Những thiếu nữ chưa tròn 18 tuổi mà đã tay bồng, tay bế. Ảnh: PV |
Lấy chồng từ thuở… 13
Thống kê cho thấy, riêng trong năm ngoái, tại xã Hang Kia có trên 50 vụ vi phạm hôn nhân và gia đình, trong đó chiếm phần nhiều là tình trạng tảo hôn. Còn năm nay, xã chưa có thống kê nhưng tình trạng xem chừng không được khả quan cho lắm vì giờ mới bắt đầu vào mùa của tập tục “bắt vợ”.
Theo lời các cụ cao niên địa phương, “bắt vợ” là nét văn hóa của người Mông, thường diễn ra vào các tháng cuối năm đến hết Tết. Cũng chẳng biết từ khi nào, tập tục lâu đời này bị lạm dụng một cách xót xa tại Hang Kia. Nhiều thiếu nữ ở xã bỗng dưng bị trai làng bắt về làm vợ. Có những bé gái chỉ mới 12, 13 tuổi, nói còn ngọng líu ngọng lô đã khoác trên mình bộ trang phục cưới của phụ nữ Mông. Không ít lần lãnh đạo huyện Mai Châu về tận địa phương nắm bắt tình hình nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả.
Ngồi đối diện trong quán nước với chúng tôi là Hờ T. và Giàng L. Thú thực, nhìn họ chúng tôi cứ nghĩ là hai anh em đưa nhau đi chợ, vào quán kiếm cái lót dạ. Không ngờ họ lại là vợ chồng, vừa cưới nhau vào dịp Tết vừa rồi. Theo tuổi, L kết hôn từ khi tròn 16 tuổi, còn T. bị bắt làm vợ khi còn thiếu 2 tháng nữa mới tròn tuổi 13. Nghe chúng tôi hỏi chuyện, L tỏ ra tự hào khi mình “bắt” được một cô vợ trẻ. Anh chàng cũng hồn nhiên kể ngọn ngành về “chuyện tình” của bản thân.
Gần Tết năm trước, thấy mình đã “đủ tuổi” nên L mượn xe máy cùng mấy anh bạn người Mông khác trong xã đi tìm vợ. Tại chợ phiên, họ đã gặp T. Sau đó, L nhiều lần chặn đầu T. trên đường để tìm hiểu. Đúng đến mùa của tập tục “bắt vợ”, L chờ lúc T. đi học về rồi cùng nhóm bạn tổ chức “bắt”. Như phó mặc cho số phận, cuộc đời thiếu nữ, cuộc đời học sinh của Giàng T. cũng khép lại từ đó.
Chưa đầy tuổi 13, từ một cô gái đầy hồn nhiên, T. bắt đầu phải làm vợ. Gánh nặng của một người vợ đã được đặt lên vai, áp lực của việc phải quan hệ giới tính sớm đã khiến em già đi rất nhiều so với tuổi. Khuôn mặt hốc hác, bàn tay thô ráp nhăn nheo, gân xanh nổi lên, T. ngồi trước quán phở, mắt nhìn xa xăm.
Cặp đôi trẻ con tương tự là Khà A P. và S. - Hiện thân mặt trái của tập tục này. Trong ngôi nhà tạm bợ ven núi, với tâm trạng uể oải, P. cho biết đã để ý đến S. từ lâu. Ở xã này, những cô gái tuổi như S. nếu chưa bị “bắt” là rất hiếm. Thế nhưng do nhà P. là gia đình có “máu mặt” ở trong xã nên không một chàng trai nào dám “cướp tay trên”. Trong khi đó, P. chưa có ý định bắt S. về làm vợ vì anh muốn lấy vợ… trẻ hơn nữa. Thế rồi cuối năm ngoái, bố của P. sang xã khác ăn cỗ. Thấy người ta cũng có con bằng tuổi mà đã tay bồng tay bế, về nhà, bố P. yêu cầu anh phải đi “bắt vợ” ngay trong dịp cuối năm này.
Chiều lòng bố và cũng không có thời gian để tìm và bắt các cô gái khác trẻ hơn nên P. đành rủ bạn đi bắt S về. Thế là họ thành vợ thành chồng từ lúc chưa đủ tuổi thành niên. Nhìn họ, chúng tôi ái ngại, chẳng biết rồi cuộc sống và sức khỏe họ sẽ đi đến đâu nữa?. Đến vị cán bộ y tế xã chuyên về hộ sinh đi cùng chúng tôi còn tỉ tê rằng, chị bị ám ảnh với những vợ chồng tảo hôn ở thung lũng mù sương này. “Nhiều bé gái chưa đến tuổi thành niên đã phải vào phòng sản. Nhìn những cơ thể thiếu nữ chưa kịp phát triển hết mà phải chịu những cơn đau lúc sinh nở khiến tôi xót xa”, nữ cán bộ tâm tư.
Số lượng trẻ em gái ở Hang Kia bị “bắt” về làm vợ tăng lên thêm mỗi năm. Người ta đã quá quen và không có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng vợ chồng trẻ con lấy nhau rồi sinh ra trẻ con ở cái xã này. Các lớp học, các gia đình có các bé gái cứ bất chợt lại mất người.
Phạt cũng không ăn thua!
Một góc xã Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình) - Nơi đang nhức nhối về nạn tảo hôn. |
Thực trạng lạm dụng tập tục “bắt vợ” để cưới vợ sớm và thực trạng tảo hôn ở Hang Kia diễn ra trong nhiều năm nay. Theo Phòng Tư pháp huyện Mai Châu thì từ khi thành lập huyện, nhiều năm nay xã Hang Kia chưa bao giờ chấm dứt được tình trạng này. Có một năm duy nhất đó là năm 2000, tình trạng tảo hôn ở xã giảm xuống còn 7 trường hợp. Thế nhưng chưa kịp mừng thì tỷ lệ này lại tăng lên ngay sau đó.
Cuốn sổ tay ghi chép những vụ tảo hôn dành riêng cho xã Hang Kia cứ ngày một dày thêm. Thậm chí, vấn nạn này còn xâm nhập vào cả gia đình cán bộ, đảng viên. Cụ thể như ông Sùng A L., chi bộ xóm Thung Mài (Hang Kia) có con là Sùng Y X. lấy chồng khi mới 16 tuổi 3 tháng. Ông Vàng A T., cán bộ xã Hang Kia có con dâu là Khà Y P. khi mới chỉ 15 tuổi 11 tháng. Và điển hình trường hợp đảng viên, giáo viên Hờ A Tr. cưới vợ cho con khi cả hai mới chỉ 16 tuổi.
Để tuyên chiến với tình trạng tảo hôn không hồi kết này, cực chẳng đã, cách đây 6 năm (năm 2011), huyện Mai Châu đã phải ra Chỉ thị số 10 và yêu cầu các xã trong đó có Hang Kia thành lập ban chỉ đạo thực hiện. Đồng thời có hình thức xử phạt, “đánh vào kinh tế” với mức, nếu nhà trai tảo hôn sẽ phạt 500.000 - 1 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ thì phạt cũng không làm họ sợ và làm giảm đi tình trạng tảo hôn trên địa bàn.
Trao đổi thêm về vấn đề, ông Khà A Váu cũng tỏ ra bất lực. Ông Váu cho biết, xã cũng đã làm quyết liệt lắm vì còn để xảy ra tình trạng này thì uy tín lãnh đạo và thành tích của xã không bao giờ được cấp trên khen cả. Thế nhưng khuyên nhủ, tuyên truyền thế nào thì tình trạng trên vẫn tái diễn. Xã cũng chỉ còn cách làm thống kê, gọi các trường hợp trên ra để xử phạt. Các cặp đôi trẻ con vẫn lấy nhau, vẫn về ở với nhau mà bất chấp những hệ lụy về sau.
Chia tay thung lũng mù sương trong một chiều đầy nắng, chúng tôi như vẫn còn ám ảnh hình ảnh em Giàng S. bồng đứa con nhỏ đang quẫy khóc, đôi mắt rơm rớm, buồn bã đứng trong căn nhà tạm bợ nhìn ra núi rừng xanh thẳm. Một không gian mênh mông, vô định như cuộc đời nổi trôi của bao cô gái trẻ miền sơn cước lấy chồng sớm như em…
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội