Tuy vậy, với những nỗ lực của doanh nghiệp (DN), hộ SXKD và những trợ lực kịp thời từ phía các ngành chức năng, giá trị sản xuất TM-DV của thành phố trong những năm gần đây vẫn tăng trưởng bình quân hơn 20%/năm…
Có thể nói, trong vài ba năm trở lại đây, hoạt động TM-DV trên địa bàn thành TP Hà Tĩnh liên tục phải đối mặt với nhiều khó khăn như: chi phí đầu vào tăng, sức mua giảm, hàng tồn kho lớn, lãi suất ngân hàng cao…, ảnh hưởng đến quá trình SXKD của các DN.
Trước thực trạng này, UBND thành phố Hà Tĩnh xác định: TM-DV là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và tăng thu ngân sách địa phương, đồng thời là động lực để các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Theo đó, thành phố đã tập trung các giải pháp nhằm khai thác hợp lý, có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển TM-DV, tạo thu nhập cho người dân. Mặt khác, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt tình hình SXKD của các thành phần kinh tế trên địa bàn, từ đó chủ động đưa ra các biện pháp tháo gỡ vướng mắc, giúp các nhà đầu tư, DN, hộ kinh doanh hoạt động sản xuất thuận lợi.
Cùng với chính sách ưu đãi của tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, quan tâm thực hiện công tác GPMB để nhanh chóng giao đất cho các chủ đầu tư, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong đầu tư phát triển mạng lưới chợ…Đòn bẩy phát triển ngành TM-DV của thành phố đó là hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư tương đối hoàn chỉnh.
Thực hiện chủ trương mở rộng không gian đô thị, hệ thống giao thông được phát triển rộng khắp, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa thành phố với các địa phương trong tỉnh. Thành phố đã hình thành được nhiều khu thương mại, trở thành trung tâm mua sắm, trao đổi hàng hóa của cả tỉnh. Hệ thống chợ được đầu tư xây dựng đều khắp trong nội đô cũng như ngoại thành. Toàn thành phố có 13 chợ, trong đó có 1 chợ loại 1, 4 chợ loại 2 và 6 chợ loại 3; hơn 9.000 hộ tham gia kinh doanh TM-DV.
Thời gian gần đây, ngoài sự hiện diện của Siêu thị Co.opmart, nhiều cửa hàng, cơ sở phân phối lớn của các tổng công ty, tổng đại lý trong nước có mặt tại thành phố. Nhờ vậy, lượng hàng hóa lưu chuyển trên thị trường lớn, phong phú về sản phẩm, đa dạng về mẫu mã, người tiêu dùng có nhiều cơ hội chọn lựa sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý và được tiếp cận hình thức kinh doanh hiện đại.
Với những giải pháp tích cực, lĩnh vực TM-DV của TP Hà Tĩnh đã và đang giữ vai trò chủ đạo nền kinh tế trên địa bàn. Thị trường hàng hóa sôi động, nguồn hàng phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của nhân dân. Hiện, ngành TM-DV của thành phố chiếm tới 80% trong tỷ trọng cơ cấu kinh tế thành phố, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ trong năm 2012 đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Hiện nay, TP Hà Tĩnh đang tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đây sẽ là thuận lợi lớn thúc đẩy ngành TM-DV đi lên theo hướng hiện đại, góp phần đưa nền kinh tế của thành phố phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm là trung tâm kinh tế – chính trị của tỉnh nhà.
Ngọc Hà
Báo Hà Tĩnh