Mặc dù bệnh nhân được chẩn đoán viêm ruột thừa nhưng trong quá trình mổ, các bác sĩ lại chuyển sang mổ đại tràng vì chẩn đoán sai. Sự việc hy hữu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Đính sau hai lần mổ được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị. Ảnh: Cẩm Kỳ.

“Khi được bác sĩ gọi vào xem tình trạng của con trai, tôi thấy đại tràng của con bị sưng lên và có một lỗ thủng nhỏ, phía trên bụng cháu có 2 vết mổ”, ông Phước nói.

Đến khoảng 19h30 cùng ngày, bác sĩ yêu cầu người nhà chuyển lên bệnh viện tuyến trên để theo dõi. Gia đình ông Phước thấy bác sĩ yêu cầu vậy nên đã xin hồ sơ bệnh án và giấy cam đoan ban đầu để mang lên bệnh viện tuyến trên nhưng không được chấp nhận. Hai bên xảy ra tranh cãi cho đến hơn 22h mới chuyển anh Đính vào khoa Ngoại của bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

“Chúng tôi mong cơ quan chức năng làm rõ tại sao bác sĩ lại chẩn đoán sai bệnh tình của cháu dẫn đến việc phải thay đổi nhiều vết mổ. Trong quá trình phát hiện chẩn đoán sai, bên phía bệnh viện cũng tự ý mổ chỗ khác mà không thông báo gì cho người nhà bệnh nhân”, ông Phước bức xúc.

Bác sĩ Phan Thanh Minh, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, khoảng 22h50, ngày 4/6, bệnh viện có tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Đính từ tuyến bệnh viện huyện Can Lộc chuyển vào. “Bệnh nhân Đính chuyển vào với hai vết mổ ở bụng, tình trạng bệnh nhân tỉnh táo, da niêm mạc hồng, thân nhiệt cơ thể bình thường”, bác sĩ Minh nói.

Làm việc với Tiền Phong, bác sĩ Nguyễn Phước Chung, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc, người trực tiếp mổ cho bệnh nhân Nguyễn Văn Đính cho biết, sau khi thăm khám cho bệnh nhân, phát hiện ổ bụng chướng nhẹ, có phản ứng thành bụng và đau nhất là vùng hố chậu phải.

Nhận thấy tình trạng trên nên bác sĩ Chung cho bệnh nhân Đính làm các thủ tục xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm và chụp x-quang vùng bụng. Kết quả chẩn đoán viêm khúc mạc do viêm ruột thừa.

Quá trình mổ, bác sĩ Chung tiến hành rạch da theo đường mổ ruột thừa, phát hiện ổ bụng có nhiều chất dịch kèm theo mùi hôi, phần ruột thừa viêm xung huyết không tương xứng với chẩn đoán ban đầu của hội chẩn. Sau đó, kíp mổ hội chẩn lần hai tại bàn mổ và quyết định cắt ruột thừa, khâu cầm máu rồi tiếp tục mổ theo đường trắng giữa trên rốn để kiểm tra dạ dày, ruột non, túi mật đều thấy không bị tổn thương.

“Chúng tôi kiểm tra đại tràng phía góc gan của bệnh nhân Đính phát hiện tại có một khối u kích thước 5x5cm phía trên có một lỗ thủng to bằng đầu ngón tay út, dịch ruột đang rỉ chảy ra”, bác sĩ Chung cho biết.

Sau khi phát hiện, kíp hội chẩn và kíp mổ đã mời người nhà của bệnh nhân vào để xem thực tế tổn thương và giải thích hướng xử lý là cắt bỏ khối u và làm hậu môn nhân tạo. Được sự đồng ý của người nhà, kíp mổ đã cắt khối u, đưa 2 đầu của đại tràng ra làm hậu môn nhân tạo kiểu 2 nòng súng rồi rửa ổ bụng và đặt ống dẫn lưu ở ổ bụng gần hạ sườn phải.

Kết thúc kíp mổ, bệnh nhân Đính trở lại các chỉ số bình thường và bác sĩ Chung cũng yêu cầu gia đình chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để tiếp tục theo dõi. “Chúng tôi yêu cầu chuyển lên tuyến trên vì ở đó bệnh nhân sẽ được chăm sóc và thuốc thang tốt hơn tuyến huyện. Ngoài ra, nếu trong quá trình mổ chẳng may có vấn đề gì thì sẽ dễ xử lý hơn”, bác sĩ Chung nói.

Cũng theo bác sĩ Chung, việc để người nhà bức xúc khả năng do kíp mổ của bệnh nhân Đính bất thường so với những kíp mổ khác bởi ban đầu chẩn đoán không giống với tình trạng của bệnh nhân nên phải mổ thêm một vết mổ mới. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu bệnh viện phải có động thái để cho bệnh nhân được điều trị tốt hơn.

Cẩm Kỳ/ Tiền Phong