Chúng tôi đến thăm gia đình anh Đặng Văn Minh (SN 1952) vào một ngày oi bức đầu tháng 7. Hỏi thăm, bà con lối xóm ở tổ dân phố số 6, thị trấn Cẩm Xuyên không ai không biết đến hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo của anh. Tài sản lớn nhất của gia đình anh hiện nay là căn nhà tình nghĩa được sinh viên của trường Đại học Hà Tĩnh xây dụng từ năm 2009, ngoài ra trong ngôi nhà không còn có gì gọi là tài sản đáng giá ngoài hai chiếc giường cũ kỹ đặt trên nền xi măng ẩm ướt, không khí ảm đạm và thiếu sức sống. Từ ngôi nhà, lâu lâu lại vọng ra những tiếng la hét và chửi bới của hai con người bị bệnh.
Anh Đặng Văn Minh và mẹ Trương Thị Vân trong căn nhà tình nghĩa được xây dựng năm 2009, ngoài căn nhà ra thì trong nhà không có một tài sản nào có giá trị. |
Cụ Trương Thị Vân (90 tuổi), mẹ anh Minh vốn có sáu người con, năm con trai và 1 con gái. Tuy nhiên, hiện có hai người con là anh Đặng Văn Minh và anh Đặng Văn Tuyến bệnh tật ở cùng ngôi nhà với cụ.
Chúng tôi đến lúc cụ đang chống gậy ngồi bên hàng xóm vì không thể chịu được những tiếng hú hét, chửi rủa của hai con. Chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống của gia đình mình, ánh mắt cụ xa xăm, khô khốc, ẩn chứa biết bao nỗi đau của một người mẹ già không còn nước mắt để khóc.
Anh Đặng Văn Minh ( SN 1952 – con trai cả) tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau năm 1975, anh phục viên trở về với mảnh đạn chiến tranh để lại sau gáy. Người lính đời thường ấy vốn hiền lành, chịu thương chịu khó làm ăn nên bà con hàng xóm rất quý mến. Thế rồi hạnh phúc cũng đến khi anh kết hôn với chị Phạm Thị Lới (quê Kỳ Phong, Kỳ Anh). Niềm vui càng nhân lên khi người vợ lần lượt sinh cho anh 4 người con.
Những tưởng cuộc sống của anh chị mãi hạnh phúc, bình yên như biết bao gia đình khác, nhưng thật không may sức khỏe của anh càng ngày càng yếu, tính tình thất thường lúc nắng lúc mưa do vết thương cũ tái phát. Gia đình chạy chữa nhiều nơi nhưng bác sỹ nói rằng, để giữ mạng sống cho anh thì không thể mổ để lấy mảnh đạn sau gáy của anh được. Vậy là anh phải sống chung với bệnh tật ngày càng giày vò và đau đớn hơn. Cũng kể từ đó anh đã sinh ra chứng bệnh thần kinh. Những lúc bình thường nhìn anh rất hiền lành, nhưng khi lên cơn, anh hú hét, chửi lẩm bẩm suốt ngày.
Anh Đặng Văn Tuyến cũng mắc chứng bênh tâm thần, hiện đang hưởng trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật nặng. |
Bên cạnh đó, anh Đặng Văn Tuyến (SN 1968) là người con trai thứ 5 của mẹ Vân cũng sống chung mái nhà này. Học xong cấp hai anh Tuyến cũng mắc chứng tâm thần, sống lang thang… Khi chúng tôi đến thăm, chỉ lát là không thấy anh đâu nữa. Cụ Vân tìm xung quanh không thấy đâu, đành than thở trong bất lực: “Đấy các cháu xem, lại thế nữa rồi, nó lại bắt đầu lang thang, không biết là bỏ đi đâu rồi đó…”.
Chồng thì bị thần kinh, em trai bị bệnh tâm thần, mẹ chồng gần 90 tuổi cùng với 4 đứa con trở thành gánh nặng đè lên đôi vai nhỏ bé của người vợ anh Minh. Cuối cùng, trước áp lực cuộc sống, chị Lới đã mang theo 3 đứa con vào nam làm ăn. Còn đứa con trai cả (SN 1980) ở lại với người cha, tuy nhiên trong một vụ tai nạn vào tháng 10/2014 đã cướp đi nguồn động viên tinh thần và chỗ dựa lớn của gia đình anh.
Chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn này, người phụ trách Chính sách xã hội UBND thị trấn chia sẻ: “Đây là một gia đình đặc biệt khó khăn, hoàn cảnh rất éo le, trong khi họ hàng anh em lại không có điều kiện giúp đỡ. Nhiều năm qua chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến gia đình, đã vận động các tổ chức đoàn thể song cũng chỉ ở mức độ có hạn”.
Được biết hiện nay, ba người sống dựa vào đồng lương thương binh hạng ¾ của anh Đặng Văn Minh, tiền hưởng trợ cấp xã hội dành cho người khuyết tật đặc biệt nặng của anh Đặng Văn Tuyến và số tiền trợ cấp ít ỏi cho người cao tuổi của cụ Vân.
Thân hình gầy gò xanh xao, hốc mắt sâu hoẳm của anh Đặng Văn Minh khiến chúng tôi không khỏi xót xa |
Cụ Vân mặc dù năm nay đã 90 tuổi, sức khỏe yếu, hễ trái gió trở trời là khắp người đau nhức, nhưng cũng phải nấu ăn, chăm sóc cho những người con bị tâm thần. Có những lúc các con lên cơn điên mẹ đành phải chống gậy sang nhà hàng xóm ngồi vì các anh thường hú hét, chửi mắng và la lối om sòm. Cuộc sống và sinh hoạt càng trở nên khó khăn khi Cụ đã già và hai anh đều mất khả năng lao động.
Mọi sự giúp đỡ xin chuyển theo địa chỉ: Anh Đặng Văn Mạnh, Tổ 6, thị trấn Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Điện thoại: 01665271724 |
Nhóm PV/ Tầm Nhìn