Tai họa từ chiếc bình gas cũ
Ngoài hành lang khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, người đàn ông bám lấy song cửa nhìn vào bên trong với ánh mắt khắc khoải đầy lo âu. Hỏi ra mới biết, anh là Lê Minh Hưng (28 tuổi, ngụ tại Kiên Giang) có vợ là Thị Bích (26 tuổi) bị bỏng rất nặng đang nằm điều trị trong phòng săn sóc đặc biệt.
Anh Hưng lo lắng vin song sắt chờ tin vợ bên ngoài khoa bệnh |
Đôi mắt rưng lệ, anh Minh Hưng cho biết: “Đang vào thời điểm thu hoạch lúa nên vợ chồng em mới có việc làm. Buổi chiều 26/9 chúng em trở về nhà, 2 đứa con đói bụng khóc đòi ăn, vợ em vội chạy ra quán mua gói mì về chế cho bé lót dạ trước khi nấu cơm tối. Vợ nấu mì, nhặt rau còn em loay hoay dọn dẹp nhà cửa thì bất ngờ một tiếng nổ lớn vang lên. Em quay lại thì thấy cơ thể vợ đang cháy như ngọn đuốc... gia đình em còn chút phước khi hai đứa con nhỏ khi đó dắt nhau qua nhà nội (kế bên) chơi”.
Tai họa ập đến là do chiếc bình của bếp gas mini đã cũ nát rò rỉ rồi phát nổ. Nỗ lực lao vào biển lửa cứu vợ nhưng khi anh Hưng dập tắt được thì cơ thể chị Thị Bích đã bỏng nặng, quần áo trên người cháy chảy nhựa, dính bết vào da thịt, vùng da trên ngực, hai cánh tay gần như bị lột hoàn toàn. Ngọn lửa cũng khiến cánh tay phải của anh Minh Hưng bị cháy sém. Giữa xóm nghèo không ai biết sơ cấp cứu tai nạn bỏng, mọi người chỉ biết đứng nhìn chị Bích rên xiết. Thấy mẹ quằn quại trong đau đớn, hai đứa con nhỏ khóc thảm thiết, không khí đau thương theo màn đêm bao trùm xóm vắng.
Gương mặt chị Bích bị bỏng nặng, phù nề, cơ thể nhiều vùng lột da sau khi bị lửa thiêu sống |
Căn nhà nhỏ nằm cách xa trung tâm huyện, dù người thân đã cố gắng gọi cứu thương, taxi nhưng phải hơn 2 giờ sau chiếc taxi mới đến. Sau khi được bệnh viện địa phương sơ cứu, chị Bích phải chuyển đến Bệnh viện Trung ương Cần Thơ, nhưng thương tích quá nặng nên chị tiếp tục phải lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.
BS Lê Thành Khũym, khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình cho hay: Bệnh nhân bị bỏng lửa gas với diện tích 27% toàn thân (độ II; III) trong đó có nhiều vùng bỏng sâu. Nguy hiểm nhất là tình trạng bỏng đường thở bệnh nhân gặp phải. Để giúp bệnh nhân vượt qua cơn sốc bỏng, suy hô hấp chúng tôi đã phải đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp, điều trị tích cực. Tuy nhiên, việc bắt buộc phải đặt nội khí quản trên bệnh nhân bỏng hô hấp dễ dẫn tới nhiễm trùng, nguy cơ tử vong cao.
Hai con thơ có nguy cơ mất mẹ
Nhà nghèo, không có tivi hơn 6 năm trước, làm bạn với anh Minh Hưng chỉ có chiếc radio nhỏ sau những ngày lao động mệt nhọc. Từ sóng phát thanh của chương trình “Kết bạn bốn phương” anh Hưng kịp ghi lại số điện thoại của cô gái đồng bào Chăm có tên là Thị Bích. Qua những cuộc gọi ngắn ngủi làm quen nhờ chiếc điện thoại “cùi bắp” chuyện tình của họ bắt đầu nhen nhóm.
Người mẹ trẻ chụp hình cùng con trước khi vụ tai nạn ập đến |
Khoảng cách địa lý cả trăm cây số giữa hai quê và điều kiện sống khó khăn nên từ khi quen biết đến khi nên duyên chồng vợ họ chị gặp mặt nhau được 3 lần. “Nhà em đã nghèo nhưng thấy nhà Bích còn nghèo hơn, cha mẹ bên vợ không có ruộng đất lại có tới 10 người con nên khi em đến chơi nhà lần đầu thấy cơm không đủ ăn... thương lắm. Rồi Bích sang thăm nhà em, Bích cũng hiểu cuộc sống gia đình rất khó khăn, nhưng chúng em thực lòng thương yêu, đồng cảm”.
Minh Hưng tiếp lời tâm sự: “Sau 1 năm quen biết chỉ với 3 lần gặp mặt nhưng qua điện thoại chúng em đã đủ hiểu và yêu thương nhau... đám cưới vợ chồng em không có rước dâu, không loa nhạc. Nhà Bích chỉ chẻ lá dừa làm cái cổng đón nhà trai, nhà em chỉ thuê cái rạp che nắng làm thêm 2 mâm cơm đón nhà gái. Từ đó, chúng em về với nhau, vợ chồng làm mướn kiếm chỉ đủ ăn qua ngày nhưng đầm ấm. Rồi hai đứa con Lê Quốc Trầm (5 tuổi); Lê Thị Ngọc Chân (18 tháng) lần lượt ra đời, chúng em vất vả hơn nhưng cũng hạnh phúc hơn”.
Hai đứa con nhỏ đã phải về nương nhờ ông bà nội nhưng ông bà nghèo nên cũng không lo nổi |
Hai vợ chồng đều thất học, không có ruộng đất canh tác, căn nhà lá dựng nhờ trên đất của bà nội từ sau ngày cưới qua thời gian đã bị giột nát, xiêu vẹo. Để trang trải cuộc sống và lo cho con ăn học, vợ chồng anh Minh Hưng chỉ trông chờ vào công việc làm mướn khi tới mùa vụ, thời gian còn lại họ mò cua, bắt ốc, cắm câu... kiếm từng đồng đong gạo nuôi con.
Khó khăn những tưởng sẽ vơi đi phần nào khi mới đây hộ gia đình anh Hưng xếp vào diện đặc biệt khó khăn, được chính quyền địa phương xét duyệt cấp cho căn nhà Đại đoàn kết trị giá 20 triệu đồng. Niềm vui chưa tày gang thì tai ương đã ập tới, ngọn lửa từ chiếc bình gas đã vùi dập gia đình nhỏ. Vợ nhập viện trong cảnh anh Hưng chỉ có đúng 130.000 đồng sau ngày làm thuê.
|
Nếu chị Bích không thể trở về, nỗi đau sẽ đeo đẳng cuộc đời hai đứa trẻ vô tội |
Từ ngày chuyển lên Chợ Rẫy đến nay, dù có Bảo hiểm Y tế diện hộ nghèo nhưng những khoản ngoài danh mục phải chi trả đã lên tới hàng chục triệu đồng. “Bệnh viện nhiều lần gọi vào đóng tiền nhưng em không có, hôm nay mới nhờ anh trai vay được thêm 2 triệu ở quê mang lên”. Hai đứa con ở nhà bây giờ phải nhờ bà nội chăm sóc, tiền sữa, tiền ăn, tiền học của con nội cũng nghèo lắm không giúp được”.
Dự kiến, thời gian điều trị của chị Thị Bích còn kéo dài, chi phí mỗi ngày tốn ít nhất khoảng 2 triệu đồng nhưng anh Hưng đến bữa ăn hiện cũng phải xin cơm từ thiện nên không thể lo được viện phí cho vợ. Nếu không đáp ứng được phác đồ điều trị chống nhiễm trùng, nhiễm độc, người mẹ khốn khổ khó có cơ hội về với con thơ. Bên cạnh những lo lắng cho sinh mạng của người hàng xóm và tương lai 2 đứa trẻ vô tội, ông Lê Văn Gạch, Trưởng ấp Hòa Tân xã Hòa Hưng mong cộng đồng chung tay giúp sức, hy vọng gia đình nhỏ sớm vượt qua cảnh nguy khốn.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 2689: Anh Lê Minh Hưng (chồng chị Thị Bích), khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM. Điện thoại: 01676918870 Hoặc: ấp Hòa Tân, xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang |
Tác giả: Vân Sơn
Nguồn tin: Báo Dân trí