Tin trong nước

Chủ tịch nước: ‘Tội phạm tham nhũng trốn đâu cũng không thoát’

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, dù trốn đi đâu người tham nhũng cũng bị đưa ra trước pháp luật, có những người từng trốn ở nước ngoài 5-7 năm cuối cùng vẫn không thoát.

Tiếp xúc cử tri quận 1, 3 và 4 (TP HCM) sáng 4/10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, trong vụ sai phạm tại công ty Xây lắp dầu khí (PVC) và quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, các cơ quan đã làm rõ trách nhiệm, khởi tố vụ án, bắt 4 người liên quan và đang truy nã trong nước, quốc tế đối với ông Thanh.

“Các cơ quan đã vào cuộc một cách tích cực, dù lẩn trốn đi đâu chăng nữa, những đối tượng tham nhũng, vi phạm pháp luật sớm muộn cũng bị đưa ra ánh sáng. Kinh nghiệm trước đây cho thấy, có những người trốn ở nước ngoài 5-7 năm nhưng rồi vẫn không thể thoát”, Chủ tịch nước nói.

Về nợ công, Chủ tịch nước cho đây là vấn đề rất hệ trọng đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Tính đến cuối năm 2015, nợ công Việt Nam đã lên 62% và dự báo cuối năm nay có nguy cơ vượt trần, gây áp lực trả nợ lớn.

“Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), Việt Nam không nằm trong danh sách các nước nguy hiểm, song chúng ta cũng phải thận trọng”, Chủ tịch nước nói và cho biết vừa yêu cầu Kiểm toán nhà nước rà soát các dự án vay vốn nước ngoài, kể cả vay vốn ODA để làm rõ mục đích vay, trả bằng cách nào, ai sẽ trả…

chu-tich-nuoc-toi-pham-tham-nhung-tron-dau-cung-khong-thoat

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời cử tri TP HCM. Ảnh: Trung Sơn

Trước đó, nói với người đứng đầu Nhà nước, cử tri Trần Đăng Trâm (quận 1) giọng khá bức xúc: “Ông Trịnh Xuân Thanh làm thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng. Nhiều cơ quan cùng quản lý, giám sát, sau này có thêm các cơ quan điều tra, kiểm tra… vậy mà ông Thanh bỏ trốn lúc nào cũng không biết. Ông ấy trốn rồi, làm sao xử lý sai phạm? Khoản tiền thua lỗ liệu có thu hồi được?”.

Cử tri Đặng Thanh Bình Hoạt đề nghị rà soát các dự án sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời liệt kê các doanh nghiệp âm vốn, Chính phủ phải bảo lãnh nợ, vốn. “Nợ công Việt Nam đang cao gấp đôi các nước ASEAN là rất nguy hiểm”, ông Bình nói.

Trong khi đó bà Hoàng Thị Lợi (phường Bến Nghé, quận 1) nhắc lại việc xảy ra tại huyện Đông Anh (Hà Nội).

“Vụ xô xát giữa Công an huyện Đông Anh và nhà báo gây dư luận rất nhiều. Bản thân tôi thấy công an có cái không kiềm chế, nhà báo cũng có cái chưa đúng. Nhưng cách giải quyết của cơ quan công quyền đến thời điểm này là chưa ổn”, bà Lợi nói và yêu cầu hoạt động của công an phải được rà soát, sao cho chuyên nghiệp từ công tác điều tra đến bảo vệ hiện trường.

Theo bà Lợi, ở nước ngoài có quy định rõ ràng về việc bảo vệ hiện trường. Khi ngăn cản người vào họ có nhiều cách để hành xử, thậm chí có thể mời những người không phận sự về đồn. “Còn hành xử ‘vung chân, vung tay, vuốt má’ thì nó phản cảm quá, không đẹp chút nào”, cử tri này nói và đề nghị nên điều tra kỹ, công an sai chỗ nào, phóng viên chưa đúng chỗ nào để có cách giải quyết xử lý phù hợp.

“Không nên để chuyện bé xé thành chuyện to gây hoang mang dư luận, làm cơ hội cho các trang mạng nước ngoài quy chụp, lợi dụng. Lực lượng công an nói chung rất vất vả, nhất là trong việc điều tra các vụ trọng án. Những hành vi chưa đẹp rất nhỏ của một vài cá nhân mà gây ảnh hưởng đến hình ảnh chung của lực lượng công an nhân dân thì không nên”, bà Lợi nêu quan điểm.

Còn ông Phan Anh Khoa (quận 3) đặt vấn đề Bộ Giáo dục – Đào tạo không nên liên tục cải cách giáo dục, gây xáo trộn. “Không nên đem thầy cô, phụ huynh, học sinh làm thí điểm. Riêng phương thức thi cử Bộ đưa ra trong 2 năm qua đã liên tục thay đổi, tôi đề nghị mỗi lần đưa ra cách làm mới phải có hiệu quả”, ông Khoa nói.

Trung Sơn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP