Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với giáo dục trung học, do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức.
Chất lượng giáo dục được nâng lên
Bộ GD&ĐT cho biết, năm học vừa qua, mạng lưới trường, lớp giáo dục trung học cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân và yêu cầu phổ cập giáo dục THCS. Quy mô học sinh THCS tăng nhẹ và đi vào ổn định, phù hợp cơ cấu dân số theo độ tuổi huy động học sinh ra lớp.
Công tác phổ cập giáo dục THCS được tăng cường; chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà được nâng lên.
Kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia có chuyển biến tích cực, nhất là khu vực các thành phố lớn, chất lượng giáo dục bảo đảm. Cả nước có 7.573 trong tổng số 13.348 trường THCS đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 56,7%); cấp THPT có 1.243 trong tổng số 3.356 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 37,04%).
Tổ chức dạy học ngoại ngữ (chương trình tiếng Anh 10 năm) ngày càng được quan tâm và tích cực triển khai ở hầu hết các địa phương trên toàn quốc.
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT). |
Năm học vừa qua, số trường tham gia dạy và học theo chương trình tiếng Anh 10 năm ở cấp THCS đạt 46%, cấp THPT đạt 39%. Hiện có khoảng 47% học sinh cấp THCS và 15% ở cấp THPT theo học chương trình này.
Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới được triển khai tích cực. Cùng với đó, ngành Giáo dục triển khai hiệu quả Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025.
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trung học được nâng lên và chuẩn hóa; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện tích cực.
Bộ GD&ĐT và các địa phương quan tâm đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Ưu tiên các hạng mục như: phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, bổ sung trang thiết bị dạy học…
Vẫn còn dạy/học thêm sai quy định
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh ở một số địa phương, cơ sở giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn một số học sinh vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống; công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh ở một số nơi chưa tốt.
Trong khi đó, công tác giáo dục hướng nghiệp vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do việc ban hành cơ chế, chính sách về công tác phân luồng còn chậm và thiếu cơ chế, chính sách đủ mạnh để thúc đẩy việc phân luồng; mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục hướng nghiệp chưa đổi mới kịp thời theo yêu cầu đổi mới kinh tế - xã hội.
Việc dạy thêm, học thêm sai quy định và lạm thu ở một số nơi vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân là do khâu quản lý của một số địa phương chưa chặt chẽ, chưa có chế tài đủ mạnh để giải quyết vấn đề này….
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong năm học mới 2019-2020, Bộ GD&ĐT xác định, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo tinh thần Luật Giáo dục 2019 và các Nghị quyết, Quyết định của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu và các giải pháp cơ bản của ngành phù hợp giáo dục trung học, điều kiện từng địa phương, cơ sở giáo dục, gắn với việc tăng cường nền nếp, kỷ cương và chất lượng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh trong mỗi cơ sở giáo dục.
Bộ GD&ĐT và các địa phương quan tâm đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. |
Nhiều đề thi “mở” không đúng cách
Tại hội nghị, nhiều vấn đề "nóng" của giáo dục trung học được quan tâm. Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) nêu chỉ thị 138/CT-BGDĐT 2019 chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường.
Tuy nhiên, khi Bộ GD&ĐT đi kiểm tra, thấy các văn bản từ bộ xuống sở nhưng không về đến trường học hoặc lớp học.
"Để xảy ra tình trạng này là thất bại, bởi khi văn bản không đến địa phương, bộ có làm 'trăm phương nghìn kế' cũng không thể nâng cao chất lượng" - ông Vũ Đình Chuẩn nói.
Ngoài ra, nhiều địa phương lặp lại sai lầm của địa phương khác chỉ trong thời gian ngắn. Đó là vụ việc giám thị tại địa phương ký nhầm đề thi khiến hơn 6.000 học sinh phải thi lại vào đầu tháng 6. Ngay sau đó, có giám thị lặp lại sai lầm này ở kỳ thi THPT quốc gia.
Ở ví dụ khác, cách ra đề thi mở luôn được khuyến khích, ưu tiên nhưng theo ông Chuẩn, có những đề thi "mở không đúng cách". Có trường đưa nhân vật Khá "bảnh" vào đề thi Ngữ văn khiến dư luận phản ứng, báo chí đăng tải nhưng không lâu sau các trường khác lại tiếp tục đưa nhân vật này vào đề.
“Như vậy một bộ phận giáo viên, nhà quản lý không theo dõi các phương tiện thông tin truyền thông và từ năm học tới, các trường phải chấm dứt tình trạng ra đề kiểu này”, ông Chuẩn nói.
Nhà vệ sinh bẩn: Cần xem xét lại trách nhiệm hiệu trưởng
Tại hội nghị, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất nhà trường (Bộ GD&ĐT) đưa ra thông tin, cả nước có 60% nhà vệ sinh đạt chuẩn, yếu nhất là công tác quản lý, sử dụng.
Trong năm học tới, giáo viên phải tổ chức hướng dẫn học sinh quản lý, sử dụng nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.
Đại diện Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT) cũng cho hay, hiện tại đơn vị này đang thu thập dữ liệu của 53.000 trường học tại cơ sở dữ liệu thống kê của toàn quốc, trong đó có mục khai báo thông tin nhà vệ sinh trường học.
Cục Công nghệ Thông tin và Cục Cơ sở Vật chất nhà trường, sẽ phối hợp để các trường học chụp ảnh thực tế nhà vệ sinh, cập nhật thông tin thay đổi, tiến triển.
Phát biểu về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhắc lại, đây là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ quan tâm và thống nhất, nhà vệ sinh bẩn cần xem lại trách nhiệm của hiệu trưởng.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí