Trong nước

Bộ trưởng Nội vụ: 'Muốn giữ chân nhân tài thì phải bố trí đúng việc'

Ông Lê Vĩnh Tân cho rằng, để thu hút nhân tài, ngoài việc đãi ngộ xứng đáng thì chính quyền phải bố trí họ vào công việc đúng sở trường.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 24/5 về việc nhiều công chức trong đề án nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng xin thôi việc, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, nhà nước có chính sách chung trong trọng dụng nhân tài, địa phương không thể ban hành tiêu chí và chế độ riêng.

Theo ông Tân, những người học tập đạt thành tích tốt và đã chứng minh năng lực trong thực tiễn sẽ được nhà nước trọng dụng; để thu hút và giữ chân người có năng lực, vấn đề không chỉ ở chính sách đãi ngộ mà còn tạo môi trường cho họ làm việc, phát huy năng lực sở trường.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Võ Hải.

"Yếu tố rất quan trọng là phải bố trí đúng người, đúng việc. Không phải cứ những người học giỏi, có trình độ, có bằng cấp thì có thể phân công bất cứ lĩnh vực nào", ông Tân nêu quan điểm.

Bộ trưởng Nội vụ cũng cho rằng, người tài được tạo mọi điều kiện để đi lên bằng khả năng, sở trường và chuyên môn của mình. Tuy nhiên, họ không nhất thiết phải đi theo con đường chính trị, phấn đấu có chức vụ lãnh đạo. Trong đề án cải cách tiền lương Trung ương vừa thông qua, đã nêu định hướng ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế cho hệ thống bảng lương hiện hành.

Cụ thể, sẽ có bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; bên cạnh đó là bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

"Anh có thể là chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, thậm chí anh là chuyên gia, thì chế độ chính sách của anh cũng không thua kém gì so với những người có chức vụ lãnh đạo", Bộ trưởng Nội vụ nói.

Cùng quan điểm, GS, TSKH Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay, trọng dụng nhân tài không chỉ là vấn đề đãi ngộ mà còn phải tạo điều kiện cho nhân tài phát triển.

Ông Thi nêu quan điểm, hiện tượng hàng loạt nhân tài ở Đà Nẵng xin thôi việc có thể do đề án chưa phù hợp, chưa khả thi và đó cũng là tình trạng chung của các đề án liên quan đến nhân tài hiện nay.

"Hầu hết các đề án liên quan đến thu hút nhân tài ở địa phương mới chỉ nghiêng về chế độ đãi ngộ như cho đất, cho tiền nhưng lại không có cơ chế sử dụng nhân tài đúng nghĩa là tạo điều kiện cho họ phát triển, cống hiến. Nếu vẫn theo cách làm này sẽ mang tính hình thức, không đạt được mục tiêu trong sử dụng nhân tài", ông Thi nêu quan điểm.

Cũng theo ông Thi, nhân tài trước hết là người có trình độ chuyên môn, nên cần khai thác năng lực chuyên môn của họ, những người có chuyên môn đặc biệt không nên chỉ đưa vào khai thác ở khu vực hành chính.

Là đại biểu đã nhiều lần góp ý kiến về việc trọng dụng nhân tài trên diễn đàn Quốc hội, ông Lê Thanh Vân - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính và Ngân sách, cho biết hiện chưa có văn bản nhất quán mang tính chất quy phạm để định nghĩa chính sách nhân tài.

"Nhân tài xin thôi việc có rất nhiều nguyên nhân, có thể là môi trường làm việc hoặc trọng dụng không đúng nghĩa, nghĩa là chính sách trọng dụng trên văn bản thì có, nhưng trong việc làm cụ thể thì không dùng người ta, dùng không đúng với sở trường, sở đoản của họ", ông Vân nói.

Vị đại biểu này nhấn mạnh, người xưa đã đúc kết "dụng nhân như dụng mộc", với gỗ lim thì phải làm cột cái, gỗ lim trong bộ máy là những người có tầm nhìn, có tư duy vượt trội, có khả năng kiến tạo chính sách, nhưng "bố trí cho anh ta làm công tác phục vụ, điếu đóm, cắp tráp… không khác gì đem gỗ lim đi làm phên dậu, đem tre nứa đi làm trụ cột".

Một nguyên nhân nữa được đại biểu nêu là tình trạng "miệng nói trọng dụng nhân tài nhưng tâm thì ghen tỵ, ghét bỏ". Trong khi đó, nhân tài là những người có lòng tự trọng, có chính kiến nên trong những trường hợp như thế họ chọn phương án ra đi.

"Ở đây có vai trò của người đứng đầu. Người đứng đầu mà là nhân tài chắc chắn biết dùng nhân tài", đại biểu Vân khẳng định.

Tính đến tháng 5, đã có 93 người đã rút khỏi Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922). Trong đó dù được bố trí việc làm, 40 người đã xin thôi việc với các lý do đoàn tụ gia đình, sức khỏe không tốt, hoặc muốn tìm công việc khác. 47 học viên vi phạm hợp đồng (chủ yếu không đạt kết quả theo yêu cầu của đề án). Lãnh đạo Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (trực thuộc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng) cho biết, nhân tài xin thôi việc phần lớn ở các sở, ngành.

Tác giả: Võ Hải

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP