Ảnh minh họa: Internet |
Tôi mất cả tuần háo hức vào ra chuẩn bị đồ đạc để cùng mấy chục thanh niên nam nữ rời làng vào tận một tỉnh phía Nam đầu quân cho nhà máy chuyên sản xuất thiết bị vệ sinh cao cấp khi doanh nghiệp về quê tôi tuyển người. Nghĩ tới lúc được trở thành công nhân, được cầm trên tay đồng tiền do chính mình làm ra tôi phấn khởi lắm. Nhưng khi bố mẹ lo lắng, 2 đứa em trai cứ quấn lấy chị không muốn rời tôi lại cố kìm nén cảm xúc, hiểu nỗi lòng của bố mẹ khi mà tôi mới tròn 19 tuổi lại chưa bao giờ rời bố mẹ đi xa, nên tôi hứa với bố mẹ sẽ sống tốt, ngoan ngoãn, cố gắng hoàn thành công việc của nhà máy giao để có được thu nhập nuôi bản thân mình khỏi phiền đến những đồng tiền một nắng, hai sương của bố mẹ. Tôi muốn nhường số tiền đó cho hai em tôi được học hành đến nơi đến chốn, chứ không như tôi học hết cấp II đã bỏ ngang về lao động ruộng vườn cùng bố mẹ vì kinh tế gia đình quá khó khăn.
Tôi như con chim chích lạc giữa rừng cây rậm rạm, tôi thực sự choáng ngợp bởi cảnh đông đúc, chen chúc của người, của các loại xe nơi phồn hoa đô thị. Nhìn những tòa nhà cao chọc trời san sát bên nhau, nhìn phố xá với trăm ngàn ánh đèn màu từ nhà hàng, khách sạn hai bên đường hắt ra lung linh huyền ảo như trong chuyện cổ tích, tôi lại thấy thương cho những người dân quê mình, cả đời lam lũ đến khi nằm xuống cũng chưa một lần bước chân ra khỏi lũy tre làng.
Biết đồng tiền mình có được không phải từ trên trời rơi xuống, mà đó là mồ hôi thấm đẫm lưng áo bảo hộ mỗi lần đứng bên những cỗ máy khổng lồ, là công sức, là sự cố gắng đến quên cả ngày nghỉ của mình nên tôi vô cùng trân trọng, tôi tiết kiệm đến mức tối đa cho nhu cầu chi dùng của bản thân để gửi một số tiền về quê phụ giúp bố mẹ nuôi hai em và để tích lũy cho cuộc sống của mình sau này.
Mải lo kiếm tiền tôi không để ý rằng khu trọ dành cho nữ công nhân độc thân ngày càng vắng lặng, bởi chỉ còn không nhiều chị em trong đó có tôi đã qua tuổi 25 mà vẫn chưa có đôi có cặp trụ lại ở đó, còn phần đông đã lên xe hoa theo chồng để an cư nơi khác. Không phải tôi kén cá chọn canh gì như lời mẹ trách mỗi khi vào dịp Tết lễ tôi về thăm nhà, mà chỉ vì tôi say mê làm lụng, tích cóp tiền nong nên quên bổn phận của mình là sớm có một gia đình yên ấm để bố mẹ an lòng.
Rồi cuối cùng tôi gặp được một nửa kia của mình, anh hơn tôi 6 tuổi, là lái xe chuyên lấy hàng của nhà máy phân phối cho các đại lí lớn, nhỏ trong thành phố. Không cùng làng, cùng huyện, nhưng nghe anh nói giọng Bắc một cách chuẩn xác tôi coi như đồng hương của mình. Anh khỏe mạnh, rắn rỏi, mỗi lần xe anh ghé nhà máy nếu đúng dịp tôi được nghỉ giữa ca thế nào anh cũng đợi bằng được để âu yếm trao cho tôi ánh mắt say đắm cùng giọng nói trầm như rót mật vào tai tôi… Nghe anh lên kế hoạch sẽ nhanh chóng thu xếp thời gian để đưa tôi về ra mắt bố mẹ anh, rồi mời bố mẹ tôi ra để chính thức bàn chuyện cưới hỏi mà tôi lâng lâng như người đi trên mây.
Tôi không về quê nhân dịp nghỉ lễ dài ngày, mà hạnh phúc bên anh trong một nhà nghỉ kín đáo cách khá xa thành phố. Nghĩ mình đã trao cho người yêu cái ngàn vàng của đời con gái thì tiếc chi tiền bạc mà không đáp ứng cho anh mỗi khi anh nồng ấm, thủ thỉ vào tai tôi lí do anh cần tiền của tôi là để góp cùng số tiền anh tích cóp bấy lâu nay mua một căn hộ chung cư trong thành phố, để vợ chồng an cư lạc nghiệp. Hoặc anh cần tiền với lí do rất thuyết phục là sắm trước trang thiết bị nội thất cho ngôi nhà tương lai vì anh được tiêu chuẩn mua theo giá nội bộ của nhà máy… Anh nói gì tôi cũng nghe, anh cần tình tôi trao tình, anh cần tiền tôi chu cấp tiền, mà không nghĩ rằng mình dính bẫy lừa của kẻ Sở Khanh siêu hạng. Chỉ đến khi bạn bè kháo nhau anh chuẩn bị về quê đưa vợ và 2 con vào trong này lập nghiệp luôn, tôi mới đắng cay ân hận, bẽ bàng…
Tác giả: Ngọc Hà
Nguồn tin: Báo Tiền phong