Can Lộc

Can Lộc: Nhiều điểm bất thường trong công tác giải phóng mặt bằng

Ông Nguyễn Thứ, 70 tuổi (trú tại xóm Nhật Tân, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) bức xúc phản ánh việc chính quyền thu hồi đất lâm nghiệp của gia đình phục vụ dự án đường vào khu du lịch Cửa Thờ – Trại Tiểu nhưng chưa được đền bù, hỗ trợ thỏa đáng. Trong quá giải phóng mặt bằng chính quyền làm nhiều việc có dấu hiệu “lạ” như: không có quyết định thu hồi đất, vội vã bảo vệ thi công, chưa giải phóng mặt bằng xong đã cho đơn vị thi công thực hiện…

Chính sách đền bù “lạ”
Trong đơn thư gửi BVPL, ông Nguyễn Thứ trình bày: năm 1994 thực hiện chủ trương “trồng cây gây rừng, phủ kính đất trống đồi trọc” của nhà nước, gia đình ông được cấp 1 ha trồng rừng, sau 2 năm thấy hiệu quả từ việc trồng rừng ông được cấp tiếp 2 lô đất. Tiếp đó, được UBND huyện Can Lộc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng rừng 63.000m2 tại khu vực Động Trăn, xóm Nhật Tân, xã Mỹ Lộc, tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số I 343821, 12/1996. Kể từ khi được giao đất lâm nghiệp theo quyết định giao đất, gia đình ông Thứ đã bỏ công lao cải tạo đất trồng cây lâm nghiệp và chấp hành nghiêm túc chính sách thuế đối với nhà nước.

Năm 2010, UBND huyện Can Lộc quy hoạch dự án mở đường vào khu du lịch Cửa Thờ – Trại Tiểu (có tổng mức đầu tư là hơn 90 tỷ đồng), đi qua đất lâm nghiệp của gia đình ông Thứ, diện tích mà dự án “ăn” vào phần đất của ông là gần 9.000 m2 (hồ sơ đền bù, hỗ trợ chỉ được 1.259 m2), trong đó khoảng 1.300 cây bạch đàn và keo do ông trồng, có tuổi từ 10-14 năm.
“Ban đầu, ban quản lý dự án về họp dân và thông báo cho các hộ gia đình biết, không có chuyện đền bù đất mà chỉ có hỗ trợ tài sản trên đất (cây cối). Năm 2011, Hội đồng đền bù giải phóng về đo đất và kiểm đếm cây cối, ngày đầu tiên thì có mặt tôi, thế nhưng những ngày sau thì họ tự đi kiểm đếm và đo đạc mà không có sự chứng kiến của tôi. Sau khi đo đạc, kiểm đếm xong yêu cầu tôi kí xác nhận khi thấy vào số lượng cây và diện tích không đúng nên tôi không kí. Tôi yêu cầu đo, kiểm đếm lại nhưng họ không làm. Thấy số tiền hỗ trợ, đền bù không đúng với thực tế nên tôi không nhận hay kí giấy tờ gì, dù nhiều cán bộ đến tận nhà ”vận động”, “nhờ kí”…”.
Cũng theo ông Thứ, ban đầu gia đình được xã Mỹ Lộc mời ra nhận tiền với số tiền 3,5 triệu đồng (năm 2011); đến năm 2013 tăng lên thành 4,3 triệu. Sau nhiều lần “thuyết phục” ông Thứ nhận tiền không thành, đến ngày 27/6/2014 xã gọi ra lấy tiền thì số tiền trên lại tăng lên hơn 21 triệu. Khi ông Thứ xin đơn giá bồi thường đất, cây cối của nhà nước thì không được cung cấp. Phương án bồi thường, đơn giá cũng không được thông báo rộng rãi cho người dân biết như quy định. Trước cách kiểm đếm đền bù “lạ” có dấu hiệu không minh bạch trên gia đình ông Thứ không nhận tiền, yêu cầu đo đạc lại diện tích thiệt hại thế nhưng chưa được thực hiện dù gia đình nhiều lần làm đơn kiến nghị.
Không có quyết định thu hồi đất, vội vã “bảo vệ thi công”!?
Tại quyết định số 2559/QĐ – UBND của UBND tỉnh phê duyệt dự án trên, có nêu rõ: mục đích của dự án là xây dựng cơ sỡ hạ tầng, giao thông đường vào khu du lịch Cửa Thờ – Trại Tiểu, nhằm tạo cảnh quan môi trường để thu hút khách tham quan…Về phương án, “Chủ đầu tư tổ chức giải phóng mặt bằng trước khi triển khai lập kế hoạch đấu thầu công trình”.  Thế nhưng điều “lạ” là khi chưa giải phóng mặt bằng xong thì chủ đầu tư (huyện Can Lộc) đã  vội vã cho nhà thầu thi công (có dấu hiệu trái với quyết định của tỉnh). Đối với gia đình ông Thứ, phía chủ đầu tư chưa hề có “quyết định thu hồi đất”, tuy nhiên vẫn cho nhà thầu đưa máy móc vào “làm ngang”.

Ngày 30/6/2014, sau nhiều lần bị huyện “thúc” bằng văn bản, ông Trần Trí Quang – Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc ban hành thông báo TT – UBND “về việc tiếp tục thực hiện dự án đầu tư đường vào khu di tích Cửa Thờ – Trại Tiểu (theo giải trình của xã thì gọi là “bảo vệ thi công” nhưng theo quan sát của phóng viên văn bản này không hề có từ ngữ nào đề cập đến cụm từ “bảo vệ thi công”).
Ông Thứ cho biết: ”Vào lúc 6h 30 phút ngày 30/6/ 2014 ông Trần Đình Tiếp bưu điện xã, đưa thông báo này đến cho gia đình. Khi nhận được thông báo, các thành viên trong gia đình rất bất ngờ vì, chính quyền xã chưa hề đền bù đối với gia đình, chưa có “quyết định thu hồi đất” nào ban ra nhưng lại tiến hành cho thi công theo kiểu “cưỡng chế”. Điều “lạ” nữa là 6 giờ 30 nhận được thông báo thì hơn 1 tiếng đồng hồ sau lực lượng cưỡng chế đã vào và đơn vị thi công đã chặt phá cây. Tại sao có kiểu “thông báo bảo vệ” từ khi biết đến khi thực hiện chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ…”
“Tại hiện trường Đảng ủy, UBND đã huy động hàng chục người gồm: công an xã, quân sự xã, các cơ quan đoàn thể và có cả lực lượng công an huyện, dưới sự chỉ đạo của ông Mai Khắc Trung, Bí thư Đảng ủy; ông Trần Trí Quang, Chủ tịch UBND xã. Họ nói là “bảo vệ thi công”, còn đơn vị thi công thì dùng máy móc thiết bị hạ đổ cây cối, thi công trên đất của gia đình. Khi chúng tôi vào can ngăn thì hai cha con tôi bị lực lượng công an, quân sự xã cưỡng chế về trụ sở xã. Gia đình chúng tôi không hề chống đối chỉ yêu cầu chính quyền ra quyết định thu hồi đất thế nhưng không hề có…”– anh Nguyễn Thế Chất, con trai ông Thứ nói.
Trò chuyện ngoài lề với phóng viên, một số cán bộ xã Mỹ Lộc nói rằng: ”Xã tôi làm phải làm như thế, nếu không thì trên sẽ rút mất dự án ảnh hưởng đến địa phương. Làm cũng đúng rồi, có chăng thì còn thiếu sót ở chổ chưa có quyết định thu hồi đất, có sai thì sai chỗ đó thôi…”

Cần xác minh lại chữ ký của ông Thứ
Theo biên bản áp giá bồi thường hỗ trợ ngày 18/6/2014 đối với hộ ông Thứ thì chỉ được đền bù, hỗ trợ  1.259,3 m2 đất và 325 cây. (Ông Thứ cho rằng diện tích tích thiệt hại hại là gần 9.000m2 số lượng cây là 1.300 cây nên không kí nhận). Mâu thuẫn ở chổ biên bản kiểm đếm đo đạc khối lượng trên lại có chữ kí mang tên “Nguyễn Thứ” được cho là do ông Thứ kí. Đồng thời, trong hồ sơ của ông Thứ xuất hiện “Biên bản hiến đất” từ năm 2011 với nội dung: ”Ông thứ hiến 1.949 m2 tại vị tri lô đất Động Trăn. Sau khi “hiến” sẽ không gây cản trở, khiếu kiến, khiếu nại…Biên bản có dấu và chữ chữ kí đại diện của UBND xã Mỹ Lộc.

“Từ trước đến nay tôi chưa hề kí biên bản kiểm đếm vì khi họ kiểm đếm xong tôi thấy không đúng với diện tích tài sản thực tế bị thiệt hại. Vì thế tôi cho rằng biên bản kiểm đếm và biên bản hiến đất đều là “chữ kí giả”. Nếu gia đình đã kí hiến đất thì gia đình tôi đã không còn thắc mắc về việc bồi thường nữa. Điều “lạ” nữa là nếu tôi “hiến đất” thì sao họ lại bồi thường, hỗ trợ 1.259m2 làm chi. Khi xã gọi ra tôi cũng viết rõ ràng dưới những  “những chữ ký giả” là “Đây không phải là chữ ký của tôi”, cơ quan chức năng cần giám định làm rõ… ” – Ông Thứ phân trần.
Trao đổi với BVPL, ông Trần Trí Quang, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho biết: ”Xã có 19 hộ bị ảnh hưởng, có 16 hộ hiến đất (các hộ này đa số đất không có “bìa”). Ông Thứ đã kí vào biên bản kiểm kê diện tích và biên bản hiến đất rồi. Về việc chữ kí thì tôi không rõ vì hồi đó tôi chưa làm chủ tịch nếu muốn biết đúng không thì cần phải giám định. Còn chuyện quyết định thu hồi đất thì ở đây các hộ dân có ai quyết định thu hồi đất đâu mà ông Thứ đòi có!?. Xã nhiều lần mời ông ra nhận tiền nhưng ông không nhận. Huyện giao cho xã bảo vệ thi công, xã tổ chức bảo vệ, gia đình chống quyết liệt nên xã phải giữ lại. Tất nhiên trong quá trình làm thì không thể tránh khỏi sai sót được…”
Sau khi liên hệ với ông Võ Hữu Hào, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, ông Hào giới thiệu làm việc với ông Đặng Trần Phong, Phó chủ tịch. Ông Phong cho BVPL biết: “Sau khi nhận được đơn thư của ông Thứ hiện chúng tôi đã thành lập đoàn xác minh. Hiện để đoàn làm việc đã, khi nào có kết quả sẽ thông báo sau…”

Theo Báo Bảo Vệ Pháp Luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP