đoàn – Ảnh VGP/Lê Sơn
Hội nghị công bố quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của Hà Tĩnh là sự kiện quan trọng đối với Hà Tĩnh và khu vực miền Trung, là cơ hội để quảng bá, kêu gọi, xúc tiến đầu tư đối với các tiềm năng, lợi thế, cơ chế, chính sách và cơ hội đầu tư tại Hà Tĩnh. Minh chứng rõ nhất là thu ngân sách năm 2012 tăng 3 lần so với năm 2010, tổng số vốn FDI đăng ký đạt trên 17 tỷ USD, riêng đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thứ 6 cả nước với nhiều dự án quy mô lớn.Để quy hoạch tổng thể này không nằm trên giấy, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh phải cụ thể hoá bằng các chương trình, kế hoạch hàng năm và 5 năm. Thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi tăng trưởng một cách mạnh mẽ để Hà Tĩnh thay đổi lớn hơn nữa, đáp ứng mong mỏi và kỳ vọng của nhân dân. Lãnh đạo tỉnh cần quan tâm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong khu vực cũng như với nước bạn Lào, Thái Lan nhằm hợp tác chia sẻ nguồn lực, cơ sở vật chất để cùng phát triển. Tỉnh cần quan tâm đến đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới và tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước trên tất cả các ngành, lĩnh vực và năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Cũng trong Hội nghị này, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng đã trao Giấy chứng nhận đầu tư và ký cam kết đầu tư với một số tập đoàn, công ty trong và ngoài nước đang hoạt động đầu tư vào Hà Tĩnh với hơn 2,5 tỷ USD. Năm 2012 tỉnh Hà Tĩnh đã xếp ở vị trí thứ hai trong số các địa phương thu hút nhiều đầu tư nước ngoài với 2,148 tỷ USD, chỉ đứng sau Bình Dương.
Lê Sơn
Chính Phủ