Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, trao đổi với VnExpress về ý đồ của Washington khi điều tàu USS William P. Lawrence đến tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa.
– Vì sao Mỹ chọn thời điểm này để thực hiện tuần tra?
– Việc Washington thực hiện chuyến tuần tra tự do hàng hải (FONOP) lần thứ ba này khá bất ngờ vì quan chức Mỹ từng tuyên bố chuyến thứ ba bị hoãn lại. Có hai giả thuyết: Một là việc ngưng chuyến thứ ba khiến một số nghị sĩ Quốc hội chỉ trích chính quyền của Tổng thống Barack Obama, do đó quyết định đã thay đổi. Hai là các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ đã cảnh báo rằng Trung Quốc có ý đồ thực hiện một số hành động tại bãi cạn Scarborough. Do đó chuyến FONOP thứ ba này được thông qua nhằm đưa ra tín hiệu với Bắc Kinh “cần phải lùi lại”.
Đá Chữ Thập là một tổng hành dinh tác chiến được nhắm tới dành cho các lực lượng của Trung Quốc ở Trường Sa. Các thông tin bị rò rỉ của truyền thông tại Washington và Canberra cho thấy Trung Quốc chuẩn bị hành động để “thể hiện sự tức giận của mình” với quyết định sắp tới của Tòa trọng tài thường trực (PCA) với vụ kiện của Philippines.
Mỹ quan ngại về hoạt động khảo sát của Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough của Philippines. Mỹ và Australia cũng lưu ý đến việc một quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc đến thăm khu vực này. Chuyến thăm tương tự gần nhất diễn ra vào 2014 khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Mỹ đã tăng áp lực với Trung Quốc bằng cách đưa các máy bay A-10 và HH-60 từ Philippines đến tuần tra gần bãi cạn Scarborough. Điều này được thực hiện để ngăn cản Bắc Kinh.
– Trung Quốc đã điều hai chiến đấu cơ và ba tàu chiến đã theo sát tàu Mỹ gần đá Chữ Thập, yêu cầu rời khỏi khu vực. Ông đánh giá thế nào về phản ứng lần này của Trung Quốc?
– Trung Quốc luôn cảnh báo tàu Mỹ ở Biển Đông bất kể họ đi qua hay thực hiện việc tuần tra. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đánh giá Trung Quốc lần này hành xử “chuyên nghiệp hơn” khi không gây ra những cuộc chạm trán nguy hiểm.
Các hành động của Trung Quốc đều nằm trong một trò chơi. Trong tất cả các vụ việc, chiến dịch của Trung Quốc là tuyên bố một cách giả dối rằng họ “đuổi Mỹ ra khỏi khu vực”. Kiểu hành động này là “sự bình thường mới” giữa hai lực lượng quân sự. Hành động của Trung Quốc cũng là sự “thể hiện” nhằm tuyên truyền cho dư luận trong nước.
– Dự báo của ông về diễn biến trên biển từ nay đến cuối năm?
– Thực tế thì ASEAN, nước có tranh chấp hay Mỹ không ngăn chặn được Trung Quốc tiếp tục củng cố hiện diện của mình ở Biển Đông. Bắc Kinh đã đưa ra một cuộc tấn công về mặt ngoại giao để thuyết phục các nước nhỏ hơn xác nhận về mặt chính trị rằng “các cường quốc bên ngoài không nên liên quan đến tranh chấp ở đây”. Trung Quốc đã xoay xở để xây dựng xong các đảo nhân tạo và đối phó được với sự quấy rầy với các tàu quân sự, máy bay cũng như ngư dân Philippines.
Căng thẳng ở Biển Đông sẽ tăng rõ rệt khi PCA đưa ra quyết định về vụ kiện của Philippines. Trung Quốc sẽ bác bỏ hoàn toàn và có thể thực hiện một số hành động khiêu khích để thể hiện rằng “luật pháp quốc tế không thể kiềm chế các hành động của họ”.
Mỹ sẽ dẫn đầu cộng đồng quốc tế trong việc lên án Trung Quốc về các hành động này. Trung Quốc sẽ lợi dụng việc Mỹ và Philippines đang thực hiện chuyển giao quyền lực để có những thay đổi trên biển. Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ hành động trước khi Obama rời Nhà Trắng, nếu không các động thái của Trung Quốc sẽ được coi là thách thức trực tiếp với tân tổng thống Mỹ. Điều này có thể gây nên sự xung đột với lãnh đạo mới của Nhà Trắng.
– PCA sẽ đưa ra phán quyết thế nào?
– Tòa án có thể đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines về hiện trạng các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm giữ, cho thấy một số bị chìm khi thủy triều lên và một số khác là đá. Có thể PCA sẽ đưa ra quyết định nước đôi và do đó dẫn tới nhiều vấn đề cần được giải quyết. Điều này có thể mở ra cánh cửa khôi phục thảo luận giữa Bắc Kinh và Manila.
Tổng thống mới đắc cử của Philipines Rodrigo Duterte đã tuyên bố rằng ông sẽ bảo vệ chủ quyền của nước này nhưng cũng tìm cách cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Trung Quốc vẫn sẽ bác bỏ quyết định của PCA nhưng có thể điều hòa lại cách hành xử để hợp tác với tân tổng thống. Ông Duterte không ủng hộ Mỹ như ông Aquino và Trung Quốc sẽ muốn khai thác điều này.
– Ông đánh giá thế nào về việc Trung Quốc tuyên bố lôi kéo được ba nước trong ASEAN?
– Bắc Kinh cho rằng họ đã đạt đồng thuận với Lào, Campuchia va Brunei về vấn đề Biển Đông nhưng dường như Trung Quốc đã bóp méo những gì các nước đồng thuận. Người phát ngôn của Vientian và Phnom Penh đều bác bỏ việc nhất trí với những gì truyền thông Trung Quốc đưa ra.
Với vai trò chủ tịch ASEAN năm nay, Lào sẽ duy trì được sự thống nhất của khối về Biển Đông vì đã đưa ra phát biểu nhiều lần trong năm ngoái. Nhưng Lào có thể không tiên phong thực hiện điều này. Vấn đề thực sự ở đây là liệu ASEAN có tạo được sự đồng thuận về việc phản ứng thế nào nếu Trung Quốc bác bỏ quyết định của PCA.
Việt Anh