Ngày 18/12, nghi phạm Hàng Thị Hồng Diễm (32 tuổi, quê tỉnh Hậu Giang) đã khai nhận, vào đêm 15/12, anh Trần Thanh T. (chồng của Diễm) đi nhậu về thì giữa T. và Diễm xảy ra mâu thuẫn dẫn đến ẩu đả.
Trong lúc giằng co, Diễm dùng dao chém anh T. tử vong. Sau khi nạn nhân chết, Diễm dùng dao phân xác anh T. ra làm nhiều mảnh rồi cho vào túi nilon và ba lô, sau đó, đem bỏ tại các điểm tập kết rác trên địa bàn phường Thuận Giao (tỉnh Bình Dương) để phi tang.
Trước vụ án man rợ này, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ với PGS.TS Vũ Gia Hiền (chuyên gia tâm lý hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TP.HCM) để được nghe ông phân tích về các khía cạnh tâm lý của người vợ.
PV: Thưa ông, vụ án vợ chém chết chồng rồi phân xác ra thành nhiều mảnh phi tang tại tỉnh Bình Dương khiến dư luận vô cùng bức xúc. Dưới góc độ tâm lý, ông nhìn nhận vụ việc này như thế nào?
Chuyên gia tâm lý Vũ Gia Hiền. |
PGS.TS. Vũ Gia Hiền: Với một người bình thường, sau khi lỡ tay chém chết người, họ sẽ có ba xu hướng cơ bản. Thứ nhất, họ sẽ hối hận đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu và tự thú hành động của mình. Thứ hai, do tâm lý sợ hãi, họ sẽ tìm cách chạy trốn và đổ lỗi cho người khác. Thứ ba, cũng là tâm lý sợ hãi nhưng sẽ nhanh chóng chuyển hóa thành tội ác cao hơn, bằng mọi cách che giấu tội ác của mình.
Đối với người vợ trong vụ án trên, rơi vào trường hợp thứ ba. Sau khi giết người, người phụ nữ này có tâm lý sợ hãi. Vì thế, bằng mọi cách, người vợ này muốn che giấu tội ác của mình nên đã phân xác chồng phi tang.
PV: Theo ông thì nguyên nhân nào dẫn đến tội ác của người vợ như đã nói?
PGS.TS Vũ Gia Hiền: Có rất nhiều nguyên nhân để người vợ có thể hành động man rợ như vậy đối với người chồng. Cách đây khoảng 10 năm trước, cũng từng có trường hợp tương tự khi vợ giết chồng rồi chặt xác phi tang.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, kết luận cho thấy người vợ bị hội chứng tâm thần. Còn trong trường hợp này, thông tin ban đầu cho thấy nghi phạm là một người bình thường, không bị ảnh hưởng gì về tâm lý.
Người vợ này chắc hẳn đã có nhiều lần xem phim hành động bạo lực, thậm chí là phim bạo lực kinh dị. Từ đó, trong đầu người vợ đã hình thành tư tưởng bạo lực. Vào những thời điểm nhất định, tư tưởng bạo lực này sẽ bộc phát tạo nên hành động. Tâm lý học gọi là tâm lý lây lan.
Thực tế, hành động chặt xác đến phi tang của người vợ vô cùng độc ác. Có thể, ngay từ nhỏ, người vợ này cũng sống trong cảnh bạo lực, con người khắc nghiệt với nhau nên khi có áp lực, mâu thuẫn với nạn nhân đã tạo nên hành động man rợ mà không có lý trí.
PV: Theo ông, làm thế nào để hạn chế những tư tưởng bạo lực, giết người man rợ như vậy?
PGS.TS. Vũ Gia Hiền: Để có thể giảm thiểu các trường hợp giết người man rợ như vậy, cần phải có sự hợp tác dạy dỗ từ gia đình, nhà trường và xã hội. Đầu tiên, trong gia đình, không nên để trẻ chứng kiến cảnh bạo lực, thậm chí là xem phim bạo lực cũng phải hạn chế. Bởi sẽ khiến trẻ lớn lên có xu hướng bạo lực.
Mọi sự giáo dục đều phải xuất phá từ tình yêu thương và lẽ phải. Ngoài ra, pháp luật cần có sự nghiêm minh, răn đe, để con người phải tự chịu trách nhiệm hơn với hành động của mình.
Xin cảm ơn PGS.TS Vũ Gia Hiền về cuộc trò chuyện!
Tác giả: Dương Hạnh
Nguồn tin: Báo Người đưa tin