Kinh tế

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm

Ngày 19/11, Bộ Tài chính họp báo chuyên đề về Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước, trong đó nhận định rằng tiến độ triển khai cổ phần hóa trong 9 tháng năm 2018 còn chậm, có khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo kế hoạch đề ra, trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ cổ phần hóa (CPH) 127 doanh nghiệp (DN). Năm 2016 đã CPH 66 DN (trong đó có 7 DN thuộc danh sách năm 2017 theo kế hoạch tại công văn số 991/QĐ-TTg) với tổng giá trị DN là 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 27.328 tỷ đồng. Năm 2017 đã CPH 69 DN (trong đó có 17 DN thuộc danh sách năm 2017 theo kế hoạch tại công văn số 991/QĐ-TTg) với tổng giá trị DN là 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng.

Trong 11 tháng đầu năm 2018 đã CPH 11 DN (trong đó có 2 DN thuộc danh sách năm 2017 và chưa có DN nào thuộc danh sách 2018 theo kế hoạch tại công văn số 991/QĐ-TTg) với tổng giá trị DN của 11 DN là 29.634 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.329 tỷ đồng. Như vậy, đến nay đã CPH được 26/127 DN trong kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/QĐ-TTg (chiếm 20,4%).

Số liệu từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cũng cho thấy tình hình hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN sau khi thực hiện cổ phần hóa có nhiều thay đổi. Bên cạnh những DN tổng tài sản tăng, lợi nhuận tăng thì vẫn có DN phát sinh lỗ. Như vậy có thể thấy, vẫn còn tồn tại một số DN cổ phần hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu.

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, cho rằng cần xem lại trách nhiệm của lãnh đạo khi nói về việc một số DN sau CPH có chiều hướng hoạt động đi xuống.

Theo phân tích của ông Tiến, trong quá trình CPH, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước. Một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chậm sửa đổi bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư, nguyên nhiên vật liệu để phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế, từ đó chậm đổi mới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Vì thế, quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa.

Tác giả: Thúy Hằng

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP