Mong cơ thể mẹ có thể cứu sống được nhiều người khác
Gần 2 tuần trôi qua từ lúc người mẹ ruột vĩnh viễn rời xa, cả 2 chị em Nguyễn Thị Sáng (19 tuổi), Nguyễn Thị Lương (17 tuổi) vẫn chưa thôi cầm nước mắt. Đứa em út của Sáng mới hơn 1 tuổi Nguyễn Ngọc Thùy còn quá nhỏ để cảm nhận được nỗi đau, mất mát của gia đình, chỉ thỉnh thoảng khóc réo lên vì đòi mẹ.
Căn nhà cấp 4 nằm cuối thôn Tân Định (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) từ những ngày qua vắng bóng tiếng cười trẻ thơ, khói hương nghi ngút. Anh Nguyễn Tiến Đường (44 tuổi, cậu ruột của Sáng) cho biết, đã quyết định đón cả 3 cháu về quê nhà chăm sóc sau khi chị Nguyễn Thị Liễu (mẹ Sang) qua đời vì tai nạn.
Ba chị em Sáng buồn bã nhớ lại những kỷ niệm về mẹ mình
Ôm lấy đứa em út vào lòng trong nước mắt, Sáng buồn bã kể, ngày 17/3, em nhận được tin mẹ bị tai nạn đang cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nên hai chị em Sáng và Lương bắt xe xuống. Ít ngày sau thì mẹ Sáng qua đời do vết thương quá nặng, để lại 3 chị em côi cút.
“Một lần xem chương trình Mảnh ghép cuộc sống trên tivi, em thấy nếu hiến nội tạng sẽ cứu giúp được nhiều người. Nên sau khi bác sỹ thông báo mẹ không cứu được, em đã quyết định hiến nội tạng mẹ với mong muốn có thể cứu thêm được nhiều người khác”, Sáng nói và cho biết sau khi hiến nội tạng, thi thể chị Liễu được đưa về quê nhà tại Hà Tĩnh để chôn cất.
Rồi chợt òa khóc khi nhận ra những kỷ niệm đó chỉ còn là dĩ vãng
Với quyết định nhân văn này, ngày 6/4, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đến thăm hỏi, động viên, gửi thư khen và quà của Chủ tịch nước cho chị em Sáng.
“Em tin ở trên cao, mẹ cũng ủng hộ quyết định của em”
Lau vội những dòng nước mắt trên má, Lương cho biết mẹ mình và ông Nguyễn Viết Hùng (quê xã Cẩm Nhượng) về chung sống với nhau nhưng không kết hôn. Sau đó cả hai vợ chồng vào thôn 7, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) lập nghiệp rồi sinh ra chị em Sáng và Lương. Năm 2012, ông Hùng đến với một người phụ nữ khác, để 3 mẹ con chị Liễu lạc lõng giữa đất khách quê người.
Năm 2015, chị Liễu đi thêm bước nữa lấy một người đàn ông ở huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) với mong muốn có người đàn ông đỡ đần. Tuy nhiên, sau khi chị Liễu có bầu và sinh ra cháu Nguyễn Ngọc Thùy thì người đàn ông này thường xuyên rượu chè, đánh đập chị Liễu.
Đứa con út vẫn vô tư chơi, rồi òa khóc khi nhớ mẹ mà chưa thể hiểu hết nối đau
“Cả đời dường như chưa lúc nào mẹ được yên lòng, người chồng trước cứ thế bỏ đi để cả 3 mẹ con chúng em bơ vơ. Rồi người thứ 2 thì suốt ngày uống rượu, đánh đập và đe dọa. Do không chịu nổi cảnh bạo hành nên mẹ mới bế em út xuống Bình Dương trốn và tìm việc làm”, Lương buồn bã nói.
Ngước mắt nhìn về di ảnh của người mẹ quá cố đặt tạm trên bàn thờ, Sáng nói “Mẹ có tấm lòng rất nhân hậu. Tuy không ở cạnh nhưng em tin ở trên cao mẹ cũng sẽ ủng hộ quyết định của em”. Nắm lấy bàn tay của các em, thiếu nữ 19 tuổi này rươm rướm nước mắt rồi nở nụ cười khích lệ các em và bảo “Chị sẽ đi làm kiếm thật nhiều tiền để chăm lo cho các em nhé”.
Ba chị em trước di ảnh của người mẹ quá cố
Anh Nguyễn Tiến Đường cho hay, chị Liễu là con út trong gia đình có 3 anh em. Vợ chồng anh Đường sinh được hai người con trai, quanh năm cũng chỉ làm thuê nên hoàn cảnh khó khăn. Khi con trai thứ 2 được 7 tháng thì vợ anh phải đi xuất khẩu lao động tại Malaysia và theo một người đàn ông khác, bỏ lại hai con nhỏ cho anh chăm sóc. Giờ đưa 3 chị em Sáng về nhà nuôi nữa càng thêm gánh nặng nên rất mong nhận được sự quan tâm của các nhà hảo tâm.
Tác giả: Thành Trung
Nguồn tin: Báo Phụ nữ TP HCM