Trung Quốc

Cảnh giác ý đồ thâu tóm đất của Trung Quốc

Tuần báo National Business Review của New Zealand ngày 26-1 đưa tin ông Gary Romano, giám đốc chi nhánh New Zealand của Tập đoàn Shanghai Pengxin (Trung Quốc), đã nộp đơn xin từ chức sau hai năm lèo lái doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn tại khu vực này.

Chính sách thâu tóm đất nông nghiệp của Trung Quốc khiến nhiều nước trên thế giới bất an, một số đã tập nói “không” với đồng nhân dân tệ.
 
hatinh24h
Một chương trình truyền hình ở Úc nói về làn sóng “xâm lấn của Trung Quốc” – Ảnh chụp màn hình

Quyết định của ông Romano được cho là có liên quan đến thất bại của thương vụ thâu tóm Lochinver Station, một trong những trang trại sữa lớn nhất New Zealand hồi tháng 9-2015.

Chính phủ New Zealand bác bỏ khoản tiền 88 triệu USD của nhà đầu tư Trung Quốc với lý do nó không mang lại “lợi ích lâu dài” cho 
đất nước.

Quyết định của chính quyền New Zealand dẫn đến việc Pengxin cũng rút khỏi thương vụ mua nông trại Taharua gần Lochinver và các điền sản khác 
ở Northland.

Các nước đã cẩn trọng

Tập đoàn Trung Quốc được nhắc đến nhiều vào năm 2012 với thương vụ thâu tóm 16 nông trại sữa Crafar của doanh nghiệp gia đình lớn nhất New Zealand. Vụ mua bán này vấp phải làn sóng phản đối gay gắt từ các đảng phái chính trị New Zealand. Họ gây áp lực lên chính phủ vì diện tích đất nông nghiệp chuyển giao cho nước ngoài quá lớn.

Chuyên gia Stuart McMillan thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược ĐH Victoria (Wellington, New Zealand) nhận xét cơn sốt đất nông nghiệp New Zealand của người Trung Quốc sẽ không giảm nhiệt trong một sớm một chiều.

Theo ông McMillan, có nhiều lý do đằng sau chính sách thâu tóm đất của các nước, trong đó có Trung Quốc, vấn đề là các quốc gia cho thuê/bán cần phải cân nhắc một khi ra quyết định giao đất cho “người lạ”.

Trường hợp New Zealand tương tự với bản ghi nhớ cho thuê 1.000km2 đất trong 49 năm mà chính quyền vùng Siberia của Nga bắt tay với doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc Hua’e Xingbang hồi năm 2015. Khi kế hoạch này vừa công bố, chính trường và truyền thông Nga đồng thanh cảnh báo nó có thể dẫn đến việc mất đất vào tay Trung Quốc.

New Zealand là một ví dụ cho việc thế giới bắt đầu nghi ngờ và phản kháng trước “hiện tượng” thâu tóm đất đai của Bắc Kinh.

Như trường hợp Brazil, chính quyền nước này từ chối bán hàng ngàn hecta đất nông nghiệp cho nhà đầu tư Trung Quốc, thay vào đó họ cho nông dân Brazil vay tiền để trồng đậu nành, sản phẩm này sau đó được bán cho Trung Quốc để nuôi gia súc, gia cầm.

Brazil, Argentina và Uruguay thông qua luật cấm các tổ chức, công ty có dính dáng đến chính phủ nước ngoài sở hữu đất đai…

Dùng Úc làm “trái độn”

Tạp chí tài chính Nikkei Asia Review của Nhật mới đây có bài phân tích việc Trung Quốc dòm ngó vùng đất màu mỡ phía bắc lục địa Úc với 17 triệu ha đất canh tác.

Nằm gần Đông Nam Á, vùng này có địa thế chiến lược trở thành một trung tâm xuất khẩu nông nghiệp lớn. Nếu mở đường bay thẳng từ Darwin, thủ phủ vùng lãnh thổ phía bắc Úc, đến Singapore, trung tâm tài chính – giao thông lớn nhất Đông Nam Á, chỉ mất 
4 giờ 30 phút.

Ngày 13-10-2015, không lâu sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được đại diện 12 nước bàn thảo thống nhất tại thành phố Atlanta (Mỹ), chính quyền vùng lãnh thổ phía bắc Úc cũng đặt bút ký bản hợp đồng giao cảng Darwin vào tay Landbridge Group, một doanh nghiệp xây dựng lớn của Trung Quốc.

Theo thỏa thuận, công ty Trung Quốc có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông sẽ quản lý khu cảng chiến lược này 
trong… 99 năm.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Darwin đang trên đà thắt chặt hơn nữa. Ít nhất một hãng hàng không Trung Quốc đang cân nhắc mở đường bay thẳng từ Đại Lục đến thành phố của Úc.

Đây là một diễn biến gây lo ngại cho Mỹ và Nhật Bản vì nó có thể cản trở tầm nhìn hình thành một trật tự kinh tế mới tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua TPP. Đối với Mỹ, Darwin còn là một tiền đồn quân sự quan trọng vì vị trí nằm gần Biển Đông.

Tổng thống Mỹ Barack Obama từng yêu cầu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull giải thích về chuyện cho thuê cảng Darwin trong cuộc gặp tại Diễn đàn APEC ở Manila tháng 11-2015. Đáp lại, ông Turnbull cho rằng đó chỉ là “một thỏa thuận thương mại theo đúng các trình tự pháp lý”.

Cây bút Yasu Ota của tờ Nikkei nhận định đột phá trong đàm phán TPP dường như càng thôi thúc Bắc Kinh đẩy nhanh việc hình thành một khu vực kinh tế châu Á cho riêng mình.

Trung Quốc rõ ràng đã vội vã “chốt” thương vụ cảng Darwin và thiết lập thế đứng tại khu vực miền bắc Úc trước khi TPP có hiệu lực. Có thể sẽ cần đến hai năm để tất cả 12 nước phê chuẩn TPP, Trung Quốc đang có đủ thời gian họ cần trong tay.

Những điều cần lưu ý khi cho nước ngoài thuê đất

Theo chuyên gia Stuart McMillan, các quốc gia cho nước ngoài thuê/mua đất cần phải áp dụng những điều kiện nhất định để kiểm soát:

– Bảo đảm nông dân nước ngoài tuân thủ quy trình nông nghiệp và luật của nước chủ nhà. Nếu phía nước ngoài có hoạt động xâm phạm môi trường, sức khỏe động vật, quy định kiểm dịch, luật pháp… điều này sẽ đe dọa cả nền kinh tế.

– Cần tính kỹ bài toán kinh tế, không chỉ thấy lợi ích trực tiếp mà bỏ qua các yếu tố lũng đoạn, độc quyền (ngành nghề, nhà máy, đường giao thông…) của phía nước ngoài. Suy cho cùng, lý do một số nước đi mua hoặc thuê đất của nước ngoài để sản xuất là vì họ không muốn bỏ tiền nhập hàng hóa.

– Nước chủ nhà phải có quyền bảo đảm an ninh lương thực cho người dân.

– Cẩn thận với bảo hộ bản quyền trí tuệ. Nếu nhà đầu tư nước ngoài mua một nhà máy, thông thường họ sẽ sở hữu công nghệ của nhà máy đó.

MINH TRUNG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP