Giáo dục

Chuẩn giáo viên: Bộ não hay… cặp giò?

Mặc dù mới chỉ là dự kiến, nhưng điều kiện tuyển sinh với yêu cầu về chiều cao tối thiểu cho những giáo viên tương lai...

Mặc dù mới chỉ là dự kiến, nhưng điều kiện tuyển sinh với yêu cầu về chiều cao tối thiểu cho những giáo viên tương lai của trường ĐH Sư phạm TP HCM đã trở thành câu chuyện khiến dư luận phải… cười ra nước mắt.

Trường ĐH Sư phạm TP HCM vừa đưa ra dự kiến điều kiện tuyển sinh với yêu cầu thí sinh nam cao 1,55m trở lên, nữ cao 1,50m trở lên. Riêng ngành Giáo dục Thể chất yêu cầu nam cao từ 1,65m, nặng 50kg trở lên, nữ phải cao từ 1,55m, nặng 45kg trở lên.

Quy định nói trên được cho rằng để “cải tổ” hình ảnh người thầy trong tương lai, khi thực tế có nhiều giáo sinh sư phạm chiều cao tương đối khiêm tốn so với học sinh. Hơn nữa, giáo viên có hình thức cũng dễ thu hút học sinh hơn khi truyền đạt kiến thức.

Đọc điều kiện về chuẩn chiều cao, cân nặng cho giáo sinh ngay lập tức tôi liên tưởng đến hình ảnh những người thầy chưa một lần được đứng trên bục giảng, chưa một lần được mặc chiếc áo dài, chưa một lần được “thả dáng” trong lớp học trước sự ngưỡng mộ của học trò…

Tôi nhớ đến đôi bàn chân co quắp của người thầy, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Tôi tin rằng, chẳng có người học trò nào phải phàn nàn vì thầy mình không bao giờ… biết đứng.

Còn Stephen Hawking - nhà vật lý học lỗi lạc người Anh thì sao? Khi mắc phải căn bệnh về thần kinh vận động, ông phải dùng đến xe lăn, phải giao tiếp qua một thiết bị “phiên dịch” âm thanh đặc biệt chỉ bằng 1 ngón tay nhúc nhích nhẹ. Nhưng ông vẫn trở thành giáo sư toán học của trường ĐH danh giá Camidge truyền dạy kiến thức cho nhiều thế hệ sinh viên.

Khác phần còn lại của thế giới, vì sao Việt Nam - một quốc gia đang gặp khá nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục lại có “sáng kiến” độc - lạ này?

Tôi cho rằng, khi giáo dục chưa giải quyết được vấn đề “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, khi chuẩn đầu vào các trường đào tạo giáo viên còn chưa thoát khỏi cảnh 10 điểm/ 3 môn… thì khoan hãy bàn về chân ngắn hay chân dài!

Khi giáo dục còn nhan nhản những vụ học sinh bị uống nước giẻ lau, nuốt phấn viết bảng, bị dạy dỗ bằng… dao hay lĩnh 231 cái tát đến sa sẩm mặt mày thì khoan hãy bàn đến chuyện ông thầy cao hay thấp.

Và nhất là khi, hàng nghìn học sinh vùng cao mỗi mùa đông rét mướt phải run rẩy ngồi co ro trong những lớp học thông thống gió, cơm ăn chưa đủ no, áo không có để mặc và giáo viên cắm bản vẫn phải nhường cơm, chia từng đồng lương ít ỏi hàng tháng để bao bọc học trò… thì khoan hãy bàn đến việc môi trường giáo dục sẽ đẹp hơn khi có các thầy cô dáng như… người mẫu.

Tác giả: Trịnh Tuyết

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP