Bệnh viện Bưu điện, nơi xảy ra vụ việc - Ảnh: Website bệnh viện |
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhã - trưởng đơn vị hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện - hai vợ chồng ở Bắc Ninh đã có 3 con trước khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm để sinh thêm con.
Tháng 9-2018, người vợ đã sinh con thứ 4 nhờ hỗ trợ sinh sản, còn 1 phôi trữ đông gửi tại Bệnh viện Bưu điện và sau đó bị "lọt".
Tháng 4-2019, nhận được điện thoại hỏi thăm sức khỏe thai nhi của bệnh viện, người vợ bất ngờ hỏi lại vì không chuyển phôi do không có ý định sinh thêm và con sinh trước đó mới hơn 7 tháng.
Trao đổi với bệnh viện, người vợ mới biết phôi đã chuyển ngày 2-4-2019, sau 14 ngày chuyển phôi, bệnh viện gọi cho người chồng và được biết đã đậu thai.
Cuộc gọi kể trên cho người vợ là 21 ngày tính từ ngày chuyển phôi. Qua trình báo, người vợ cho biết chồng đã "qua mặt" bệnh viện làm các thủ tục để chuyển phôi cho "bồ" 45 tuổi ở Bắc Giang.
Cụ thể, bác sĩ Nhã cho biết quy định của bệnh viện yêu cầu gia đình phải trình chứng minh nhân dân gốc, hộ khẩu và đăng ký kết hôn gốc trước khi chuyển phôi để so sánh với hồ sơ lưu tại bệnh viện. Đồng thời, người được chuyển phôi phải trả lời các câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi của bệnh viện như số con của gia đình, con lớn, con nhỏ tuổi như thế nào, anh chị em trong gia đình...
"Trường hợp này, người chồng đã giấu chứng minh nhân dân của vợ khiến người vợ tưởng bị mất. Khi đến bệnh viện, ông ta trình đủ các giấy tờ, có thẻ gửi phôi trữ đông, người được chuyển phôi cũng trả lời chính xác các câu hỏi trong ngân hàng. Do chúng tôi chưa sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt và vân tay, mà sàng lọc bằng các giấy tờ và ngân hàng câu hỏi, trong khi người chồng chủ động để qua mặt bệnh viện nên đã lọt qua cửa sàng lọc" - bà Nhã phân trần.
Bà Nhã cũng cho biết sau khi được chuyển phôi vào tháng 4, người được chuyển phôi đã mang thai nhưng hiện thai nhi đã bị sẩy. Hai vợ chồng này cũng đã ly dị được vài tháng, hiện người vợ đang khiếu nại ông chồng "lừa" ăn trộm phôi.
"Ở đây từng có trường hợp đánh tráo người được chuyển phôi để mang thai hộ, nhưng việc sàng lọc bằng hồ sơ và ngân hàng câu hỏi đều phát hiện được hết, chỉ có trường hợp này do ông chồng chủ động nên qua mặt được" - bà Nhã nói thêm.
Bà cũng cho biết Bệnh viện Bưu điện đang triển khai xây dựng hệ thống nhận diện bằng vân tay và khuôn mặt, lưu trữ từ thời điểm thực hiện kỹ thuật, so sánh và sàng lọc thời điểm chuyển phôi nhằm tránh các trường hợp tương tự.
Bị phạt 30 - 40 triệu đồng? Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng căn cứ khoản 2 điều 33 nghị định 176/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, ông chồng và người được chuyển phôi trong vụ việc hi hữu này sẽ bị phạt 30 - 40 triệu đồng (sử dụng phôi còn dư mà chưa được sự đồng ý của cả hai vợ chồng). Ngoài ra, cơ sở y tế cũng sẽ bị xử phạt tùy mức độ. |
Tác giả: Lan Anh
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ