Cẩm Xuyên

Cẩm Xuyên: 'Yêu nữ' lừa bán 15 người đàn ông sang Trung Quốc

Thông tin Trần Thị Hạnh (44 tuổi, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) thuê Phạm Văn Long (41 tuổi), Lý Quang Sáng (24 tuổi) cùng ở Tiên Yên, Quảng Ninh đưa hai người đàn ông là C.V.P. (41 tuổi) và P.H.L. (42 tuổi, ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vượt biên trái phép sang Trung Quốc, mới đây bị bắt không làm tội phạm loại này ngạc nhiên.

Theo khai nhận của Hạnh tại cơ quan điều tra, thị đã thuê người đưa được 15 người đàn ông vượt biên sang Trung Quốc.

Hạnh bán những người đàn ông này vào các khu lao động sâu trong nội địa Trung Quốc. Họ có bị bóc lột sức lao động không? Bóc lột đến mức nào thì chưa có chứng cứ cụ thể nhưng việc thị Hạnh đưa họ vượt biên giới trái pháp luật, bán họ cho chủ sử dụng lao động Trung Quốc là hành vi vi phạm pháp luật đã hoàn thành.

Đàn bà “buôn bán” đàn ông


Thị Hạnh bị bắt, lộ ra rất nhiều vấn đề. Ở các tỉnh có đường biên giới chung với nước bạn và trên toàn quốc, có bao nhiêu đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép? Thị Hạnh khai, đã đưa trót lọt 15 người đàn ông ra nước ngoài để bán cho các chủ sử dụng lao động. Thật sự, thị đã bán bao nhiêu người đàn ông, chỉ có thị mới biết. Bởi, đã có gan làm chuyện phi pháp, chắc chắn, thị Hạnh có nhiều mánh khoé để đối phó với cơ quan điều tra trong chuyện khai báo khi bị bắt. Và, điều hiển nhiên xảy ra là thị chỉ khai nhận bán những người đàn ông mà cơ quan điều tra đã có đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của thị.


Đem vụ án buôn bán người mà nạn nhân là đàn ông, hỏi một cán bộ C45, bộ Công an, chúng tôi nhận được thông tin: Hiện nay, không thể trả lời chính xác có bao nhiêu đường dây mua bán đàn ông đang hoạt động. Bọn tội phạm này hoạt động rất tinh vi. Phần lớn đàn ông ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, ít hiểu biết mới bị trở thành món hàng cho tội phạm mua bán. Chúng đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền của người đàn ông để duy trì cái gọi là trụ cột gia đình. Chúng “đánh” vào sỹ diện của người đàn ông… Thế là chúng lừa được họ đi, bán họ cho những nơi cần lao động.



Khi được giải cứu khỏi âm mưu độc ác của người đàn bà “tốt bụng” là thị Hạnh, anh P. và L. mới ngớ người ra là bị lừa. Anh P. và anh L. có gia cảnh đáng thương. Vợ con nheo nhóc, kinh tế khó khăn, P. và L. muốn có việc làm thật tốt, kiếm được nhiều tiền để lo cho gia đình. Họ luôn nghĩ, thị Hạnh là người “tốt bụng” đã giúp họ ra tận nước ngoài tìm việc làm tốt, không phải nộp tiền cược mà vẫn kiếm được nhiều tiền gửi về cho vợ con. Khi thị Hạnh bị bắt, P. và L. được giải cứu, chính họ không hiểu vì sao lại thế? Khi được các chiến sỹ công an giải thích, liên lạc về gia đình, hỏi vợ những người đàn ông “đi làm ăn xa” trước đó, anh P. và L. mới biết mình bị lừa. Nhiều người được bọn tội phạm giới thiệu “đi làm ăn xa”, có thu nhập khá, sau đó đã biệt tăm, vài năm chưa thấy về. Họ chẳng tin tức cho gia đình chứ nói gì đến việc gửi tiền về giúp vợ con.


Nỗi đau không nói nên lời


Trong chuyến công tác ở Yên Bái, điều tra viên Nguyễn Thắng, công an tỉnh Yên Bái kể với chúng tôi: “Yên Bái không có đường biên với nước ngoài nhưng sát cạnh với Lào Cai, có chung đường biên giới với nước bạn. Vì thế, tình trạng buôn bán người là phụ nữ, trẻ em vẫn âm thầm xảy ra. Từ đầu năm 2012, công an tỉnh phát hiện trình trạng buôn bán đàn ông. Những người đàn ông thiếu hiểu biết ở vùng cao đã là nạn nhân của họ”.


Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đàn ông vùng cao, nhất là người dân tộc thiểu số, không việc làm, nhàn rỗi quanh năm, họ đã tin ai đó thì không đủ thông minh để phân biệt đâu là đúng, sai, mình bị lợi dụng như thế nào để phòng ngừa.


Hờ Thị D. (ở Mù Căng Chải, Yên Bái) tâm sự: “Gia đình mình kinh tế khó khăn, chồng mình thương vợ con, nghe người ta “đi làm ăn xa”. Chồng đã đi được mấy năm rồi, chẳng thấy về, cũng không gửi tiền về cho vợ, con. Cán bộ phụ nữ bảo rằng, có thể chồng mình bị bán ra nước ngoài, cố nhớ xem đi với ai, ai rủ đi… Mình không thể nhớ nổi.”


Không riêng gì chị D. mà nhiều phụ nữ khác ở các vùng sâu, vùng xa của Yên Bái, chồng “đi làm ăn xa” lâu không về, họ đành cam chịu, chẳng biết làm thế nào, không biết kêu ai. Họ chẳng nhớ gì về cái ngày chồng đi, đi với ai, đi đâu và sẽ làm gì. Thế nên, họ cũng chẳng thể đi trình báo chính quyền, công an được. Họ cứ “cắm” mặt vào nương rẫy, làm tối, ngày để cho con đủ ăn, không bị đói. Nhiều người phụ nữ còn cho rằng, chồng về hay không, họ vẫn phải làm như thế nên họ không quan tâm lắm.


Bà Thu Hà, phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái phân trần: “Dân trí thấp, cộng với tập tục của người dân tộc thiểu số, khiến một số người đàn ông, đàn bà dễ bị lừa bán ra nước ngoài. Họ bị bọn tội phạm lợi dụng lòng tin là đi tìm việc làm, lừa họ, bán ra nước ngoài. Ở nơi xa, không người thân thích, họ cam chịu. Thế là không có ngày về quê với vợ, chồng, con cái. Đây là thực trạng mà chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không thể khắc phục trong thời gian ngắn. Chính quyền tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật; vận động người dân định canh, định cư; cho vay vốn, hướng dẫn trồng cây, nuôi con vật nhằm cải thiện đời sống để thoát nghèo, đói, phát triển kinh tế gia đình. Thế nhưng, ma lực của đi làm xa, kiếm được nhiều tiền đã đưa họ trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người”.

Đến sỹ quan biên phòng cũng không thể tưởng tượng vì sự ma mãnh của nữ quái


Trung tá Trần Hoàng Ân, bộ đội Biên phòng Lạng Sơn thừa nhận: “Quan niệm của cha ông và thực tế cuộc sống bây giờ thật khác nhau. Ai cũng nghĩ, phụ nữ muôn đời là chân yếu tay mềm, sao dám bán đàn ông? Thế mà họ lừa được những người đàn ông “mình đồng, da sắt” đi bán, lấy tiền thì quả thật, tội phạm loại này không đơn giản chút nào. Điều đó chứng tỏ, những phụ nữ như Hạnh rất ma quái và luôn quan tâm tới vật chất bất chính. Thời gian qua, có nhiều tài liệu trinh sát thể hiện, các đối tượng buôn bán đàn ông qua biên giới đã và đang chuyển hướng hoạt động. Chúng chuyển đàn ông từ vùng này qua vùng khác để đưa ra nước ngoài, tránh sự phát hiện của cơ quan thực thi pháp luật”.


Hoàng Lệ

Người Đưa Tin

  Từ khóa: lừa bán , Đàn ông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP