Tin Hà Tĩnh

Cận cảnh vườn lan hồ điệp được đầu tư hơn chục tỷ đồng ở Hà Tĩnh

Nhờ sự táo bạo đầu tư và ứng dụng công nghệ hiện đại, anh Phạm Văn Huy (trú tại thôn Thanh Lan, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã thành công khi bỏ ra hơn chục tỷ đồng để trồng lan hồ điệp trên vùng đất cát có khí hậu khắc nghiệt ven biển Hà Tĩnh.

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hoa lan hồ điệp lớn có thể mang lại lợi ích kinh tế nên anh Phạm Văn Huy đã mạnh dạn đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng mô hình trồng lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Tĩnh. Ảnh: Cẩm Kỳ

Mô hình có diện tích hơn 2.500 m2 với hệ thống lắp đặt nhà kính cùng những ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Ảnh: Cẩm Kỳ

Với kiến thức chuyên ngành nông nghiệp sẵn có, cộng thêm thời gian nghiên cứu, tham khảo từ các mô hình trồng lan hồ điệp đã thành công ở một số địa phương khác, anh Phạm Văn Huy đã quyết định đầu tư để trồng loài hoa này với mục đích thương mại. Ảnh: Cẩm Kỳ

Hiện tại, khu vườn của anh Huy đang có hơn 6 vạn cây lan hồ điệp với 24 màu hoa cùng nhiều tên gọi khác nhau. Ảnh: Cẩm Kỳ

Quy trình khép kín, từ nhiệt độ, ánh sáng đến việc chăm sóc, tưới nước cho lan… đều được anh đầu tư bài bản, khoa học, thực hiện tỉ mỉ, chỉn chu và đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Ảnh: Cẩm Kỳ

Ngoài ra, hệ thống cũng được cài đặt chương trình tự động vận hành quạt thông gió, điều hòa nhiệt độ, mái che khi nhiệt độ và ánh sáng trong nhà lưới thay đổi so với chỉ số cho phép. Nhờ đó mà cây lan hồ điệp sinh trưởng rất tốt trong nhà lưới. Ảnh: Cẩm Kỳ

Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, anh Phạm Văn Huy cho biết, hoa lan hồ điệp bật ngồng khi thời tiết lạnh và chênh lệch nhiệt độ ngày/đêm cao chứ không phải do chất kích thích. Do đó, với hệ thống nhà màng công nghệ cao, người sản xuất có thể thực hiện kích hoa tương đối đơn giản bằng việc điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm. Quan trọng nhất là xác định thời điểm kích ngồng để hoa nở vào dịp tết. Ảnh: Cẩm Kỳ

"Thời gian đầu, chúng tối cũng gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc cây giống. Tuy nhiên, sau khi mọi người nắm chắc quy trình kỹ thuật, đặc tính sinh học của cây lan hồ điệp và vận hành thuần thục hệ thống tự động cân bằng môi trường trong nhà lưới thì mọi việc đều trở nên dễ dàng hơn", anh Phạm Văn Huy chia sẻ.

Đến nay, vườn lan hồ điệp của anh Huy đã xuất bán được hơn 20.000 cây, ngoài thị trường Hà Tĩnh còn có các đại lý từ Nghệ An, Hà Nội, Thanh Hóa... đến tìm hiểu và đặt hàng. Ảnh: Cẩm Kỳ

Mô hình trồng lan hồ điệp của anh Huy cũng đã tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Ảnh: Cẩm Kỳ

Để cho một cây lan hồ điệp hoàn thiện và đẹp, đội ngũ công nhân thường xuyên theo dõi, uốn nắn, căn chỉnh từng bước tỉ mỉ. Ảnh: Cẩm Kỳ

Giá mỗi cây lan hồ điệp được thu mua tại vườn hiện dao động từ 180.000- 260.000 đồng, dự kiến năm nay anh Huy sẽ thu về khoảng 8 tỷ đồng. Ảnh: Cẩm Kỳ

Những ngày cuối năm, vườn lan hồ điệp của anh Huy luôn tấp nập người ra vào để tham quan, học hỏi kinh nghiệm và đặt hàng để mua lan về bán. Ảnh: Cẩm Kỳ

Đội ngũ công nhân đang gấp rút chuẩn bị đơn hàng để phục vụ thị trường tết Nguyên đán sắp tới. Anh Huy cũng dự tính sẽ mở rộng quy mô và mở rộng thêm mô hình sản xuất giống lan hồ điệp trong năm 2024. Ảnh: Cẩm Kỳ

Theo đánh giá của lãnh đạo UBND xã Thạch Khê, đây là mô hình được đầu tư lớn và bài bản, từ mô hình này sẽ mở ra triển vọng mới để xây dựng và nhân rộng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Cẩm Kỳ


Tác giả: Cẩm Kỳ

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP