Xã hội

Chuyên gia nói về tác hại khi ăn phải thịt lợn bị tiêm thuốc an thần

Vụ việc hơn 3.500 con lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi đưa vào giết mổ tại một lò mổ nổi tiếng ở TPHCM khiến nhiều người lo lắng, liệu trước đó có bị “ăn phải” loại thịt đó không? Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên vụ việc tương tự được phát hiện.

Khi chọn mua thịt lợn, người tiêu dùng nên quan sát màu sắc thịt, nếu thấy đỏ tươi bất thường cần cẩn trọng. Ảnh: Q.An

Tiêm thuốc an thần để… thịt mềm, dẻo (?!)

Trước thông tin hàng nghìn con lợn tại một lò mổ lớn ở TPHCM bị tiêm thuốc an thần trước khi đưa vào giết mổ, nhiều người dân khá lo. Chi cục Thú y TPHCM xác nhận, thuốc tiêm cho lợn ở lò mổ Xuyên Á là thuốc Combistress được tiêm với liều rất cao. Đây là cơ sở giết mổ lớn nhất ở TPHCM, chiếm hơn 50% tổng lượng giết mổ lợn tại thành phố.

Một chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cho biết, Combistress là thuốc gây mê trong thú y, là dạng thuốc an thần. Nó có hai tác dụng: Giữ cho lợn im lặng khi giết mổ; làm giãn mạch để thịt lợn hồng hào gây bắt mắt, tươi ngon. Loại thuốc này còn có tác dụng làm cho lợn ngủ li bì, không đi tiểu, để hạn chế hao hụt trọng lượng. Bước đầu, chủ lò mổ khai nhận tiêm thuốc an thần để cho thịt lợn mềm, dẻo.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc này. Trước đó, tháng 2/2017, Chi cục Thú y TPHCM đã phát hiện 21/100 con lợn bị tiêm thuốc an thần ở cơ sở giết mổ Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi) đã bị “thịt” và đưa ra thị trường tiêu thụ. Năm 2015 và 2016, hàng loạt vụ việc tương tự đã được phát hiện.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, người ta tiêm thuốc an thần nhằm mục đích để lợn không vùng vẫy, không ói mửa, giảm lo lắng, việc bơm nước để lợn tăng và giữ trọng lượng sẽ dễ dàng hơn. “Đó là hành vi gian lận thương mại. Vấn đề là phải tuyên truyền để người dân nâng cao tinh thần tố giác và xử phạt thật nặng người vi phạm, cũng như người “thông đồng”, vô trách nhiệm trong vấn đề này để răn đe”, TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

Khẳng định rõ ràng khi sử dụng lợn bị tiêm thuốc an thần, sức khỏe người tiêu dùng sẽ bị hại, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (nguyên giảng viên Khoa Dược, ĐH Y Dược TPHCM) cho biết, loại thuốc an thần này trước đây dùng cho người, nhưng sau đó chỉ dùng cho thú y. Thuốc này thường được sử dụng cho những con lợn chuẩn bị đẻ, làm dịu thần kinh của lợn, tránh lợn mẹ cắn lợn con. Tuy nhiên lâu dần, người ta lạm dụng để tiêm cho lợn ngay cả trước khi giết mổ bởi tiêm thuốc này, lợn sẽ ngủ, không quậy phá khiến trọng lượng của lợn giảm.

Nếu ăn phải thịt lợn bị tiêm thuốc an thần này, người tiêu dùng sẽ bị rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến tim mạch huyết áp, nhức đầu chóng mặt, tăng cân, trầm cảm, giảm khả năng điều hòa thân nhiệt. Nếu ăn phải liều lượng cao người dùng có nguy cơ bị mục xương, ung thư tủy, đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ đang mang thai hay nuôi con bằng sữa mẹ.

Theo TS Nguyễn Hữu Đức, nếu ăn phải lợn tiêm thuốc an thần còn tồn dư chất Acepromazine sẽ rất nguy hiểm, bởi hoạt chất này tác động đến hệ thần kinh trung ương, làm ức chế hệ thần kinh trung ương của con người.

Khó nhận biết lợn bị tiêm thuốc an thần hay không?

TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, người tiêu dùng bằng mắt thường không thể xác định thịt lợn có bị tiêm thuốc an thần hay không. Tuy nhiên, khi chọn mua thịt lợn, người tiêu dùng cần quan sát màu sắc thịt, nếu thịt đỏ tươi bất thường cần cẩn trọng. Khi bắt gặp các loại thịt mềm, ướt, các thớ thịt căng mọng nước hay thịt bị rỉ nước là có khả năng lợn bị bơm nước trước khi giết mổ.

Nếu thịt tươi ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ có độ săn chắc, sờ vào thớ thịt cho cảm giác đàn hồi, thịt khô và dính vào tay. Miếng thịt không bị nhão, chế biến xong ăn rất thơm ngon chứ không ra nhiều nước khi chế biến.

Theo diễn biến mới nhất, UBND TPHCM vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan tiêu hủy toàn bộ số lợn bị tiêm thuốc an thần và công khai danh sách thương lái vi phạm. Trước đó, ngay khi phát hiện vụ việc, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản hành chính, ra quyết định xử phạt từ 30-35 triệu đồng đối với chủ của 13 lô hàng vi phạm trong vụ việc này; trong đó, có 11 chủ hàng bị phạt mức bình quân 32,5 triệu đồng/trường hợp, do thành khẩn khai báo và 2 trường hợp bị phạt kịch khung là 35 triệu đồng do không thừa nhận hành vi từ đầu. Tổng cộng mức phạt dành cho 13 chủ hàng là 427,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, các hình phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động cơ sở giết mổ Xuyên Á 3 tháng.

Ngày 2/10, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, trong ngày, Bộ NN&PTNT đã cử đoàn công tác do Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Thú y vào TPHCM để phối hợp với địa phương xử lý dứt điểm trong tuần này và công bố công khai trước dư luận. “Đồng thời, TPHCM cũng đang làm rõ các cá nhân liên quan đến vụ việc, xử lý trách nhiệm”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.

Để ngăn chặn tình trạng này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, Bộ NN&PTNT đang tăng cường, rà soát lại các quy định và các chế tài; đồng thời, tăng cường năng lực cho đội ngũ thú y và lực lượng chuyên ngành trên địa bàn toàn quốc. Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương, củng cố và tinh gọn lại bộ máy nhà nước; xử lý nghiêm các cán bộ chưa hoàn thành nhiệm vụ, cũng như có các hành vi tiêu cực để xảy ra tình trạng tương tự.

Một chuyên gia y tế (đề nghị không nêu tên) cho biết, khi ăn phải chất Acepromazine với liều lượng nhiều, người ăn sẽ bị ngộ độc cấp tính. Người ăn phải chất này cũng sẽ bị buồn ngủ, có vẻ trầm cảm, hết hào hứng với mọi thứ; gây tụt huyết áp, rất hại với bệnh nhân bị các bệnh mãn tính, người bị bệnh tim.

Tác giả: Quỳnh An

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP