Giáo dục

Bộ GD&ĐT lưu ý thí sinh về đề thi THPT quốc gia 2018

"Cấu trúc của đề thi năm nay vẫn giữ ổn định như năm 2017. Câu hỏi về kiến thức cơ bản sẽ chiếm 50 đến 60%. Những thí sinh làm tốt phần này không chỉ đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT mà còn có thể trúng tuyển vào rất nhiều trường đại học".

Trên đây là lưu ý của ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT về đề thi THPT quốc gia năm nay.

Nhiều trường tổ chức tư vấn cho thí sinh cách ghi hồ sơ

Theo lịch tuyển sinh, ngày 1/4, thí sinh nộp hồ sơ đăng kí dự thi THPT quốc gia 2018. Ghi nhận của PV Dân trí tại Hà Nội, trong vài ngày đầu tiên, các trường đang tổ chức các hoạt động tư vấn và hướng dẫn để tránh sai sót.

Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) cho biết, ngày 3/4, nhà trường tổ chức buổi tư vấn tại trường. Theo đó, văn phòng nhà trường và đội ngũ cán bộ tuyển sinh sẽ hướng dẫn các em cách thức ghi hồ sơ ra sao.

“Mặc dù đã nhắc nhở rất kĩ thế nhưng các em vẫn sai sót khi làm hồ sơ đăng kí dự thi. Những điểm hay sai sót nhất là việc nhầm lẫn kí hiệu giữa các trường. Đôi khi các em chỉ cần sai một chữ H hoặc chữ N là đã thay đổi cả tên trường, sai nguyện vọng. Do đó chúng tôi nhắc nhở các em cân nhắc và kiểm tra rất kĩ, nhất là khi đăng nhập trên máy tính”, thầy Nhâm nói.

Tại Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) trước đó cũng đã tổ chức buổi tư vấn, hướng dẫn công tác tuyển sinh cho học sinh. Theo hiệu trưởng nhà trường, các em cần phân tích điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để có lựa chọn sáng suốt hơn khi đặt bút lựa chọn nguyện vọng.

Mặc dù đã nhắc nhở rất kĩ thế nhưng các em vẫn sai sót khi làm hồ sơ đăng kí dự thi.

Trả lời PV Dân trí, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT có một số lưu ý với thí sinh trước khi các em chính thức đăng ký dự thi và xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.

Theo ông Nghĩa, từ ngày 1/4/2018 đến hết ngày 20/4/2018, các thí sinh sẽ đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển. Các quy định về đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2017.

Khi đăng ký dự thi, có một số điểm thí sinh cần lưu ý để không mắc phải các sai lầm như một số thí sinh đã mắc phải năm 2017.

Thứ nhất là việc sử dụng chứng minh nhân dân: chứng minh nhân dân được sử dụng khi đăng ký dự thi THPTQG, khi sơ tuyển (đối với trường có sơ tuyển) và khi đăng thi các môn năng khiếu. Trong trường hợp này phải sử dụng thống nhất 1 số giấy CMND để các trường có thể liên kết dữ liệu thi với kết quả thi năng khiếu và/hoặc kết quả sơ tuyển.

Thứ hai là việc rà soát dữ liệu đăng ký: sau khi thí sinh nộp phiếu đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển, các trường THPT sẽ nhập dữ liệu đăng ký của thí sinh và in ra để thí sinh rà soát và ký xác nhận. Các em lưu ý rà soát kỹ trước khi ký xác nhận.

Thứ ba là việc sử dụng tài khoản truy cập hệ thống: Sau khi nộp đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển, thí sinh được cấp tài khoản và mật khẩu để truy cập hệ thống. Khi có tài khoản này thí sinh có thể vào hệ thống kiểm tra các thông tin cá nhân đã được hệ thống chấp nhận, giấy báo thi, kết quả thi, kết quả xét tuyển. Chính vì vậy, nếu chưa nhận được tài khoản và mật khẩu, các thí sinh (đặc biệt là thí sinh tự do) phải liên hệ với địa điểm tiếp nhận đăng ký dự thi để lấy được tài khoản và mật khẩu.

Thứ tư là việc kê khai chế độ ưu tiên: chỉ kê khai khi chắc chắn, nếu còn chưa rõ phải hỏi trường, sở để được tư vấn.

Đối với các thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT cần lưu ý về điều kiện bảo lưu kết quả thi có một số thay đổi: thí sinh dược phép bảo lưu kết quả các môn thi, bài thi và môn thi thành phần của bài thi tổ hợp với điều kiện các môn thi, bài thi này đạt kết quả từ 5 điểm trở lên.

Đối với bài thi tổ hợp, để được bảo lưu cả bài thi, ngoài điều kiện kết quả bài thi đạt từ 5 điểm trở lên, các môn thành phần của bài thi phải có kết quả lớn hơn 1 điểm.

Phân tích phổ điểm bài thi tổ hợp năm 2017 cho thấy không thấy có những bất thường do quá tải của thí sinh khi làm các bài thi này. (Ảnh minh họa)

Đề thi: Kiến thức cơ bản chiếm khoảng 50-60%

Về việc làm bài thi tổ hợp, theo ông Nghĩa, bài thi tổ hợp đã được thử nghiệm từ năm 2015 với bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và có cơ sở thực tế để triển khai. Hơn nữa, thời gian thi các bài thi tổ hợp này là 150 phút ngắn hơn thời gian thi Toán hay Ngữ văn trước kia (180 phút).

Phân tích phổ điểm bài thi tổ hợp năm 2017 cho thấy không thấy có những bất thường do quá tải của thí sinh khi làm các bài thi này. Hơn nữa, trước khi đưa ra phương án thi năm 2018, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến các sở GDĐT, các trường đại học.

Về đề thi, ghi nhận của PV Dân trí ở kì khảo sát lớp 12 mới đây của thành phố Hà Nội, nhiều thí sinh hoang mang vì phần kiến thức lớp 11 đánh đố khiến các em mất điểm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nghĩa cho hay, cuối năm 2016, Bộ đã thông báo nội dung thi năm 2018 có cả nội dung của chương trình lớp 11. Như vậy từ khi học lớp 11, thí sinh đã được thông báo nội dung thi để chuẩn bị ôn tập từ lớp 11 và các trường cũng có thông tin để chuẩn bị cho việc ôn tập cho thí sinh chương trình lớp 11 từ năm học 2016-2017.

Hơn nữa, cấu trúc của đề thi năm nay vẫn giữ ổn định như năm 2017. Câu hỏi về kiến thức cơ bản sẽ chiếm 50 đến 60%. Những thí sinh làm tốt phần này không chỉ đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT mà còn có thể trúng tuyển vào rất nhiều trường đại học. Phần phân hóa chỉ có ý nghĩa đối với thí sinh đăng ký vào các trường tốp đầu và sự cạnh tranh này là bình đẳng khi các quy định về đề thi áp dụng cho tất cả các thí sinh.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP