Thế giới với Biển Đông

Chuyên gia an ninh: Biển Đông có thể thay đổi bước ngoặt trong năm nay

Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng các hạ tầng quân sự ở Biển Đông, đồng thời hoàn thành việc cải tạo trên quy mô lớn một cách phi pháp. Ảnh minh họa: AMTI

Tình hình Biển Đông thời gian tới được dự báo sẽ căng thẳng hơn khi Trung Quốc điều thêm các vũ khí tới cả Hoàng Sa và Trường Sa, tăng cường đâm va với các tàu Việt Nam và Philippines.
chuyen-gia-an-ninh-bien-dong-co-the-thay-doi-buoc-ngoat-trong-nam-nay

Ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, trao đổi với VnExpress về diễn biến sắp tới ở Hoàng Sa và Trường Sa.

– Ông đánh giá như thế nào việc gần đây liên tiếp xuất hiện các thông tin về tên lửa, chiến đấu cơ của Trung Quốc?

– Tôi nghĩ bên cạnh việc xem xét từng động thái của Trung Quốc, chúng ta cần cần đánh giá tiến triển trong chiến lược dài hạn của họ. Không chỉ là việc điều tên lửa HQ-9 đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, hay việc hoàn thành hệ thống đo lường rủi ro ở đá Châu Viên, Trường Sa, điều chúng ta chứng kiến là Trung Quốc sẽ đặt tất cả các cơ sở hạ tầng họ cần cho mục tiêu dài hạn. Đó là thiết lập sự kiểm soát ở cả trên biển và trên không trong phạm vi đường 9 đoạn.

Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ tới đảo Phú Lâm rất nhiều lần. J-11 được đưa đến đảo này hồi tháng 11 năm ngoái, được cho là phản ứng của Trung Quốc với việc Mỹ điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen đến tuần tra ở Trường Sa.  Chúng ta không nên “phản ứng thái quá” trước mỗi hành động của Trung Quốc. Điều chúng ta cần biết là liệu các chiến đấu cơ này có được đặt tại đảo này hay không, bởi vì trước đây chúng đều được rút về. Chúng ta cần nhìn xa hơn về phía nam (Trường Sa – PV), nơi đang có những thay đổi căn bản trong cảnh quan.

– Ông dự đoán các diễn biến sắp tới sẽ là gì?

– 2016 sẽ là một năm khó khăn, trong những tháng tới chúng ta sẽ chứng kiến việc hoàn thành ở quy mô lớn các công trình xây dựng của Trung Quốc. Tôi cũng cho rằng sẽ có thêm chiến đấu cơ ra Trường Sa, chúng ta sẽ thấy nhiều hơn các tàu của Trung Quốc trong khu vực này. Tần suất đâm va giữa các tàu cũng sẽ thường xuyên hơn, giữa các tàu hải quân, hải cảnh, tàu cá, với tàu của Việt Nam, Philippines, Malaysia.

Tòa trọng tài quốc tế cũng sẽ ra phán quyết cho vụ kiện của Philippines có thể vào tháng 5. Chúng ta sẽ chứng kiến Trung Quốc hành động mạnh trong vài tháng tới. Cuối năm nay tình hình có thể sẽ có bước ngoặt ở Biển Đông.

– Mỹ sẽ phản ứng ra sao?

– Chúng ta nên thận trọng khi xem Biển Đông như một vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc. Đó là vấn đề giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Mỹ chỉ xem xét tình hình theo cách giống như Nhật Bản và Australia. Từ quan điểm của Washington, ở Biển Đông không có sự thực hiện luật pháp quốc tế, nếu đường 9 đoạn đường công nhận, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), sẽ có ảnh hưởng tiêu cực cho tất cả các nước trên thế giới, gồm cả Mỹ.

Washington cũng xem xét cách hành xử của Trung Quốc. Đến nay, ở Biển Đông, Bắc Kinh đang cảm thấy thoải mái phá vỡ các luật lệ chung và bắt nạt các nước nhỏ hơn. Nếu nhìn vào quan hệ Mỹ – Trung trong nhiều thế kỷ, chúng tôi không muốn thấy chu kỳ của điều mà Bắc Kinh thấy, rằng hung hăng và áp bức nước khác là cách để họ giải quyết mọi việc.

– Các nước khác sẽ phản ứng thế nào?

– Điều chúng ta chứng kiến từ Mỹ và các nước cùng có lợi ích ở Biển Đông là họ muốn tăng cường tuần tra, tham gia hoạt động hàng hải và đơn giản là tuần tra, ví dụ như Australia.

Vấn đề không phải là ngăn chặn hoạt động quân sự của Trung Quốc, vấn đề là nêu bật tính hợp pháp của các hoạt động của họ và về xây dựng năng lực cho các nước trong khu vực. Mỹ sẽ có hợp tác rộng hơn với Philippines, chúng ta cũng sẽ thấy sự gia tăng các sáng kiến an ninh giữa các nước trong ASEAN, như là Việt Nam, Indonesia, Malaysia. Sự gia tăng hợp tác giữa Australia, Nhật Bản với Philippines là điều cơ bản, và các nước cũng tăng cả hợp tác với Việt Nam. Một nước khác là Ấn Độ cũng đang trở thành một đối tác an ninh quan trọng trong khu vực. Tất cả các nước sẽ hợp tác để, không phải đứng lên chống lại hải quân của Trung Quốc, mà cùng các nước Đông Nam Á đảm bảo việc đi lại an toàn ở Biển Đông.

– Trong sự hợp tác lớn này, Việt Nam nên có vai trò thế nào?

– Tôi cho rằng chiến lược hiện đại hóa quân sự của Việt Nam là chính yếu, duy trì điều chúng ta chứng kiến vài năm qua, khoảng ba năm qua, là Việt Nam tập trung tăng cường đầu tư cho lĩnh vực này. Trước tiến độ cải tạo ở Biển Đông, Việt Nam cần có năng lực đảm bảo quyền đi lại ở vùng biển.

Việc chia sẻ thông tin, nhận thức về tình hình trên biển giữa các nước là rất quan trọng. Chúng ta thấy một trong những vấn đề lớn nhất ở đây là không ai trong ASEAN nói cho người khác biết điều họ thấy hay về kế hoạch họ đang làm gì. Ở Biển Đông, điều đó đang cho phép Trung Quốc thay đổi nguyên trạng. Chúng ta cần cải thiện sự hợp tác giữa các nước.

Về phương diện ngoại giao, Việt Nam cần nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước. Dù tòa trọng tài PCA đưa ra phán quyết thế nào cũng sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam. Cần đảm bảo Việt Nam hợp tác với Philippines và những nước có lợi ích như Mỹ, cùng tập hợp sự ủng hộ của quốc tế. Chúng ta cần bảo đảm rằng Trung Quốc đang phải trả giá về mặt danh tiếng cho những hành vi của họ, về việc bắt nạt các nước nhỏ hơn. Các nước cũng cần đảm bảo cộng đồng quốc tế sẽ ủng hộ vụ kiện của Philippnes thời gian tới.

– Tổng thống Mỹ Barack Obama có nêu lên điều gì về hợp tác trên biển với Việt Nam trong chuyến thăm dự kiến sắp tới?

– Tôi không cho rằng ông Obama sẽ đưa ra phát biểu gì riêng với Việt Nam, mà sẽ nói về hợp tác với tất cả các nước liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, với Philippines và Việt Nam, với Malaysia và cả Indonesia dù họ không phải là một bên có tranh chấp.

Về quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN, trong thời gian cuối nhiệm kỳ, ông Obama sẽ tạo nên năng lượng, củng cố cuộc chơi của mình, nói rõ rằng chính sách xoay trục ở châu Á còn hơn thế, không chỉ trở lại Đông Bắc Á, mà còn ở Đông Nam Á.

Việt Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP