Giáo dục

'Cò chạy điểm' ở Sơn La

Theo kết quả điều tra của Công an Lạng Sơn, có ít nhất 18 người trung gian, làm 'cò chạy điểm' chuyển thông tin các thí sinh để các bị can sửa điểm.

Hầu hết người trung gian vụ nâng điểm công tác trong ngành giáo dục Sơn La. ẢNH: LÊ QUÂN

Kết quả điều tra của Công an tỉnh Sơn La cho biết, 8 bị can trong vụ án sẽ không thể tự ý rút bài thi của 44 thí sinh để sửa điểm nếu không có mối quan hệ quen biết. Từ đây đã xuất hiện một tầng lớp gọi là “trung gian” chuyển thông tin các thí sinh để các bị can sửa điểm.

Chủ yếu là giáo viên

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được liên quan đến việc sửa và nâng điểm thi cho 44 thí sinh ở Sơn La, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La xác định có 18 trường hợp là người trung gian, tức là những người không phải cha mẹ, người thân của các thí sinh nhưng có thông tin cá nhân các thí sinh (họ tên, số báo danh, mã đề thi, môn thi...) chuyển cho các bị can trong vụ án để sửa điểm.

Cơ quan điều tra đã triệu tập những người này để làm rõ về động cơ, mục đích nhận thông tin từ người thân thí sinh, trực tiếp từ thí sinh. Kết quả, có 3 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin cá nhân thí sinh để “nâng điểm thi”, 13 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin thí sinh nhằm mục đích “nhờ xem điểm thi trước”, 2 trường hợp không thừa nhận.

Đáng chú ý, trong số 18 trường hợp trên, có tới 15 người là cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục của Sơn La. Nhiều người trong số này đang trực tiếp tham gia vào công tác giảng dạy tại các trường học trên địa bàn, đồng thời cũng có không ít người đang làm công tác quản lý của ngành giáo dục.

Trong đó có ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thi tỉnh Sơn La, Chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng ban Coi thi, Trưởng ban Chấm thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Sơn La, đã chuyển thông tin 8 thí sinh để bị can Trần Xuân Yến (nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) chỉ đạo cấp dưới sửa điểm.

Khi bị triệu tập, ông Đức thừa nhận trước khi diễn ra kỳ thi, một số lãnh đạo cơ quan trên địa bàn tỉnh và ngoài xã hội có con em dự thi gặp nhờ “xem trước kết quả thi”. Trong số các thí sinh được gửi gắm này có con của Cục trưởng Cục Thuế Sơn La, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Sơn La, Giám đốc VNPT...

Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, ông Hoàng Tiến Đức thừa nhận theo quy chế thì chỉ có Bộ GD-ĐT mới có thẩm quyền công bố điểm cho các thí sinh. Do vậy, việc ông Đức cung cấp thông tin cá nhân của 8 thí sinh cho Trần Xuân Yến nhờ xem điểm trước khi Bộ GD-ĐT chưa công bố là sai, vi phạm quy chế thi.

Liên quan đến 8 bị can trong vụ án là thành viên của Hội đồng thi Sơn La, ông Hoàng Tiến Đức khai nhận bản thân không chỉ đạo số cán bộ này thực hiện các sai phạm, song nhận trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu. Tuy nhiên sau đó ông Đức thay đổi lời khai, phủ nhận nội dung đã khai, cho rằng không chuyển bất cứ thông tin nào cho Trần Xuân Yến.

Cấp dưới của ông Đức là ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La), cũng thừa nhận trước khi chấm thi THPT quốc gia có trực tiếp chuyển danh sách, thông tin của 10 thí sinh cho một số thành viên hội đồng thi giúp đỡ nhằm mục đích “xem điểm thi”. Ông Hà cũng khai không nhận khoản lợi ích vật chất nào từ gia đình các thí sinh, đồng thời cũng không chuyển “xu” nào cho các thành viên ban chấm thi mà ông đã nhờ giúp đỡ.

Công an cũng tham gia làm trung gian

Cũng theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Sơn La, trong số những người làm trung gian nêu trên có một số người đang công tác trong ngành công an. Trong đó, ông Nguyễn Minh Khoa, nguyên Phó trưởng Công an H.Mai Sơn, hiện là cán bộ Công an tỉnh Sơn La, thông qua các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp đã nhận và chuyển thông tin cá nhân của 5 thí sinh cho các bị can trong vụ án để sửa và nâng điểm. Trong 5 thí sinh này có con của lãnh đạo cấp phòng Công an tỉnh Sơn La và UBND TP.Sơn La... Ngoài ra, 2/5 trường hợp thông tin thí sinh mà ông Khoa nhận được là do ông Lê Minh Loan, nguyên cán bộ Công an tỉnh Sơn La (vừa nghỉ hưu), cung cấp.

Sau khi bị triệu tập, cả ông Khoa và ông Loan cùng khẳng định việc nhận và chuyển thông tin cá nhân các thí sinh cho các trường hợp liên quan là để nhờ “xem trước kết quả điểm thi” cho các thí sinh trước khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi. Khi biết sớm điểm thi, các thí sinh sẽ có thời gian tính toán, lựa chọn, thay đổi nguyện vọng vào trường phù hợp với điểm số đạt được. Cũng theo những người này, việc nhận và chuyển thông tin cá nhân thí sinh không nhận tiền, lợi ích vật chất từ gia đình thí sinh và không chuyển tiền, lợi ích vật chất cho ai khác.

Nâng điểm miễn phí ?

Theo kết quả điều tra, hầu hết trường hợp trung gian chuyển thông tin cá nhân thí sinh chỉ thừa nhận mức độ về hành vi của mình và cho rằng không nhằm hưởng lợi ích tiền bạc. Cá biệt, có trường hợp thừa nhận chuyển thông tin thí sinh cho thành viên Hội đồng thi Sơn La nhằm mục đích “nâng điểm” nhưng động cơ không vụ lợi.

Cụ thể, trường hợp ông Nguyễn Hồng Hà, Trưởng phòng GD-ĐT H.Phù Yên, chuyển thông tin cá nhân thí sinh Phạm Xuân D., SBD 14004... đến bị can Lò Văn Huynh để nhờ “nâng điểm” cho thí sinh này. Sau khi có kết quả thi, ông Nguyễn Hồng Hà được bị can Lò Văn Huynh nhắn tin thông báo lại điểm số đã giúp sửa, nâng điểm cho thí sinh nêu trên đạt hơn 23 điểm. Kết quả giám định tài liệu xác định giấy viết tay thông tin cá nhân thí sinh Phạm Xuân D. chuyển cho Lò Văn Huynh là chữ viết tay của ông Nguyễn Hồng Hà. Ông Hà khai không được bàn bạc, thỏa thuận tiền hay lợi ích vật chất gì với gia đình thí sinh và bị can Huynh.

Mặc dù vậy, kết luận điều tra của Công an tỉnh Sơn La cho biết đã có sự mâu thuẫn trong lời khai của các bị can và những người có liên quan. Trong đó, có sự mâu thuẫn về lời khai của ông Hà với các bị can trong vụ án. Ông Hà cho rằng chuyển thông tin để “xem điểm” nhưng các bị can khai là ông nhờ “nâng điểm”. Tương tự, ông Nguyễn Minh Khoa khai nhờ “xem điểm” thì các bị can trong vụ án khai ông Khoa nhờ “nâng điểm”.

Cơ quan an ninh điều tra đã tiến hành đối chất giữa một số bị can với đối tượng trung gian; giữa một số đối tượng trung gian này với đối tượng trung gian khác để làm rõ những mâu thuẫn nêu trên. Kết quả các bên mâu thuẫn vẫn tiếp tục giữ nguyên lời khai ban đầu. Ngoài lời khai độc lập của các bên về nội dung mâu thuẫn, cơ quan an ninh điều tra không thu được tài liệu, chứng cứ bổ trợ trực tiếp nên không làm rõ được các mâu thuẫn.

Trong khi người trung gian lẫn các phụ huynh có con được nâng điểm đều phủ nhận không đưa tiền để mua điểm, song có thực tế cho thấy đến nay, các bị can trong vụ án đã nộp lại số tiền gần 2,5 tỉ đồng, là tiền được trả cho hành vi nâng điểm, nhằm khắc phục hậu quả.

Thí sinh từ "trên trời rơi xuống nhà hàng"

Quá trình xác minh các trường hợp trung gian, cơ quan an ninh điều tra phát hiện ra trường hợp hy hữu. Theo đó, trong số 8 thí sinh mà ông Hoàng Tiến Đức chuyển cho bị can Trần Xuân Yến để nâng điểm có thí sinh Nguyễn Hà P., SBD 14000, do ông Lê Văn Thời, chủ nhà hàng “Sơn Hồng Phúc” ở TP.Sơn La nhờ ông Đức. Qua xác minh cụ thể, ông Thời khai có chuyển cho ông Đức trường hợp thí sinh nêu trên với mục đích “nhờ xem điểm thi” vào thời điểm tháng 6.2018, trong một lần ông Đức đến ăn uống tại nhà hàng. Dù ông Thời đã chuyển thông tin cá nhân thí sinh với nhiều thông số như họ tên, số báo danh... song ông này lại cho rằng đây là một người khách nhờ ông nhưng đến nay ông quên... tên?!

Tác giả: Thái Sơn

Nguồn tin: Báo Thanh niên

  Từ khóa: cò chạy điểm , sơn la

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP