Trong nước

Bộ Quốc phòng: 'Vật thể lạ ở biển Phú Yên là ngư lôi của nước ngoài'

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng cho biết ngư lôi được thiết kế dạng mô hình, khác hoàn toàn với loại chiến đấu.

Tại cuộc họp báo sáng 27/12, trả lời câu hỏi của VnEpress về việc ngư dân Phú Yên tìm thấy "vật thể lạ" in chữ Trung Quốc khi đánh cá cách bờ 4 hải lý, thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) cho biết, vật thể được Biên phòng Phú Yên bàn giao cho Vùng 4 Hải quân.

"Đó là quả ngư lôi phục vụ bắn tập của nước ngoài. Việc nó trôi dạt vào vùng biển nước ta cũng đơn giản thôi. Một vật thể ngoài khơi xa, ở vùng biển quốc tế trôi dạt vào biển các nước là bình thường", ông Đức nói.

Ông Đức thông tin, ngư lôi bắn tập khác hoàn toàn ngư lôi chiến đấu về chất liệu, màu sắc. Nhiều người tham gia dân quân tự vệ cũng có thể nhận diện trang bị phục vụ luyện tập chỉ là mô hình, khác với vũ khí thật về bản chất.

"Vật thể lạ" được ngư dân Phú Yên tìm thấy hôm 18/12. Ảnh: Khắc Nho.

"Vật thể lạ" được ngư dân Phú Yên tìm thấy hôm 18/12. Ảnh: Khắc Nho.

Trước đó chiều 18/12, ngư dân huyện Tuy An (Phú Yên) tìm thấy "vật thể lạ" mắc vào lưới khi đánh cá trên vùng biển An Hải, cách bờ khoảng 4 hải lý. Vật thể hình trụ dài 6,8 m, màu đen và cam, đường kính gần 54 cm.

Ba ngày sau, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra thông cáo: "Chúng tôi được biết thông tin ngư dân Việt Nam vớt được một quả ngư lôi tại tỉnh Phú Yên. Hải quân Trung Quốc bị thất lạc một quả ngư lôi trong đợt huấn luyện ở phía đông đảo Hải Nam hồi đầu tháng 12, nhiều khả năng do ảnh hưởng từ các dòng hải lưu".

Hải quân Trung Quốc xác nhận quả ngư lôi bị thất lạc chỉ là phiên bản huấn luyện và "được phóng mà không có mục tiêu cụ thể".

Theo quy trình huấn luyện thông thường của các nước, sau khi phóng khỏi tàu và di chuyển hết tầm, ngư lôi huấn luyện sẽ nổi lên mặt biển để các tàu tham gia huấn luyện thu hồi. Tàu thu hồi tìm kiếm quả ngư lôi huấn luyện và kéo nó bằng dây cáp ở cuối đuôi tàu. Nếu ngư lôi bị thất lạc hoặc bị chìm, hoạt động huấn luyện sẽ bị ngừng lại, các tàu bắt đầu tìm kiếm từ vị trí phóng lôi và kéo dài theo đường đi của ngư lôi huấn luyện.

Việc tìm kiếm được mở rộng ra khu vực có bán kính gấp 2,4 lần tầm phóng của ngư lôi và dừng lại nếu không phát hiện nó sau hai lần tìm kiếm toàn bộ khu vực.

Ngư lôi huấn luyện sau khi phóng có thể bị dòng hải lưu cuốn đến khu vực khác cách xa nơi huấn luyện. Tháng 4/2017, lực lượng bảo vệ bờ biển Litva phát hiện một ngư lôi huấn luyện do Nga sản xuất trên bờ biển thuộc mũi đất Curonian, cách biên giới Nga khoảng một km.

Tác giả: Hoàng Thùy

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP