Danh Nhân

Can Lộc: Danh nhân văn hóa Dương Trí Trạch

Nhà thờ và mộ Dương Trí Trạch được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2004 tại quyết định số 2176/QĐ-UBND tỉnh của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Nhà thờ Dương chí trạch nay
Nhà thờ Dương Chí Trạch nay

Tiến sĩ Bạt Quận công Dương Trí Trạch sinh năm Bính Tuất (1586) tại làng Yên Huy xã Bạt Trạc, huyện Thiên Lộc, nay là xã Yên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con trai của Tả Thị lang Bộ Công, Thái bảo Nam Thạch hầu Dương Trí Thân, là cháu nội của Nhị giáp Tiến sĩ Thượng thư Bộ Công – làm Quận công Dương Trí Dụng. Thủa nhỏ ông là người học giỏi thông minh, nhưng đi thi chỉ đỗ tú tài rồi không đi học nữa. Khi có việc làng, nhiều người hạch sách không cho ngồi chung chiếu, tức chí ông lại tiếp tục học hành và đi thi. Khoa thi năm Kỷ Mùi (1619) ông đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, lúc này ông 34 tuổi.

Sau khi đỗ, ông bắt đầu làm quan với triều Lê. Mùa đông năm Canh Ngọ (1630) tiên sĩ Dương trí Trạch được vua Lê Trần Tông cử làm chánh sứ sang nhà Minh tuế cống. Sau 3 năm làm công tác đối ngoại thành công, năm Quý Dậu (1633) đoàn sứ Bộ do Chánh sứ Dương Trí Trạch về đến Thăng Long bái yết vua Lê được nhà vua khen ngợi, ghi nhận công lao và thăng chức bồi tụng. Năm 1644, Đốc thị Dương Trí Trạch cùng với Thái bảo Tây Quận công Trịnh Tạc đi đánh nhà Mạc ở Cao Bằng, có công truy bắt được nhiều đảng giặc. Sau đó ông được thăng chức Thượng thư Bộ Lễ, kiêm Thị độc Viện hàn lâm, tham dự công việc ở khu mật viện, rồi được phong Dực vận tán trị công thần, tước Bạt Quận công

Vào những năm giữa thế kỷ XVI và XVII là một thời kỳ đầy biến động và phức tạp của lịch sử Việt Nam, các thế lực phong kiến tranh giành nhau quyền lực, nhà Lê đã mất dần vai trò lịch sử, đẩy đất nước vào họa chia cắt, nội chiến tàn khốc giữa các thế lực Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn, làm cho đất nước điêu đứng, nhân dân lầm than đói khổ oán hận. Đứng trước tình hình đó, tiến sĩ Dương Trí Trạch đã dâng sớ nhiều lần và thực hiện nhiều chính sách về chính trị nhằm bình ổn đất nước, được vua Lê lúc bấy giờ thực thi có hiệu quả. Về đối nội ông dâng sớ chấn chỉnh việc cai trị, thu phục nhân tâm, trọng dụng nhân tài, đồng thời kiên quyết trừng trị những kẻ nhũng nhiễu hạch sách nhân dân. Về đối ngoại, ông chủ trương giữ mối hòa hiếu với nhà Minh (Trung Quốc), tránh họa ngoại xâm cho đất nước.

Năm Tân Sửu (1661), Dương Trí trạch được gia phong Thượng thư Bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện thị giảng chưởng Hàn lâm viện sự thiếu bảo. Năm 1653 chúa Trịnh đã cho truy dựng các bia tiến sĩ, Dương Trí Trạch là người có công trong việc sưu tầm, soạn và dựng bia được vua Lê Thần Tông ca ngợi.

Dương Trí Trạch là người đã hai lần dâng sớ cho vua Lê nói về họa phân tranh giữa đàng ngoài (chúa Trịnh ) và đàng trong ( chúa Nguyễn ) ngay từ buổi đầu những năm 1630, tạo mối hòa hiếu hai miền Nam – Bắc. Nguyễn Khoa Chiêm trong tác phẩm Việt Nam khai quốc đã ghi nhận công lao của tiến sĩ Dương Trí Trạch là: đã biết dùng ngòi bút để dẹp loạn, dân tình xứ Nghệ khỏi đỗ máu, yên ổn làm ăn.

Tháng bảy năm Nhâm Dần (1662) tiến sĩ Bạt Quận công Dương Trí Trạch mất, thọ 77 tuổi, được tặng Thái Tể. Do công lao của ông, vua Lê đã phong sắc “Hồng Nho Thạc Đức, Nguyên Lão Đại Thần” ( nghĩa là: Núi Hồng sinh ra người có công lớn đức cao, vị Đại thần cao tuổi đứng đầu quan triều đình).

 

Ngọc Bé

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP