Xã hội

Chuyện về người đàn ông mù đào giếng trả ơn

Gần 20 năm gắn bó với nghề đào giếng, anh Gih (39 tuổi) đã đào hàng trăm chiếc giếng trong làng, nhưng anh không hề lấy một đồng tiền công. Anh Gih cho rằng, đó là sự trả ơn những người đã nuôi lớn anh qua bao ngày tháng khó khăn trong cuộc đời.

Mặc dù không thấy đường nhưng anh Gih vẫn đào nên những chiếc giếng tròn, đầy tràn nước.ẢNh: Đức Huy

Vượt lên nghịch cảnh

Chúng tôi đến thăm làng Tuơh Klah (xã Glar, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) vào một ngày đầu tháng 6 trời mưa rả rích. Không khó lắm để tìm về nhà anh Gih, người đàn ông mù với biệt tài đào giếng.

Sau khi đi qua con đường đất đỏ, nắng bụi tung mù trời, mưa thì trở nên sình lầy, nhớp nháp, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được ngôi nhà nhỏ, nằm sâu trong làng của anh. Ngay từ đầu cổng, nghe tiếng người lạ, anh Gih dò dẫm từng bước ra chào. Dẫn chúng tôi vào nhà, anh kéo vội chiếc chiếu đã nát nhàu 4 góc rồi mời mọi người ngồi xuống. Rót chén nước mời khách, anh cho biết, vì đang vào đầu mùa mưa nên anh chẳng thể đi làm được, đành quanh quẩn ở nhà.

Sau những câu chào hỏi, anh Gih bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình. Ngày ấy, anh sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, đông anh em. Từ lúc lọt lòng mẹ, anh đã chịu nhiều bất hạnh so với bạn bè cùng trang lứa khi bị mù bẩm sinh. Mọi bước đi đầu đời của anh đều phải dò dẫm trong bóng tối.

Ngay cả mái ấm chở che của anh Gih cũng dần sụp đổ khi mẹ anh bỏ lại cha con anh và quay trở về làng cũ. Bố anh cũng vì vậy mà chán nản khi phải chịu cảnh gà trống nuôi con. Không lâu sau đó, bố anh bỏ lại những người con của mình để đi lấy vợ xa.

Các anh chị của anh Gih dần trưởng thành và tìm được bến bờ hạnh phúc riêng của mình. Do anh chị lập gia đình xa nhà nên chỉ còn mình anh cô quạnh dưới căn nhà nhỏ, sập xệ. Sống một mình, không người nương tựa cũng không ai chăm sóc, anh Gih phải tự làm lụng để kiếm miếng ăn. Từ mò cua bắt ốc, bổ củi đến trèo cây hái quả, anh không từ công việc gì. Dân làng thường kháo nhau, anh Gih là “người của trời” bởi dù mù nhưng không việc gì anh không làm được.

Anh Gih cứ thế dò dẫm trong bóng tối của cuộc đời để kiếm sống lay lắt qua ngày. Thương cảm cho số phận nghiệt ngã của anh, người trong làng thường chung nhau từng củ khoai, trái bắp giúp đỡ anh lớn lên từng ngày.

“Gih mù” đào giếng

Sau câu chuyện về những đắng cay của cuộc đời, anh Gih nhấp thêm ngụm nước rồi chầm chậm kể: Một ngày cách đây khoảng 20 năm, khi vừa tròn 18 tuổi, thấy anh Gih đã lớn, người làng không thể nuôi mãi như thế được. Lúc bấy giờ có một người bạn rủ anh Gih đi phụ đào giếng để kiếm tiền. Dù chưa biết đồng tiền là thế nào nhưng anh Gih nghe nói cứ kiếm được tiền là có thể nuôi sống bản thân. Anh Gih liền đồng ý, theo chân bạn làm phu đào giếng. “Người ta bảo chỉ cần đứng quay gầu đất lên là có tiền, nên tôi đi thôi. Mình nợ anh em, nợ người làng nhiều quá nên mình muốn kiếm tiền trả nợ mà”, anh Gih tâm sự.

Bằng khát vọng trả nợ cho người làng, anh Gih quyết tâm thực hiện công việc một cách nhanh chóng. Những gầu đất anh quay lên khiến người đào phía dưới ngạc nhiên bởi sức khỏe của chàng thanh niên mù với dáng hình nhỏ thó.

Dường như số phận nghiệt ngã lấy đi đôi mắt sáng nhưng bù lại ông trời đã ban cho anh Gih óc tưởng tượng, khả năng cảm nhận thế giới xung quanh. Cũng bởi vậy mà anh thành thạo nghề rất nhanh. Quý mến chàng thanh niên mù nhưng vẫn cố gắng vươn lên, thời gian rảnh rỗi, nhiều thợ kì cựu trong nghề đã chỉ cách cho anh Gih “chiêu thức” đào giếng.

Thế rồi, cơ hội của anh cũng đến. Trong nhóm đào giếng có một người bị cảm, anh Gih liền xin mọi người cho mình được cầm xẻng. Anh em trong nhóm vẫn đùa cợt rằng “Gih mù” thì sao làm được?”. Những câu nói ấy không khiến anh nản lòng, từ bỏ. Khi đó, anh Gih tự lấy chân mình làm tâm điểm rồi dùng hai tay quay một vòng tròn thật khéo tạo hình cho chiếc giếng. Cầm lấy cây xẻng, anh lần theo nét vẽ đã vạch sẵn rồi xới từng tấc đất lên.

Nhớ những bài dạy của “đàn anh” thuở trước, anh cứ thế đào. Cuối cùng sau những tấc đất đào lên, nhóm phu đào giếng đều phải trầm trồ thán phục chàng “Gih mù”. Qua những lần như thế, anh cảm thấy mình đã tự đào giếng được. Sau đó, anh chợt nghĩ đến việc tự mình đào giếng lấy nước sinh hoạt.

Cuộc sống của anh Gih cứ êm đềm như vậy cho đến một năm, hạn hán kéo dài khiến đất đai nứt nẻ, mùa màng thất bát. Cây cối không đủ nước tưới, người làng không có nước ăn uống, sinh hoạt. Anh Gih liền suy nghĩ đến chuyện đào giếng cho dân làng.

Sau khi đi quanh vườn, rờ rẫm từng hòn đất, viên đá anh đã xác định được nguồn nước ngầm nên quyết định bắt tay vào đào giếng. Sử dụng bàn chân để đo khoảng cách, tay rờ rẫm để định hình. Cứ thế vừa đào đất, anh vừa tự đu dây lên quay từng gầu đất mang đổ đi. Ngày hay đêm đối với anh không quan trọng, cứ nghỉ lấy sức anh Gih lại xuống giếng. Chỉ đến khi những dòng nước trong giếng bắt đầu rỉ ra, anh mới phải nhờ hàng xóm kéo đất lên vì không thể tự làm một mình.

Nghe tiếng anh Gih đào được nước, cả làng kéo nhau đến giúp. Thế rồi khi chiếc giếng được đào sâu khoảng 30m và tràn trề nước, người làng chẳng ai tin vào mắt mình khi một người mù có thể đào giếng nhiều nước như thế. “Giếng nào dễ mình đào khoảng 5-7 ngày, chỗ nào xấu thì phải 10 ngày mới xong. Chỉ cần đào xuống hơn 1m là mình sẽ biết dưới có nước hay không mà tiếp tục đào hoặc tìm địa điểm khác”, anh Gih nói.

Tuy nhiên, giếng trong vườn nhà cũng không giúp cả dân làng qua cơn hạn hán. Sau nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ tìm cách giúp dân làng, anh quyết định đào cho mỗi nhà một chiếc giếng để trả ơn làng Tuơh Klah đã nuôi anh khôn lớn.

Cứ thế ngày này qua ngày khác, anh Gih tìm mạch nước ngầm rồi cần mẫn đào cho mỗi nhà một chiếc giếng để qua cơn hạn hán. Từng chiếc giếng tròn, đầy tràn nước cứ thế được đào. Mỗi chiếc giếng được “ra đời” gương mặt của anh lại càng ngày càng rạng rỡ hơn khi anh Gih đã trả lại được một phần nào ân huệ mà cả làng đã giành cho anh.

“Mình đào trong làng được 38 cái giếng rồi đấy, còn cả các nơi khác khoảng 80 cái. Nhưng mình không lấy tiền đâu, làng nuôi mình từ nhỏ nên mình đào giếng cho cả làng lấy nước thôi. Ngày xưa mình lớn được là nhờ làng Tuơh Klah cả mà. Giờ mình có cơ hội trả ơn cho cả làng, mình vui và hạnh phúc lắm nên không biết vất vả mệt mỏi là gì nữa. Thú thực, sau mỗi chiếc giếng đào thành công, mình cảm thấy hạnh phúc lắm. Nó chẳng khác nào mình vừa làm được một việc tốt cho cuộc đời này vậy”, anh Gih với gương mặt rạng ngời nói.

Chúng tôi ra về khi bầu trời cũng bắt đầu xẩm tối, để lại sau lưng là hình bóng chàng Gih mù đang dò dẫm thu dọn chiếc chiếu đã nhàu 4 góc. Ra về nhưng trong tâm niệm chúng tôi chỉ mong rằng, mai đây không còn hạn hán, để chàng mù ấy không còn phải loay hoay trả nợ cuộc đời.

Chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện cổ tích giữa đời thường trên, ông Nguyễn Kim Anh - Chủ tịch UBND xã Glar cho biết, anh Gih đã bị mù bẩm sinh từ nhỏ. Mặc dù bị mù, nhưng nhiều năm nay anh ấy đã sống một mình và lấy nghề đào giếng làm kế sinh nhai, nuôi sống bản thân. Hàng tháng, anh vẫn được hưởng chế độ dành cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương thường xuyên thăm hỏi và tặng quà vào những dịp lễ Tết.

Tác giả: Đức Huy

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP