Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm - giáo viên môn Toán, Trường THPT Thiên Hộ Dương (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Thảo |
Năm 2009, khi vừa mới ra trường được một năm, cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm, lúc đó đang dạy ở Trường THPT Tân Thành A (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) không may gặp tai nạn trên đường đi vận động học trò đến lớp. Tỉnh dậy trong bệnh viện, cô Tâm thấy mình đã mất một bên chân trái.
“Sốc và không chấp nhận thực tế là cảm xúc đầu tiên ập đến với mình. Từ một người lành lặn, mình trở thành một người khuyết tật” – cô Tâm chia sẻ.
Cô giáo trẻ tự hỏi, liệu khi trở về trường, các em học sinh có còn chấp nhận mình hay không.
“Tình thương của gia đình, đồng nghiệp và học trò đã giúp mình thoát ra khỏi những suy sụp và tuyệt vọng ban đầu”.
Lúc đó, trong cô chỉ có một suy nghĩ rằng, nếu như mình đau đớn một phần thì người sinh ra mình còn đau đớn gấp trăm ngàn lần. Chính vì thế mà cô giáo trẻ không cho phép mình gục ngã.
“Mình nghe kể lại thời điểm gặp sự cố, khi được chở tới bệnh viện, chân mình bị dập nát. Mẹ chứng kiến cảnh đó đã không chịu nổi, rồi ngất xỉu. Mình được cấp cứu phòng bên này thì mẹ nằm ở phòng bên kia. Về sau, mẹ có nói lại là trong những lúc nửa mê nửa tỉnh, mẹ vẫn luôn nghĩ đến mình”.
Những ngày tháng khó khăn nhất cũng là lúc cô Tâm cảm nhận được rõ nhất tình yêu thương của các đồng nghiệp, học trò dành cho mình.
“Lúc mình còn nằm viện, các em luôn tìm mọi cách để liên lạc với mình. Tranh thủ những lúc rảnh, các em nhắn tin, hỏi thăm sức khỏe, chia sẻ chuyện trường chuyện lớp, kể những câu chuyện vui cho mình nghe. Đến khi xuất viện, mình về ở trong nhà công vụ của trường, thời gian đó các em thay phiên nhau đến thăm để mình không buồn, sợ mình nghĩ tiêu cực. Các em đến từ sáng sớm, mang theo tấm lòng của mình gửi gắm qua từng con cá, bó rau, hộp sữa” – cô Tâm kể.
“Tình thương đó làm mình cảm thấy rất ấm áp và hạnh phúc. Nó giúp mình không nghĩ nhiều về khiếm khuyết của mình nữa, mà tự nhủ với bản thân phải cố gắng để không phụ tấm lòng mọi người đã dành cho mình”.
Sau khi tai nạn xảy ra, cô Tâm quay trở lại trường và được nhà trường bố trí cho làm một công việc hành chính, tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn, thấy nhớ bục giảng và học trò, cô xin nhà trường cho đứng lớp trở lại.
Mọi thứ không dễ dàng ngay lập tức với cô giáo trẻ. Một lá đơn gửi đến nhà trường phản đối việc đổi giáo viên. Dù rất buồn, cô Tâm vẫn tới lớp chia sẻ những nỗi niềm và niềm khao khát được đi dạy trở lại với các em. Hết tiết học hôm đó, một em học sinh đã gửi một bức thư tới cô, thay mặt cả lớp xin lỗi cô và mong muốn cô tiếp tục đứng lớp.
Cứ thế, cô Tâm dần làm quen với cuộc sống thiếu đi một bên chân bằng tất cả những nỗ lực của mình.
Sau này, khi thấy cô gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, Sở GD-ĐT Đồng Tháp đã tạo điều kiện để cô chuyển về dạy ở Trường THPT Thiên Hộ Dương, cách nhà cô chỉ 5-10 phút chạy xe.
Dù mất một chân, cô Tâm vẫn hăng hái tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao như một tấm gương về nghị lực sống cho các học trò của mình. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Từ khi gặp tai nạn, cô giáo sinh năm 1986 suy nghĩ nhiều hơn về những số phận không gặp may mắn như mình, những khó khăn mà họ gặp phải. Sự đồng cảm thôi thúc cô thành lập nhóm thiện nguyện Nhất Tâm vào năm 2015. Các thành viên của nhóm gồm nhiều người ở những độ tuổi khác nhau, làm những công việc khác nhau nhưng điểm chung của họ là mong muốn được sẻ chia.
Là giáo viên, lại gặp tai nạn, cô Tâm không có khả năng tài chính để bỏ tiền túi ra làm từ thiện. Thứ duy nhất cô có là tấm lòng và sức lao động của bản thân. Nghĩ gì làm nấy, để gây quỹ cho các hoạt động của nhóm, vào những ngày lễ tết như 8/3, 20/10, 20/11…, cô Tâm cùng mọi người đi bán hoa để có tiền giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.
“Khi mình làm những hoạt động thiện nguyện này, bạn bè cũng biết tới và đóng góp. Qũy của nhóm không có nhiều nhưng mọi người làm trên tinh thần có bao nhiêu giúp bấy nhiêu” – cô giáo chia sẻ.
Những đối tượng đầu tiên được cô Tâm tìm đến là các cụ già neo đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật ở trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh. Đôi khi không phải những món quà vật chất, mà chính những chia sẻ về mặt tinh thần mới là thứ khiến những người gặp khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống lấy lại niềm tin và sự lạc quan, cô Tâm nói.
“Việc đi lại của mình hạn chế so với những người lành lặn, nhưng mình rất thích cái cảm giác được tìm đến với từng hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ họ dù món quà chỉ là chút ít, đôi khi chỉ là những hỗ trợ về mặt tinh thần”.
Vừa giảng dạy trên lớp, vừa tổ chức các hoạt động thiện nguyện, có những khi cô phải làm nhiều việc cùng một lúc nhưng chỉ cần nghĩ đến kết quả là được giúp đỡ mọi người là cô lại có động lực để tiếp tục. “Hiểu được những nỗi đau cùng cảnh như mình, mình hay đến gặp những hoàn cảnh gặp tai nạn mất một phần cơ thể giống như mình để tìm cách động viên, chia sẻ, lấy câu chuyện của bản thân để tạo động lực cho họ”.
Tính tới hiện tại, cô Tâm đã chia sẻ được với 7-8 người bị tai nạn mất chân và cô rất vui vì nhờ có sự chia sẻ của mình, họ có niềm tin hơn vào cuộc sống, yêu đời hơn.
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại của mình, cô nói, cuộc sống đã bớt khó khăn hơn. Số tiền đền bù sau vụ tai nạn giúp cô mua được đôi chân giả và chiếc xe tay ga để đi lại. "Chân mình như thế này thì không đi được xe số. Nhưng sau khi mua chân giả xong cũng là lúc mình hết tiền, không thể lắp thêm 2 bánh xe để đi. Thế là mình phải học cách đi xe 2 bánh như mọi người bằng đôi chân này. Những lúc trời mưa hay đường đông, mình sẽ bị ngã. Khi ngã, chiếc dây ở chân giả sẽ bị đứt. Mỗi lần hư hỏng, mình phải ra tận Sài Gòn mới sửa được". Nhưng rất may mắn, gần đây đã có một mạnh thường quân hỗ trợ cô kinh phí để lắp thêm 2 bánh xe để đi cho an toàn.
Mong muốn lớn nhất của cô Tâm bây giờ giản dị và đúng như cái tên mà cô đang mang, đó là truyền cảm hứng cho thật nhiều người kém may mắn như mình để họ tiếp tục sống vui và có ích cho cuộc đời.
Tác giả: Nguyễn Thảo
Nguồn tin: Báo VietNamNet