Bệnh nhi Thiều Thanh Thảo 15 tháng tuổi tại Kỳ Hoa – Kỳ Anh được chẩn đoán còn ống động mạch đã được chỉ định can thiệp bằng phương pháp hiện đại này. Tại đây, em đã được các bác sỹ can thiệp bít ống động mạch bằng dù. Thay vì phải mổ banh như trước đây, các bác sỹ đã can thiệp qua da, đưa catheter qua động mạch và tĩnh mạch đùi, dùng dù để đóng ống động mạch. Với phương pháp bít dù, bệnh nhân không phải trải qua giai đoạn hồi sức mất nhiều thời gian, không mất sức nhiều và hồi phục nhanh hơn.
Chị Đặng Thị Lan mẹ của cháu Thảo cho biết: phát hiện cháu bị tim bẩm sinh từ lúc 4 tháng tuổi nhưng do điều kiện gia đình khó khăn nên chưa cho cháu đi điều trị được. Nhờ Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Tim Hà Nội hỗ trợ, cháu đã được can thiệp tim miễn phí, an toàn. Gia đình rất vui và cảm ơn các y, bác sỹ của bệnh viện.
Từ thành công của việc triển khai kỹ thuật này, sẽ có nhiều trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh được bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện tỉnh hỗ trợ can thiệp sớm nhằm giúp các em có sức khoẻ, trí tuệ để bước vào đời. Trong thời gian, tới Bệnh viện Tim Hà Nội sẽ tiếp tục chuyển giao các kỹ thuật mới về tim mạch can thiệp cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh để từng bước trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội chuyên ngành tim mạch giai đoạn 2013-2020 và đáp ứng nhu cầu khám và điều trị ngày càng cao của người dân tỉnh nhà.
Thạc sỹ Nguyễn Công Hà – Trưởng khoa Can thiệp tim mạch – Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết: Còn ống động mạch là một bệnh tim bẩm sinh do ống động mạch sau khi sinh không đóng lại, đây là ống nối giữa động mạch phổi và quai động mạch chủ tạo dòng shunt trong thời kỳ bào thai nhằm bảo đảm tuần hoàn từ tim phải sang động mạch chủ. Bệnh chiếm 10% trong các bệnh tim bẩm sinh, thường gặp ở nữ nhiều hơn nam ( 2-3 nữ / 1nam). T rẻ bị tim bẩm sinh do còn ống động mạch dễ dẫn đến suy tim, gây các bệnh về phổi, loạn nhịp tim, bị các bệnh nhiễm trùng trong tim. Nếu không điều trị kịp thời trẻ rất dễ tử vong do các bệnh đồng thời thể chất cũng không phát triển được. Trước đây việc điều trị còn ống động mạch chủ yếu là mổ thắt ống hoặc cắt ống động mạch. Tuy nhiên do là một phẫu thuật nên phương pháp này ít nhiều gây những sang chấn nhất định về thể xác và tinh thần cho người bệnh, phẫu thuật còn có những biến chứng nặng như chảy máu, nhiễm trùng… Kỹ thuật đóng ống động mạch bằng dù qua da bệnh nhân không bị mất máu, ít biến chứng, thời gian hồi phục nhanh. |
Thu Hòa/Sở Y Tế