Được đầu tư hàng chục tỷ đồng từ nguồn vốn WB nhưng một số hạng mục tại cảng cá Thạch Kim không thể thi công được phải thay đổi lại thiết kế…
Nhà thầu “bỏ” công trường
Ông Hà Văn Trà – Phó giám đốc BQLDA (thuộc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh – chủ đầu tư) cho biết, công trình nâng cấp sửa chữa cảng cá Thạch Kim thuộc một hợp phần trong dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững do WB tài trợ. Công trình gồm các hạng mục: nhà phân loại hải sản, trụ sở làm việc, đường nội bộ, nhà vệ sinh, nhà rửa dụng cụ và đài nước, tổng mức đầu tư trên 28 tỷ đồng, được triển khai từ tháng 6/2014 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/.2015.
Tuy nhiên sau một thời gian triển khai rầm rộ thì dự án này hiện đang “giẫm chân tại chỗ” gây khó khăn cho người dân trong việc kinh doanh, buôn bán tại khu vực cảng cá. Tại hiện trường, tất cả các nhà thầu đều rút khỏi hiện trường, không máy móc, không công nhân; đất đá, sắt thép, vôi vữa ngổn ngang… mặc dù khối lượng công việc công trình đang còn quá nhiều.
Chờ thay đổi thiết kế do gặp sự cố địa chất?
Theo tìm hiểu của phóng viên thì được, biết nguyên nhân nhà thầu ngừng thi công và rút khỏi công trường là do chủ đầu tư cũng như nhà thầu chưa thống nhất được phương án thi công khi gặp sự cố, mà đang phải chờ nhà tài trợ (WB) phê duyệt phương án cho phép thay đổi thiết kế hay không, bởi thiết kế trước đây không phù hợp với thực tế địa chất.
Ông Hà Văn Trà cho biết, trong quá trình triển khai thi công tại gói thầu đường nội khuôn viên cảng (kinh phí gần 15 tỷ đồng) thì phần phía cầu cảng phải dừng lại do cát từ trong cảng chảy ra với tần suất lớn làm đỗ gãy hệ thống cừ chống bảo vệ ngoài mái thượng lưu cảng. Thiết kế ban đầu thì phần ngoài mái thượng lưu được đóng một hệ thống cọc cừ sâu xuống đất để bảo vệ hiện tượng cát chảy nhưng khi thi công không thể đóng được hệ thống cọc cừ nay do gặp phải nhiều tầng đá rắn chắc nên không thể thực hiện. Hạng mục này phải dừng lại nhiều tháng nay để lập hồ sơ trình đơn vị tài trợ cho phép thay đổi thiết kế mới.
Tượng tự, tại gói thầu xây dựng đài chứa nước phục vụ nước sạch sinh hoạt cho toàn bộ hệ thống trong cảng cũng phải dừng lại để chờ nhà tài trợ duyệt phương án thay đổi thiết kế, bởi hệ thống cọc trụ bồn chứa nước không thể cắm sâu được xuống lòng đất như thiết kế ban đầu. Theo ông Hà Văn Trà giải thích thì hệ thống bệ chứa nước này sẽ được đóng bằng cọc bê tông sâu 14m nhưng khi đóng cọc thì gặp phải cát nín phía dưới nên chỉ đóng sâu được 4 – 5m thì không thể tiếp tục được và phải thay đổi lại phương án thi công khác. Phương án thiết kế mới này chắc chắn là sẽ làm tăng chi phí đầu tư, và với những khắt khe của nhà tài trợ thì phương án thiết kế mới chưa biết bao giờ mới được thông qua.
Nhiều tháng nay công trường ngừng hoạt động, nhà thầu rút hết máy móc công nhân để chờ phương án thi công mới. Điều này không chỉ làm chậm tiến độ thi công, tăng chi phí đầu tư, gây tổn hại cho nhà thầu mà còn làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh buôn bán của người dân ở khu vực cảng cá.
Để xảy ra “sự cố” trên, nhiều người đặt ra câu hỏi: Vậy khi lập dự án, trong quá trình khảo sát, đơn vị thiết kế (Cty CP Tư vấn và xây dựng Thành Sen Hà Tĩnh) có thăm dò, khảo sát địa chất kỹ hay không hay ngồi ở nhà rồi “vẽ” trên giấy? Chủ đầu tư lẫn các đơn khác có lơ là hay không trong quá trình thẩm định hồ sơ dự án? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về “sự cố” này?