Hàng xóm nói Michael Araja, 29 tuổi, bị giết bởi hai người đàn ông đi xe máy. Đây là cách thức sát hại khá phổ biến trong chiến dịch chống ma tuý này. |
Một nạn nhân không xác định danh tính bị bỏ mặc trên đường. Giống nhiều nạn nhân khác, người này được tìm thấy với mặt bịt kín bởi túi nylon mua đồ, tay trói sau lưng và tấm bảng phía trước: “Những kẻ bán ma tuý sẽ không dừng lại cho đến khi đời hắn bị kết liễu”. |
Người đàn ông nằm chết giữa một con ngõ của quận Pasay ở thủ đô Manila trong đêm mưa. Đây là cái chết thứ 17 mà Daniel Berehulak, phóng viên New York Times, chứng kiến ở Philippines. Nó diễn ra vào ngày thứ 11 anh ta đến đất nước này. Romeo Torres Fontanilla, 37 tuổi, bị hai người đàn ông lạ mặt đi môtô bắn chết. |
Cuộc chiến chống ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte khởi xướng sau khi ông nhậm chức ngày 30/6. Theo số liệu của cảnh sát Philippines, tính đến tháng 10, số người chết vì bị cảnh sát hoặc các đối tượng không xác định danh tính bắn là hơn 2.000 người. Trước đó, con số 3.500 người thiệt mạng từng được ghi nhận. Cảnh tượng phổ biến là 2 người đi trên môtô tới bắn chết nghi phạm buôn bán ma túy. |
Hồi tháng 10, Tổng thống Duterte nói rằng số lượng người bị bắn có thể còn tăng mạnh. Đến thời điểm này, cuộc chiến chống ma túy đã đưa hàng nghìn gia đình Philippines vào cảnh tang tóc. Một nhân chứng nói về chiến dịch này: “Họ giết chúng tôi như thú vật”. |
Cô bé Jimji, 6 tuổi, khóc bên quan tài của người cha Jimboy Bolasa, 25 tuổi. |
Bên cạnh những cái chết trên đường phố, hơn 35.000 người đã bị bắt trong chiến dịch này. 727.600 người sử dụng ma túy và 56.500 nghi phạm buôn bán chất cấm này đã ra đầu thú, dẫn đến các nhà tù đều quá tải. |
Xác nạn nhân được xếp đầy ở các nhà tang lễ. Nhiều gia đình gặp nhiều khó khăn trong việc kiếm đủ tiền để làm tang lễ cho họ. |
Ở nhà tù thành phố Quezon, các tù nhân phải thay phiên nhau ngủ trên sân bóng của trại giam. |
Những nghi phạm buôn bán ma túy giấu mặt mình khi thấy ống kính của Berehulak. |
Cảnh sát Philippines gọi những trường hợp nghi phạm chống cự khi bị bắt và bị bắn chết sau đó là “Nanlaban”, nghĩa là “anh ta động thủ”. Thân nhân của Florjohn Cruz, một người “động thủ” bị bắn chết, nói rằng họ tìm thấy bên cạnh xác Cruz một tấm biển ghi “Đừng làm một kẻ nghiện ngập và buôn bán ma túy như anh ta”. |
Phóng viên New York Times kể rằng khi thời gian lưu lại Philippines của anh cạn dần, những cuộc bắn giết ngày càng nhiều. Những cảnh sát Berehulak gặp không giấu diếm chuyện họ dính dáng đến những vụ giết người ngoài vòng pháp luật. Trong ảnh, thân nhân của những người chết trong chiến dịch truy quét ma túy lặng lẽ đến viếng mộ trong Lễ Các Thánh ngày 1/11. |
Hàng đêm, trong những con ngõ vắng của Manila, tiếng súng có thể vang lên bất cứ lúc nào. |
Những giọt nước mắt bên lề cuộc chiến chống ma túy gây nhiều tranh cãi tại Philippines. |
Ảnh: New York Times