Sau sự việc sập giàn giáo khiến hơn 10 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh, cũng như phía đại diện Tập đoàn Samsung đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình có người gặp nạn, đồng thời hỗ trợ kinh phí điều trị và tiền mặt cho các gia đình có người thiệt mạng cũng như bị thương. Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ ban đầu cho mỗi người bị thương nằm điều trị tại bệnh viện 3 triệu đồng, hỗ trợ mỗi gia đình có người tử vong 2 triệu đồng. Tại Bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Anh, ông Lê Đình Sơn đã chia sẻ và động viên các nạn nhân đang nằm điều trị cũng như người nhà, thân nhân người thiệt mạng cố gắng vượt qua khó khăn. Tỉnh Hà Tĩnh sẽ hỗ trợ chi phí điều trị tại bệnh viện khi các nạn nhân nằm điều trị tại đây. Ngoài ra, Tập đoàn Sam Sung hỗ trợ ban đầu cho mỗi gia đình có nạn nhân tử vong 30 triệu đồng để chuẩn bị an táng. Đến thời điểm hiện tại, người thân của 13 người thiệt mạng đã đến bệnh viện để làm các thủ tục cần thiết đưa các nạn nhân về quê mai táng. |
Sau khi vụ việc sập giàn giáo đang thi công vào tối ngày 25/3 tại cảng Sơn Dương (dự án Formosa, Khu kinh tế Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), khiến 13 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, hiện mọi công tác cứu hộ đã được các cơ quan chức năng hoàn tất, danh tính các nạn nhân đã được xác định.
Hàng chục nạn nhân bị thương nặng sau khi thoát khỏi đống đổ nát đã nhanh chóng được đưa về cấp cứu và điều trị tích cực tại khoa chấn thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Sau khi sự việc xảy ra, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo cử 4 bác sĩ giỏi của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) lập tức lên đường vào Hà Tĩnh để kịp thời cữu chữa cho các nạn nhân.
Tại khoa chấn thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh lúc này, khung cảnh u buồn bao trùm. Các nạn nhân được điều trị tại đây hầu hết đã qua cơn nguy kịch, tuy nhiên, dư chấn của sự việc vẫn khiến nhiều nạn nhân bị chấn thương vùng đầu chìm trong những cơn mê sảng.
Thân nhân chăm sóc người gặp nạn.
Theo quan sát và tìm hiểu thông tin tại đây, các nạn nhân chủ yếu tuổi đời còn rất trẻ và là con em của những gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Người thì bị gãy chân, người bị gãy tay, có trường hợp gẫy cả chân và tay. Đặc biệt là những trường hợp bị đa chấn thương, trong đó có chấn thương sọ não thường xuyên phải trải qua những cơn đau đớn dằn vặt.
Ngồi thất thần bên giường bệnh của cậu con trai cả trong gia đình, ông Nguyễn Văn Lợi (43 tuổi, bố đẻ của nạn nhân Nguyễn Văn Quý, quê Quảng Bình), buồn rầu kể: “Tối 25/3, tôi đang trên rẫy thì bất ngờ nhận được điện thoại thông báo thằng Quý bị tai nạn, nghe đâu nặng lắm khiến chân tay tôi bủn rủn, bước đi không vững. Tôi tức tốc về nhà, không kịp ăn cơm, cả hai vợ chồng tôi bắt xe đi thẳng xuống đây.
Khi xuống đến nơi thì thấy con tôi vẫn đang hôn mê, bất tỉnh trên giường bệnh, kế bên là nhiều bệnh nhân khác, hỏi ra mới biết ở đây toàn là những bệnh nhân gặp nạn trong vụ sập giàn giáo giống con tôi”, ông Lợi cho biết thêm.
Vẻ mặt thất thần của ông Lợi bên giường bệnh của con trai.
Ông Lợi lặng lẽ nhìn người con nằm im trên giường bệnh. Trên khuôn mặt chai sạn của người cha lam lũ không giấu được những giọt nước mắt: “Gia đình nghèo lắm chú ạ, sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng với làm rừng. Nó (tức Quý) là con cả trong nhà, dưới nó còn một em gái nữa, học xong cấp ba thì xin bố mẹ cho đi làm, nó vừa làm được vài tháng thì xảy ra sự việc đau buồn này”.
“Sự việc chẳng ai mong muốn, nhưng dù sao cũng xảy ra rồi, nghe nói có nhiều người thiệt mạng nữa, tôi nghe mà cảm thấy đau đớn, cũng chỉ vì miếng cơm manh áo nên cho con đi làm xa. Bây giờ xảy ra sự việc như thế này thì cũng mong công ty và cơ quan chức năng có sự quan tâm tới các nạn nhân”, ông Lợi bày tỏ mong muốn.
Chia sẻ về tai nạn của đứa con, ông Lợi không giấu nổi những giọt nước mắt.
Không riêng gì ông Lợi, nhiều người thân của các nạn nhân tại đây đều trong tâm trạng buồn rầu. Họ không tin sự việc xảy ra lại nghiêm trọng đến vậy.
Là một trong những người có mặt tại bệnh viện để chăm sóc em trai bị chấn thương vùng đầu và liên tục mê sảng, anh Nguyễn Thái Đức (30 tuổi, quê Nghệ An, anh trai của nạn nhân Nguyễn Văn Bảo) cho biết: “Hôm 25/3, lúc ấy khoảng 9h (21h – Pv), tôi vừa đi làm về, cũng đang chuẩn bị đi nghỉ thì nhận được thông báo là em tôi bị ngã giàn giáo, ngay lập tức tôi cùng với mấy anh em nữa bắt xe vào đây ngay”.
“Nhìn cảnh em tôi mà đau lòng quá, toàn thân băng bó, phần đầu trùm kín dây băng, tôi không nhận ra em mình nữa. Bảo bị thương khá nặng, giờ đỡ hơn nhiều rồi, nhưng vẫn hay mê sảng lắm. Chú ấy là em thứ 3 trong nhà, bố mẹ tôi có được 6 anh em, tôi là cả cũng lo toan cuộc sống gia đình, mọi người trong nhà ai cũng lo cuộc sống riêng. Riêng Bảo vừa mới xây dựng gia đình xong và có một cháu 7 tháng tuổi, vợ chưa có công ăn việc làm, chú ấy đi làm nuôi gia đình, vậy mà giờ lại bị thế này”, anh Đức buồn rầu kể.
Anh Đức luôn túc trực bên giường người em trai bị chấn thương sọ não.
Được biết, Nguyễn Văn Bảo vào làm tại công trường này cũng được một thời gian khá lâu (khoảng 2, 3 năm), do công việc bị quản lý thời gian khá gắt gao, nên mỗi tháng Đức chỉ dành thời gian về thăm bố mẹ và vợ con được một lần.