Xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề đạt chuẩn quyết định việc đảm bảo chất lượng đào tạo nghề. |
Các cơ sở dạy nghề tuyến huyện không chỉ thiếu về số lượng mà còn thiếu cả về cơ cấu GV theo các ngành nghề hoạt động. Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hương Khê Nguyễn Đình Trung chia sẻ: Là trung tâm dạy nghề nhưng hiện chỉ được phân bổ 2 biên chế (giám đốc và kế toán), không có GV dạy nghề. Khi mở lớp dạy nghề ở lĩnh vực nào, Trung tâm phải ký hợp đồng với GV là cán bộ ở lĩnh vực đó. Việc giảng dạy theo chương trình tích hợp (lý thuyết và thực hành) nên cán bộ tham gia giảng dạy có trình độ chuyên môn nhưng khả năng sư phạm còn non. Điều này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đào tạo và gây khó khăn trong công tác đào tạo nghề của Trung tâm.
Để đáp ứng nhu cầu học của người dân, nhiều cơ sở dạy nghề phải ký hợp đồng với cán bộ KHKT có trình độ chuyên môn như: cán bộ khuyến nông, thú y… tham gia giảng dạy. Một số thợ có tay nghề cao cũng được mời giảng dạy các lớp gò, hàn, điện dân dụng… Mặc dù hầu hết các cơ sở dạy nghề tuyến huyện có GV dạy nghề nhưng lại không đúng theo cơ cấu ngành nghề hoạt động và trang thiết bị được đầu tư phục vụ giảng dạy.
Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, hướng nghiệp – GDTX của TX Hồng Lĩnh Phan Thị Thu Thủy cho biết: “Hiện Trung tâm có 15 cán bộ, GV, trong đó có 3 GV dạy nghề (tin học và may). Để đáp ứng nhu cầu học một số nghề phi nông nghiệp (cơ khí, hàn, điện dân dụng…) cho người dân, Trung tâm phải liên kết với các cơ sở đào tạo nghề khác trên địa bàn bởi Trung tâm không có GV giảng dạy về lĩnh vực này và không có trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Đối với dạy nghề nông nghiệp, Trung tâm phải hợp đồng với các giáo viên ngoài.
Xây dựng đội ngũ GV dạy nghề ở các cơ sở dạy nghề tuyến huyện đạt chuẩn, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu đang là vấn đề quan trọng nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công tác dạy nghề và học nghề ở địa phương. Theo kết quả khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp và các cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh của Sở LĐ-TB&XH, tính đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có khoảng 130 nghìn người có nhu cầu được đào tạo nghề với 112 nghề đăng ký, chiếm 22% tổng số lao động ở khu vực nông thôn. Trong đó, nhóm nghề nông nghiệp, lâm nghiệp chiếm 64,1%; thương mại – dịch vụ 30,8%; công nghiệp, xây dựng 5,1%.
Để có được đội ngũ GV dạy nghề đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng và cơ cấu ngành nghề phù hợp, các cơ sở dạy nghề tuyến huyện cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và cơ chế, chính sách tuyển dụng lực lượng này một cách cụ thể và có sự đánh giá khách quan đội ngũ GV hiện có để có hướng đào tạo, kèm theo đó là những chế độ, chính sách khuyến khích họ đi học nâng cao trình độ.
Bên cạnh những chính sách ưu đãi dành cho đội ngũ GV dạy nghề, việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy nghề như nhà xưởng và trang thiết bị dạy học cũng cần được chú trọng. Bởi đây là điều kiện để GV dạy nghề phát huy khả năng của mình và thu hút học viên. Mặt khác, cần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động dạy nghề, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho dạy nghề để có đội ngũ GV đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng.
Ngoài ra, việc đào tạo, bồi dưỡng và tuyển mới GV cần đảm bảo cơ cấu ngành nghề đào tạo theo định hướng phát triển KT-XH của địa phương.
Ninh Hà – Anh Thư