Người trực tiếp phẫu thuật và điều trị cho chị D. – bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Quyền trưởng khoa ngoại I – cho biết, do bệnh nhân đã để quá lâu mà không điều trị nên hai môi lớn âm hộ phát triển rất “khủng”.
“Hầu như chưa có một báo cáo khoa học nào ghi nhận ca tương tự. Hai môi lớn âm hộ bệnh nhân có kích thước lên đến 22 x 10 x 15 cm, nặng khoảng vài kg”, bác sĩ Tiến nói.
Tuy chứng môi lớn âm hộ phì đại là bệnh lành tính, không phải ung thư, nhưng đây là cô gái còn độc thân, chưa quan hệ tình dục, kinh nguyệt đều, chưa ghi nhận các bệnh lý nội ngoại khoa, nên vấn đề khó là phải làm thế nào để bảo đảm các chức năng của âm hộ người phụ nữ. “Chúng tôi đã hội chẩn nhiều lần để lên kế hoạch phẫu thuật cắt trọn 2 môi lớn và tạo hình tốt nhất cho âm hộ bệnh nhân”, bác sĩ giải thích.
Kết quả siêu âm cho thấy 2 môi lớn phì đại, nhưng may mắn lỗ tiểu của bệnh nhân không bị xâm lấn. Bác sĩ đã rạch vùng âm hộ, lấy trọn da và mô mềm âm hộ gồm mỡ, sợi. Sau đó may cầm máu, may mô mỡ, may da tái tạo âm hộ…
Ca mổ đã thành công nhưng bệnh viện cần chờ kết quả giải phẫu bệnh lý từ khối môi phì đại cắt ra để biết chính xác nguyên nhân. Các chuyên gia của bệnh viện đặt nghi vấn âm hộ bệnh nhân bị tăng sắc tố da và biến thành tế bào dị dạng.
Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Ung bướu TPHCM tiếp nhận điều trị ca bệnh có âm hộ với thể tích và khối lượng “khủng” như thế.
Các bác sĩ khuyến cáo, chị em phụ nữ khi có kinh nguyệt hoặc có quan hệ nên đi khám phụ khoa 6 tháng/lần để phát hiện sớm các bệnh lý, điều trị sớm, để có kết quả tốt hơn.
Tiền Phong