Đây là nội dung quan trọng được ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vào chiều 9-1.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về chương trình GDPT mới. Ảnh: TUYẾN PHAN |
Phát biểu tại hội nghị, ông Nhạ cho biết sau một năm chuẩn bị, ngày 26-12, sau khi xin ý kiến của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã công bố chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Đây là một sự kiện quan trọng của ngành GD.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết thêm, định hướng tiếp cận của chương trình GDPT mới là phát triển năng lực thay vì nội dung, cách tiếp cận rất công phu bài bản, mang tính quốc tế, đi vào từng môn học. Chương trình sẽ kế thừa những gì chương trình cũ còn tốt và sẽ chỉnh sửa, bổ sung những bất cập, bổ sung để phù hợp với xu thế quốc tế.
Toàn cảnh của hội nghị trực tuyến chương trình GDPT mới. Ảnh: TUYẾN PHAN |
Ông Nhạ cũng cho biết thêm, chương trình dù hay nhưng nếu người triển khai chương trình không được đào tạo, tập huấn bài bản thì cũng không thể phát huy hiệu quả. Vì thế thành bại của chương trình phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo, những người sẽ thực hiện chương trình. Theo đó, có hai hiệm vụ sẽ được ngành đặt ra trong thời gian tới. Thứ nhất là công tác hướng dẫn, đào tạo bồi dưỡng để giải quyết yêu cầu của đội ngũ nhà giáo. Thứ hai là chuẩn bị về cơ sở vật chất để thực hiện chương trình.
Bộ trưởng cũng cho rằng rút kinh nghiệm từ những lần đổi mới trước, lần này Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ liên quan chuẩn bị đội ngũ nhà giáo cũng như cơ sở vật chất giảng dạy, những yếu tố này đang được triển khai ở các mức độ khác nhau. “Thành công phụ thuộc rất nhiều vào sự nhịp nhàng phối hợp giữa các bên liên quan” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên của chương trình đã giới thiệu về các điểm mới của chương trình như việc trả lời câu hỏi học sinh học xong chương trình thì làm được gì, thay vì sẽ biết được gì như chương trình cũ.
Ngoài ra, chương trình lần này là phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của người học, xuất phát từ mục tiêu giáo dục. Trên cơ sở xác định được mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra thì mới xác định nội dung và lên chương trình đào tạo cụ thể.
“Chương trình không phải là khối đá mà là cơ thể sống, sau khi ra đời vẫn tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá và có điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, dĩ nhiên chỉ là điều chỉnh các tiểu tiết” – GS Thuyết cho hay.
Bên cạnh đó, chương trình có sự phân hóa, cá thể hóa rất rõ, bởi năng lực là yếu tố có sẵn trong người kết hợp với thời gian tập luyện. Trong quá trình dạy học giáo viên không còn là người truyền thụ đơn thuần mà còn phải tổ chức hoạt động để học sinh lĩnh hội, vận dụng kiến thức đó vào thực tế. Đặc biệt chương trình cũng đặt ra vấn đề giảm tải, tạo điều kiện cho học sinh vừa đỡ vất vả vừa hiệu quả như giảm số môn học, tiết học, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tránh áp đặt, một chiều…
Cũng theo GS Thuyết, để giảm tải một cách triệt để đòi hỏi phải hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Tuy nhiên điều này nằm ngoài phạm vi của chương trình nên phụ thuộc vào nỗ lực của toàn xã hội.
Tác giả: N.QUYÊN-P.TUYẾN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM