Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết, đúng là Hòa Phát đã mong muốn được đầu tư vào mỏ Thạch Khê từ rất lâu rồi. (Ảnh: M.Q) |
Theo đó, ông Long cho biết, trước khi Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất và Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Kinh Môn, Hải Dương của Hòa Phát hoàn thành thì 1 năm Hòa Phát tiêu thụ khoảng 10 triệu tấn quặng, tất nhiên vẫn nhập khẩu là chính, lên đến 95%.
“Trên cơ sở đó, khi có nhu cầu cao, nhập khẩu nhiều mà trong nước có nguồn tài nguyên thì mình làm thôi”, ông Long nói và cho biết thêm rằng mỏ Thạch Khê chia làm 2 giai đoạn là 5 triệu tấn quặng trong giai đoạn 1 và 10 triệu tấn quặng trong giai đoạn 2 thì gần như Hòa Phát có thể tiêu thụ hết số quặng trong giai đoạn 1.
Tuy nhiên, nhiều luồng ý kiến cho rằng quặng ở mỏ Thạch Khê có hàm lượng kẽm cao nên sợ không đảm bảo chất lượng. Về vấn đề này, ông Long cho biết rằng, cách đây 4-5 năm, Hòa Phát đã mua khoảng 5 tấn quặng ở mỏ Thạch Khê về dùng thử và không thấy có vấn đề gì. Tất nhiên trong quá trình sử dụng vẫn phải pha trộn với các loại quặng khác để làm giảm hàm lượng kẽm trong quặng.
“Vấn đề tỷ lệ kẽm trong quặng cao thì công nghệ hiện đại bây giờ cũng giải quyết được rồi nếu pha với tỷ lệ vừa phải. Thế giới cũng làm vậy và đang dùng như vậy”, ông Long cho hay.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia lo ngại rằng mỏ Thạch Khê cũng sẽ giống như các dự án khai thác quặng khác ví dụ như boxit ở Tây Nguyên, ban đầu hạch toán vay rất ít nhưng sau đó tăng rất nhanh, gây gánh nặng cho nền kinh tế.
Chia sẻ về khía cạnh này, ông Long cho biết đó cũng là một trong những lo lắng của tỉnh Hà Tĩnh khi họ không muốn cho làm mỏ Thạch Khê. Tất nhiên mọi hạch toán chỉ là ước tính, nhưng người có kinh nghiệm thì sẽ tiên liệu được điều đó và làm sao cho phù hợp, gần đúng nhất.
Ông Long nói: “Nhiều người cứ nghĩ mỏ Thạch Khê theo kiểu đào lên là “ngon ăn” lắm nhưng nhầm hết. Theo tôi, dự án Thạch Khê là dự án lớn nhưng cũng nhiều thách thức, không phải dễ đâu”.
Đáng nói, “vua thép” này nhận định, Thạch Khê không phải sân chơi cho những người kém về tiềm lực tài chính, vì làm mỏ phải đầu tư rất nhiều.
Giải thích cho điều này, ông Long cho rằng Chính phủ có thể thương doanh nghiệp (DN) nhưng người dân thì không.
“Chẳng riêng ngành thép mà với tất cả các ngành, bảo vệ môi trường phải là điều kiện số một”, ông Long nói nhưng cho hay rằng, khi đáp ứng được hết yêu cầu về môi trường, công nghệ,... thì lợi nhuận còn lại của DN lại thấp.
Do đó, ông Long nhấn mạnh rằng Thạch Khê không phải sân chơi cho những người có tiềm lực tài chính thấp.
“Nói chung, cách đây nhiều năm, nhiều người cứ nghĩ có được cái giấy phép rồi khai thác là có lãi nhưng thời kỳ đó qua rồi. Bây giờ, nếu không có tiền thì không làm được đâu vì nếu nợ dân tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, hay dính bê bối môi trường như Fomosa... thì khó lắm”, ông Long chia sẻ.
Ngoài ra, nhận định về cơ chế, chính sách của Chính phủ cho nền kinh tế nói chung và ngành thép nói riêng, ông Long cho rằng mọi thứ bây giờ đều tốt và tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh thuận lợi.
“Nói về kỳ vọng cho năm 2018 thì tôi chỉ mong Chính phủ cứ thực hiện những gì đang thực hiện, đừng thay đổi gì cả. Suy cho cùng, với người kinh doanh thì chỉ sợ nhất là thay đổi chính sách”, ông Long nói thêm.
Tác giả: Mạnh Quân- Hồng Vân
Nguồn tin: Báo Dân trí