|
Cụ thể theo phản ánh, ngày 29/4/2018, trong khi đang làm việc, một công nhân tên Thơ đã bấm nhầm công tắc điện khiến cho người đồng nghiệp là ông Kim bị điện giật dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, nạn nhân lại được cho là tử vong do trèo lên sàng vòng rồi bị ngã xuống.
Sau đó vài ngày, người công nhân tên Thơ nhận đã bấm nhầm công tắc điện khiến ông Kim tử vong.
Khoảng 25 ngày sau (từ khi vụ việc xảy ra) ông Thơ quay lại nhà máy làm việc như bình thường.
Tiếp xúc với chúng tôi, người dân bày tỏ thắc mắc về những điểm vô lý sau sự việc. Do đâu ông Thơ đã tới nhà máy khai báo sau đó lại vẫn đi làm? Có không việc cty đang “bưng bít” toàn bộ thông tin?
Ngày 31/5, trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Cao Trọng Tú - người xưng danh Phó giám đốc, Trưởng ban pháp chế Cty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông (Cty Cp CNN Tiến Nông) cho biết: “Tai nạn xảy ra vào ngày 29/4 cũng qua gần 1 tháng rồi. Ngay sau khi tai nạn xảy ra tôi đã báo cáo với công an huyện Hoằng Hóa. Theo quy trình phải báo cáo với công an huyện vì họ quản lý trực tiếp. Sau đó công an huyện Hoằng Hóa có cử 2 tổ đến, một tổ kiểm tra hiện trường, một tổ tới bệnh viện.
Ngoài ra, bên cty điện báo cáo trực tiếp với thanh tra Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh. Bên điện lực ông Chánh thanh tra đến làm việc”
Khi PV đề cập đến đã có kết luận của cơ quan công an chưa thì ông Tú cho biết: “Hôm trước thì bên tôi có trao đổi với đồng chí Thanh làm bên BHXH của cty để làm chế độ của người mất nhưng vẫn đang thiếu văn bản bên công an. Cty cũng đã giao cho nhà máy kiểm tra xem đã lấy kết luận của công an hay chưa.
Khi xảy ra tai nạn họ lại hoàn toàn nói là không phải có người bấm nhầm mà nói là tự ông này trèo lên sàn vòng rồi bị ngã”.
Ông Cao Trọng Tú - Phó giám đốc Cty thừa nhận ông Kim tử vong là do công nhân đóng nhầm cầu giao điện |
Theo như thông tin ông Tú cung cấp thì công nhân gặp tai nạn điện dẫn đến tử vong là ông Lê Minh Kim (sinh năm 1970). Công nhân nhận bấm nhầm điện là ông Nguyễn Văn Thơ (sinh năm 1970) thuộc công nhân ca, sản xuất 1, phân xưởng 2, Nhà máy sản xuất Phân bón Tiến Nông 3 (xã Hoàng Quý, huyện Hoằng Hóa).
Ông Tú cũng thông tin thêm: “Khi xảy ra tai nạn tất cả mọi người ở nhà máy đều nói là ông này tự trèo lên rồi ngã, kể cả với công an họ cũng nói vậy. Khi lãnh đạo Cty ra thì tất cả mọi người đều nói anh này tự ngã. Nên là tất cả mọi người đề tưởng thế. Sau khi sự việc xảy ra khoảng mấy ngày sau đó, ông Thơ – công nhân bấm điện nhầm có lên nhà máy để báo cáo, tự thú và có đơn trình bày lại sự việc.
Ông Thơ có nói lúc đó ông ấy không biết ông kia đang nằm ở trên đó. Nghĩa là 2 ông không biết nhau. Ông Thơ cũng dọn vệ sinh máy, sau khi bấm máy mới nghe ông kia la lên. Sự việc sau đó ông Thơ đã đến nhà nạn nhân nói chuyện với gia đình”.
PV có đặt câu hỏi với ông Tú về công tác bồi thường cho người bị nạn thì được ông Tú cho biết: “Khi đó cty hỗ trợ cho gia đình người bị nạn là 50 triệu đồng. Còn người bấm nhầm công tắc điện là ông Thơ xin hỗ trợ 250 triệu và vay của cty, cty cũng đã đồng ý cho vay.
Gia đình nạn nhân cũng xin cty tạo điều kiện cho anh Thơ được tiếp tục làm việc, để cho anh ấy có điều kiện giúp đỡ gia đình”.
Bên cạnh đó, ông Tú cũng cho chúng tôi biết ông Thơ hiện đã đi làm lại.
Kết thúc buổi làm việc PV đề nghị ông Tú cung cấp biên bản tại hiện trường ngày hôm xảy ra tai nạn (lần 1); Biên bản lập sau khi ông Thơ - người bấm nhầm đến tự thú với nhà máy (lần 2); Quyết định đồng ý cho ông Thơ quay lại nhà máy làm việc cùng các văn bản, hồ sơ khác.
Đồng thời, PV cũng đưa ra câu hỏi sau khi ông Thơ đã lên nhà máy tự thú về mọi việc, vậy phía nhà máy và cty đã có công văn báo cáo giải quyết vụ việc này chưa? Đã có biên bản xử lý công nhân gây ra vụ việc như thế nào?
Ông Tú cho biết: “Khi xảy ra vụ việc tôi trên cương vị là Phó giám đốc cũng đã tổ chức hai cuộc họp. Cuộc họp thứ nhất là khi có thông tin anh Kim tự trượt ngã. Cuộc họp thứ hai là lúc xuất hiện tình tiết mới (ông Thơ đã khai nhận sự việc với ban lãnh đạo nhà máy).
Mới đây, cty cũng tổ chức họp tất cả các phòng ban, cùng công nhân đại diện dưới nhà máy và trưởng 2 ca sản xuất. Anh trưởng ca sản xuất cũng nói lỗi là để nhân viên của mình bấm nhầm. Anh ấy cũng nói đã tiến hành để các công nhân bỏ phiếu kín để xem có cho anh Thơ tiếp tục làm không.
Trong đó, có khoảng 40 người thì chỉ có mấy người không đồng ý. Có tất cả các biên bản cuộc họp nếu như chị cần thì xuống lấy, còn mọi thông tin khác thì có khi phải xuống nhà máy làm việc vì nhà máy là đầu mối trực tiếp làm việc với công an.
Khi ông Thơ trình báo sự việc với nhà máy tức là có tình tiết mới của vụ án, Cty Cp CNN Tiến Nông có báo cáo với cơ quan chức năng về việc hay không?
Việc ông Thơ - người nhận gây ra cái chết cho ông Kim vẫn đi làm bình thường có chăng vì đã gánh khoản nợ 250 triệu vay từ cty để “hỗ trợ” cho gia đình người gặp nạn?
Buổi làm việc thứ 2 với nhà máy sẽ có những bất ngờ gì, mời độc giả theo dõi ở kỳ tiếp theo.
Tác giả: Nhóm PVĐT
Nguồn tin: Báo Pháp luật và Dân sinh