“Không chỉ đạo cưỡng chế, phá hoại”
Chiều ngày 28/11, làm việc với PV, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, ông Đặng Tuấn Phong tỏ ra bất ngờ về sự việc.
Tuy nhiên, trước đó, vào chiều ngày 27/11, Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc, ông Đặng Thọ Liễu cho rằng sự việc cán bộ xã đi phá mạ của dân, bị dân chống trả, ông đã báo cáo lên cho huyện luôn.
Người dân xã Tùng Lộc tập trung bày tỏ bức xúc trước việc cán bộ xã đi phá mạ của một hộ dân vào sáng 27/11. |
“Những chuyện đó (phá ruộng dân- PV) không đáng xảy ra. Nhưng cũng chẳng qua do chính quyền cấp xã nóng ruột lo cho dân thôi” – ông Phong nói.
Ông Phong cũng cho biết, huyện đã có chủ trương không cơ cấu sản xuất giống lúa IR 1820 từ 3 năm nay, mùa vụ này kiên quyết không sản xuất.
Bởi, giống lúa IR 1820 phát triển dài ngày, trong khi bây giờ có nhiều giống lúa lai tốt thay thế rút ngắn thời vụ, cho năng suất cao.
Trước đó, Ban thường vụ Huyện ủy huyện Can Lộc đã ra nghị quyết 07/2011 về việc chuyển đổi sản xuất trên địa bàn, dần cơ cấu giống mới và xóa bỏ giống dài ngày IR 1820.
“Nghị quyết này cũng như việc chỉ đạo của chính quyền huyện xuyên suốt là tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ sản xuất giống lúa IR 1820, không có chuyện chỉ đạo cưỡng chế, phá hoại”, ông Phong nhấn mạnh.
Sự việc lãnh đạo xã Tùng Lộc tập trung triển khai lực lượng xuống đồng để phá mạ của dân vào sáng ngày 27/11, ông Phong cho biết sẽ cho kiểm tra và xem xét trách nhiệm của chính quyền xã trước đó đã tuyên truyền sâu rộng đến người dân hay chưa mà vẫn còn hộ dân làm giống IR 1820.
Cùng với đó là chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không sản xuất giống lúa IR 1820, tuyệt đối tránh xảy ra sự việc đáng tiếc như trên.
Sẽ kiểm tra việc phá mạ của dân
Liên quan đến sự việc, PGĐ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, ông Lê Đức Nhân cho biết, trước hết phải khẳng định việc người dân tiếp tục sản xuất gieo cấy giống lúa IR 1820 là không đúng với chủ trương của tỉnh.
Cán bộ xã Tùng Lộc ra đồng để phá mạ của dân sáng ngày 27/11. |
Tuy nhiên, nếu như có sự việc cán bộ xã Tùng Lộc triển khai lực lượng đi phá mạ của dân thì với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho tỉnh, Sở sẽ cho kiểm tra 2 vấn đề. Thứ nhất là việc người dân sản xuất giống IR 1820, thứ hai là việc xử lý sự việc của cán bộ xã Tùng Lộc.
“Xã dùng các biện pháp xử lý không theo quy định là sai. Tôi khẳng định như thế. Việc đó phải cho kiểm tra lại”, ông Nhân nói.
Còn việc xử lý vấn đề thì thuộc trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, tỉnh.
Trước thông tin rất nhiều nông dân cho rằng, giống lúa IR 1820 có nhiều ưu điểm như năng suất cao, dễ làm, bán được giá, gạo ngon… nên họ vẫn triển khai sản xuất, chứ chẳng dại gì mà cố tình đi ngược với chủ trương của tỉnh.
Ông Nhân cho rằng cần phải có một cuộc khảo sát, đánh giá của ngành chuyên môn để có kết luận khoa học về giống lúa này.
Trong khi đó, theo thông tin từ người dân xã Tùng Lộc, mặc dù trong sáng ngày 27/11, đoàn cán bộ xã đi phá mạ của dân bị chống trả, ném bùn, hắt nước vào người nhưng trong buổi chiều cùng ngày, đoàn cán bộ xã vẫn tiếp tục đi phá mạ của 2 hộ dân ở cánh đồng thuộc xóm Đông Vinh.
Trong sáng ngày 28/11, xã tiếp tục triển khai lực lượng đi phá mạ của dân nhưng người dân tập trung quá đông để phản ứng nên họ đã bỏ về.
Trần Văn (Theo VNN)