Giáo dục

Chia sẻ của giáo viên: Nghề dạy học và những áp lực

Dư âm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 còn đọng lại trong kí ức những người làm nghề dạy học bao niềm vui, bao kỷ niệm ân tình nhưng hẳn cũng không ít những khó khăn, áp lực... Ở bài viết này, tôi xin giãi bày những áp lực đang đè nặng xuống người dạy học trong thời buổi hiện nay.

Áp lực biên chế

Rời giảng đường, sinh viên Sư phạm ai cũng mong cho mình được biên chế trong ngành giáo dục thế nhưng giữa buổi “chợ đông”, lại còn tinh giản biên chế khiến cho sinh viên Sư phạm càng “ế ẩm”. Người thì trong thời gian chờ đợi địa phương thi tuyển viên chức thì xin dạy hợp đồng theo tiết với đồng lương còm cõi, có khi chả đủ xăng xe nhưng còn gắn cái mác là được đi dạy học; người thì tiếp tục đầu tư học trên Đại học để trông cậy khi xét tuyển có thêm điểm khuyến khích, ưu tiên... còn phần nhiều đành “giấu” bằng cử nhân để xin làm công nhân cho an phận, nghĩ đến cảnh giáo khổ trường tư thời nay lại càng thêm chua chát! Đến khi nào số sinh viên đang có trong tay những tấm bằng cử nhân Sư phạm kia mới thỏa ước mơ của mình?

Áp lực thành tích

Bệnh thành tích trong giáo dục nhiều khi đã thành vấn nạn, nhiều tư lệnh ngành đang tìm cách chấn hưng giáo dục, đưa ra những phương thuốc chữa trị nhưng hẳn sao cho khỏi căn bệnh đã thành kinh niên? Để tránh sự nhắc nhở, phê bình của lãnh đạo từ việc thu nộp đúng hạn, đến xếp loại thi đua nề nếp, học tập hàng tuần, hàng tháng giữa các lớp, các khối trong trường buộc thầy cô chủ nhiệm phải “gồng” mình răn đe học sinh, thậm chí sự đã đành phải đưa ra nhiều phương án “độc” để “trị” (có lẽ vì vậy mà nhiều phương thức trị quá tay của giáo viên khiến cho học sinh mình đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn, ví như học sinh lớp 6 ở Quảng Bình phải chịu 231 cái tát vì nói tục, hay có học sinh phải ngậm phấn, uống nước giặt giẻ lau bảng vì nói chuyện riêng...).

Trong các đợt kiểm tra theo phòng, vì thành tích chất lượng và tránh những lời “nhắc nhở” của lãnh đạo buộc giáo viên phải có những “mẹo” riêng trị những học sinh lười học như đứng góc lớp, quỳ học, chép phạt nhiều lần... Trong các đợt thao giảng, thi học sinh giỏi vì thành tích khiến giáo viên, thậm chí có nhà trường phải tìm ra các mối quan hệ thiết thân, ngoại giao... miễn sao có được thành tích cao. Chưa kể bao thứ hồ sơ, sổ sách, bao buổi hội thảo, hội họp chuyên đề, sáng kiến, bao khoản đóng góp trong khi đồng lương chẳng mấy đủ đầy... Thôi thì muôn nẻo điều khó nói về nghề dạy học, trăm dâu đổ đầu tằm mà giáo viên, học sinh là những “con tằm” nằm trong chuỗi thành tích ấy!

Áp lực trong các mối quan hệ

Khi đến trường, hẳn không ít thầy cô vẫn yêu nghề, vì tương lai của đàn em thân yêu nên dồn hết tâm huyết cho từng bài giảng, nhưng hẳn không ít thầy cô khi thấy từng ngày nơi này, nơi kia đồng nghiệp mình bị phụ huynh xông vào đánh chửi, cộng đồng mạng lên án... Dù đúng, dù sai thì điều đó ít nhiều khiến những giáo viên chân chính không khỏi chạnh lòng lo lắng cho bản thân, thậm chí có giáo viên đành chọn cách “ngoảnh mặt làm ngơ, bơ đi những hành vi xấu” của học trò. Phải chăng áp lực đã gây nên tội lỗi, tội ác thì thật là thảm hại!

Mỗi nghề mỗi nghiệp, mỗi nghề có những áp lực, khó khăn riêng nhưng nếu thiếu tình yêu với nghề, thiếu kĩ năng sư phạm, thiếu sự đồng thuận giữa gia đình - nhà trường - xã hội thì nghề dạy học có còn là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý? Và đến khi nào những áp lực trong nghề dạy học mới được gỡ bỏ thì người dạy học mới đúng là những kĩ sư tâm hồn, người giáo viên nhân dân!

Trương Nick Anh (Giáo viên THPT tại Thái Bình)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP