Pháp luật

Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao qua mạng xã hội

Giả danh công an để chiếm đoạt tiền; chiếm tài khoản Facebook rồi lừa nạp thẻ cào; làm quen qua facebook để lừa tình, chiếm tài sản; lập chương trình khuyến mại ảo mạo danh nhà mạng, xây dựng website trúng thưởng giả; lập tài khoản để tổ chức cá độ bóng đá qua mạng xã hội... là những thủ đoạn mà tội phạm mạng sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ cả tin trong thời gian qua.

Hiện nay, mạng xã hội đang phát triển nhiều tiện ích hướng tới sự thuận tiện cho người dùng trong việc giao lưu, kết nối với cộng đồng. Song song với đó, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng chính công nghệ cao này để thực hiện hành vi phạm tội.

Thời gian gần đây, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, khiến cho nhiều nạn nhân bị lừa với khoản tiền lớn, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.

Dưới đây là một số thủ đoạn các đối tượng dùng để giăng bẫy những người nhẹ dạ cả tin.

Bọn lừa đảo tạo tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...) rồi rao bán quần áo may sẵn, đồ điện tử hoặc tài sản có giá trị khác với giá thấp nhiều hơn so với thị trường để kích thích tâm lý ham rẻ của người dân. Khi có người liên hệ mua hàng thì yêu cầu chuyển tiền trước mới giao hàng. Sau khi đã nhận được tiền thì không chuyển hàng hóa, cắt liên lạc để chiếm đoạt tài sản.

Đơn cử, đầu tháng 6 vừa qua, Công an huyện Nghi Xuân phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thuộc Bộ Công an tiến hành bắt giữ đối tượng Chu Văn Thế (SN 1998, trú tại xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua Facebook. Theo đó, trong thời gian vừa qua Thế đã lập nhiều tài khoản Facebook giả mạo để đăng các bài viết giới thiệu dịch vụ có thể cung cấp như: chạy quảng cáo trên Facebook, nhận tăng lượt like, share, follow cho các bài viết, tài khoản cá nhân…

Khi khách hàng liên hệ để sử dụng dịch vụ, Thế gửi chứng minh nhân dân giả, đồng thời yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản có tên Chu Vấn Thể tại Vietcombank ở TP.HCM để che giấu thông tin. Khi khách hàng “sập bẫy” Thế lấy lý do tài khoản quảng cáo bị khóa và yêu cầu khách hàng nộp thêm tiền mới chạy quảng cáo được. Khi đạt được ý đồ, Thế chặn liên lạc Facebook và cũng như điện thoại.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 8/2016 đến nay, Chu Văn Thế đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng của khách hàng.

Đối tượng Thế tại CQĐT.

Thủ đoạn thứ hai, bọn chúng dùng biện pháp kỹ thuật chiếm quyền kiểm soát tài khoản trên mạng xã hội của người sử dụng, sau đó nhắn tin liên hệ với những người trong danh sách bạn bè nêu lý do khó khăn, đề nghị cho mượn tiền, nạp card điện thoại với giá trị lớn để chiếm đoạt.

Thủ đoạn thứ ba, bọn tội phạm cũng thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter... để làm quen kết bạn, sau một thời gian làm quen trên mạng xã hội, các đối tượng này đề nghị được gửi một số quà tặng có giá trị nhưng yêu cầu phải nộp thuế, phí... Vì mong muốn nhận được quà tặng có giá trị nên không ít người đã sa bẫy nộp tiền theo sự hướng dẫn của các đối tượng.

Thủ đoạn thứ tư, các đối tượng sử dụng số điện thoại lạ gọi vào số điện thoại của người dân, xưng danh là cán bộ thuộc lực lượng Công an thông báo đang thụ lý vụ việc có liên quan đến họ và buộc họ phải chuyển tiền trong tài khoản của mình vào tài khoản ngân hàng của cơ quan điều tra (do các đối tượng cung cấp số tài khoản). Các đối tượng này đe dọa nếu không chuyển tiền sẽ bị bắt giữ ngay để xử lý. Những người dân lo lắng, hoảng sợ nên đã chuyển tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp, sau đó thì phát hiện bị lừa đảo.

Một trong những thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao của bọn tội phạm đó chính là lập đường dây cá độ bóng đá qua mạng xã hội. Gần đây nhất, ngày 29/3, phòng PC46 Công an Nghệ An đã phối hợp với phòng 4, cục Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an và các đơn vị chức năng đã bắt giữ: Trần Thế Hùng (SN 1979), trú phường Quang Trung, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An; Lê Hồng Trung (SN 1987), trú tại phường Bến Thủy, TP.Vinh và Ngô Minh An (SN 1970), trú tại phường Trung Đô, TP.Vinh. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Trần Thế Hùng là đối tượng cầm đầu trong đường dây cá độ qua mạng internet này.

Thông qua tài khoản tổng đại lý (KX573) – là một tài khoản tổng đại lý (Manster Agent) chuyên tổ chức cá độ bóng đá trên trang http://www.bong88.com, Trần Thế Hùng đã tổ chức cho các đối tượng khác đánh bạc bằng hình thức cá cược. Có tất cả 6 đại lý nhỏ và 45 con bạc lớn ở TP.Vinh thường xuyên tham gia đánh bạc trên hệ thống do Hùng quản lý. Theo đó, từ năm 2014 tới nay, cơ quan chức năng thống kê có 38.449 lượt đánh bạc qua hệ thống này với tổng số tiền tham gia cá độ bóng đá là 22.894.360 điểm (trung bình mỗi điểm quy ra tiền là 40.000 đồng), tương đương khoảng 900 tỷ đồng.

Đối tượng Trần Thế Hùng (áo đen) đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình tại CQĐT.

Theo kết quả điều tra, tất cả các trận đấu bóng đá thuộc giải lớn trên thế giới đều được các đối tượng đưa ra đặt cược bằng điểm số rồi quy ra tiền. Con bạc có số tiền đánh lớn nhất khoảng 250 tỷ đồng, con bạc thua nhiều nhất 7 tỷ đồng. Hầu hết các con bạc tham gia đánh bạc trong hệ thống này đều bị thua lỗ. Mặc dù vậy, nhưng các đối tượng “khát bạc” vẫn lao vào với hy vọng “gỡ” lại được tiền đã mất.

Theo CQĐT, Trần Thế Hùng quản lý tổng tài khoản và hắn sẽ cung cấp các tài khoản cho các đại lý. Các đại lý này sẽ cung cấp mã tài khoản riêng để các con bạc truy cập vào và xem bóng đá trực tiếp các trận bóng đá quốc tế, cũng như trong nước để cá cược.

Các con bạc vào chơi sẽ phải tuân thủ quy định mỗi ngày được đánh bao nhiêu, tỷ lệ thắng thua từng trận, người chơi sẽ lựa chọn cá cược từng trận một như cửa trên, cửa dưới…Một đêm sẽ có hàng chục trận bóng đá truyền hình trực tiếp và trong mỗi trận như vậy con bạc có thể chơi hàng chục lần.

Trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi của bọn tội phạm, cơ quan công an khuyến cáo, hạn chế việc đăng tải quá nhiều thông tin cá nhân như: Ngày sinh số CMND, bằng lái xe, tài khoản ngân hàng, gia đình, cơ quan… lên mạng xã hội tranh việc bị các đối tượng lợi dụng.

Khi nhận được các thông tin thông báo của những cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc nợ cước, trúng thưởng, khuyến mãi… cần tiến hành kiểm tra lại thật kỹ thông tin tại website chính thức của đơn vị thông báo.

Không vội vàng thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng. Nếu người thân nhắn tin qua các ứng dụng Facebook, Zalo, Viber… nhờ giúp đỡ thì cần trực tiếp gọi điện thoại lại để nói chuyện, xác nhận việc khó khăn tránh bị các đối tượng lừa đảo.

Đối với hành vi giả danh cơ quan tư pháp không chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của đối tượng. Các cơ quan Nhà nước không tiến hành làm việc, thu giữ qua điện thoại, việc tạm giữ tài sản, đồ vật luôn được lập biên bản theo quy định.

Tác giả: H.N

Nguồn tin: antt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP