Tham dự triển lãm lần này, tỉnh Hà Tĩnh vinh dự có hai mô hình đoạt Huy chương Vàng là “Sa bàn giao thông: Mô hình trạm barie thông minh” của nhóm tác giả Trần Huy Thành, học sinh lớp 5B, Hoàng Thanh Trà, học sinh lớp 4A đều học Trường tiểu học Xuân An 1, huyện Nghi Xuân và mô hình “FANLED – Bảng quảng cáo nhiều mục đích” của em Nguyễn Trọng Thủy (học sinh lớp 7A) Trường THCS Bình An, huyện Lộc Hà. Cả hai mô hình đều được Hội đồng giám khảo quốc tế đánh giá cao về tính mới, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng cao vào thực tiễn đời sống.
“Sa bàn giao thông” – sản phẩm thân thiện với môi trường
Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hà Tĩnh là một sân chơi trí tuệ mới mẻ của học trò Hà Tĩnh, tuy mới được tổ chức 3 năm nhưng đã gặt hái được nhiều thành công với sự hưởng ứng của hàng ngàn thanh, thiếu niên, nhi đồng. Nhiều đề tài, giải pháp sáng tạo có chất lượng tốt đã đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi cấp tỉnh và quốc gia.
Cô Phan Thị Quỳnh Trang, Hiệu phó Trường Tiểu học Xuân An 1 cho biết: Hưởng ứng cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng do cấp trên phát động, Trường Tiểu học Xuân An 1 đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong toàn trường và nhận được sự tham gia tích cực của các em học sinh. Trong số 5 sản phẩm của các nhóm tác giả dự thi, trường đã chọn ra sản phẩm “Sa bàn giao thông: Mô hình trạm barie thông minh” dự thi đạt giải Nhì toàn quốc và được tham dự triển lãm quốc tế. Tại Triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ (IEYI) lần thứ 9 tổ chức tại Malaysia, sản phẩm của các em đạt Huy chương vàng và được tổ chức Trí tuệ thế giới trao chứng nhận “Sản phẩm giàu ý tưởng sáng tạo”.
Chia sẻ về ý tưởng hình thành mô hình “Sa bàn giao thông”, em Trần Huy Thành cho biết: Nghi Xuân quê em là địa phương có Quốc lộ 1A đi qua và thường xuyên xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Không ít vụ tai nạn giao thông đã để lại ám ảnh trong tâm trí em. Từ ý tưởng sử dụng năng lượng mặt trời trong cuộc sống, Trần Huy Thành và Hoàng Thanh Trà đã tạo ra mô hình một khu dân cư trong thành phố sử dụng hoàn toàn nguồn năng lượng sạch đó. Đặc biệt hệ thống tín hiệu giao thông cũng được sử dụng bằng năng lượng mặt trời.
Ý tưởng là vậy, nhưng từ lúc triển khai đến khi hình thành là cả một quá trình nỗ lực của bản thân các em và sự giúp đỡ nhiệt tình của cha mẹ và các thầy cô giáo trong trường. Sau hơn hai tháng, mô hình đã ra đời. Mô hình được thiết kế mô phỏng một góc của đô thị, có ngã tư, cụm đèn tín hiệu, giải phân cách, một tuyến đường sắt có barie nơi giao nhau với đường bộ, trạm pin mặt trời chuyển ánh sáng thành điện năng.
Qua mô hình “Sa bàn giao thông” các bạn nhỏ muốn đưa luật giao thông đến với trường học, gia đình và đến với mỗi người dân để hiểu được sử dụng năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sạch và không tốn kém. Mô hình này cũng góp phần bảo vệ môi trường, giúp mọi người hiểu được kiến thức cơ bản khi tham gia giao thông và biết được kết cấu giao thông, kết cấu hạ tầng ở thành phố; từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
FANLED – Bảng quảng cáo nhiều mục đích
Vừa trở về từ Malaysia với huy chương vàng đạt được tại Cuộc thi – Triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ lần thứ 9, mô hình “FANLED – Bảng quảng cáo nhiều mục đích”, cảm giác hạnh phúc vui sướng vẫn còn vẹn nguyên trong Nguyễn Trọng Thủy – học sinh lớp 7A, Trường THCS Bình An . Em chia sẻ: “Tham dự cuộc thi em chỉ nghĩ sẽ được giao lưu học hỏi với bạn bè quốc tế nhưng không ngờ lại được giải. Đây không chỉ là thành quả sau hơn 3 tháng tìm tòi, nghiên cứu của em mà còn có sự giúp đỡ của các thầy cô giáo, đặc biệt là sự hỗ trợ của bố em”.
Xuất phát từ thực tế bảng LED quảng cáo được dùng phổ biến trên thị trường vì nó thể hiện tin nhắn quảng cáo rất sinh động. Tuy nhiên, các bảng LED quảng cáo này thường sử dụng rất nhiều LED và thường chỉ thể hiện được một số tin quảng cáo nhất định. Vì vậy, Nguyễn Trọng Thủy có ý tưởng tạo ra bảng LED mới để khắc phục những nhược điểm này. Sử dụng vi điều khiển PIC16F877A, các đèn LED, quạt và kiến thức lập trình của mình, Thủy đã tạo ra sản phẩm “FANLED”. Sản phẩm này có thể dùng làm biển quảng cáo hoặc trang trí trong nhà, nơi công cộng, điểm đặc biệt là các tin nhắn trên FANLED có thể được thay đổi dễ dàng qua việc lập trình bằng chíp khi cần thiết.
Nói về cậu học trò của mình, cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Hà cho biết: “Thủy có năng khiếu nổi bật trong các môn Toán và Tin học. Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, bố mẹ đều là nông dân nhưng bản thân Thủy luôn cố gắng chăm ngoan học giỏi. Em là tấm gương để các bạn học tập và noi theo”.
Ông Nguyễn Xuân Thiều – Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Tĩnh chia sẻ: Tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục duy trì và tổ chức tốt Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng những năm tới nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo của các em. Hướng thanh, thiếu niên, nhi đồng vào các hoạt động thực tiễn, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành những nhà sáng chế trong tương lai.
Hoàng Ngà
Gia Đình