Formosa xả thải

Biển miền Trung đã thực sự an toàn cho người dân xuống tắm?

Các kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, chất lượng nước biển ở các bãi tắm thuộc 4 tỉnh miền Trung đã nằm trong giới hạn cho phép với vùng bãi tắm.

Nước biển miền Trung an toàn đến đâu?

Sau sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra ở biển miền Trung khiến cá chết hàng loạt do Formosa gây ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã liên tục tiến hành quan trắc nước biển ở 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.

Các kết quả sau đó đã được công bố công khai trên website của Bộ, Tổng cục Môi trường…

Các mẫu nước được lấy ở 22 bãi tắm của 4 tỉnh, trong phạm vi cách bờ không quá 1,5 km, nằm ở độ sâu cách mặt nước từ 0,3 m đến 0,5 m.

Theo công bố, từ 29/4 đến thời điểm hiện tại thì chất lượng nước biển ven bờ tại các bãi tắm thuộc 4 tỉnh an toàn, trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước (thuộc QCVN10/2015-BTNMT về chất lượng nước biển).

Kết quả phân tích ngày 26/6 cho thấy, các chỉ tiêu kim loại nặng như chì, kẽm, sắt, mangan, các thông số như độ pH, DO, amoni đều trong ngưỡng an toàn.

Đáng chú ý là hàm lượng xyanua (một trong 2 độc tố gây lên sự cố cá chết) đo được ở các bãi tắm tỉnh Quảng Trị thấp hơn 5 lần mức cho phép.

Hàm lượng phenol (độc tố còn lại gây ra sự cố cá chết) đo tại các bãi tắm của Huế thấp hơn 6 lần mức cho phép.

Theo thông báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chất lượng nước biển tại các bãi biển này đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.

Bộ cũng đề nghị UBND chỉ đạo các đơn vị tiếp tục duy trì hoạt động quan trắc tại 19 bãi tắm thuộc 4 tỉnh với tần suất 2 lần/tuần (vào các ngày thứ 4 và chủ nhật hàng tuần), gửi kết quả quan trắc về Bộ để công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng.

Biển miền Trung đã thực sự an toàn cho người dân xuống tắm? - Ảnh 1.

Tại hòn Sơn Chà (Thừa Thiên Huế), nhiều san hô bị chết trắng, nhất là Montipora, Pachyseris, Galaxea, Pocillopora. Ảnh: Viện hàn lâm khoa học CN VN

Còn theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, dựa trên kết quả quan trắc môi trường biển, kết quả phân tích các mẫu cá biển đánh bắt được do Bộ NN và PPTNT thực hiện cũng như kết quả đo đạc, lấy mẫu nước biển, trầm tích đáy biển của một nhóm nghiên cứu độc lập được công bố trên mạng internet thì biển miền Trung an toàn.

Người dân có thể vô tư tắm biển. Tuy nhiên, với những thông tin mà Chính phủ vừa công bố về nguyên nhân cá chết, tạm thời không nên ăn cá tầng đáy được đánh bắt ở cách bờ khoảng 10 hải lý trở vào.

Cần làm gì để đáy biển được làm sạch?

Trao đổi với chúng tôi, GS Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch HĐQL Trung tâm nghiên cứu GD, MT&PT thuộc Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam, từng là thành viên giải thưởng Nobel Hòa bình của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc (IPCC) cho rằng:

Việc phục hồi hệ sinh thái biển miền Trung sau sự cố môi trường so Formosa gây ra không phải dễ dàng.

“Trong quá trình chuyển hóa này chất ô nhiễm sẽ đi vào các quá trình chuyển hóa lý học (rửa trôi, luân chuyển, ngưng tụ…), chuyển hóa hóa học (bị thay đổi dạng công thức hóa học dưới tác động của các yếu tố môi trường) chuyển hóa sinh học (đi vào chuỗi và lưới thức ăn…).

Hệ sinh thái biển khi bị tác động sẽ diễn thế dần dần để tự phục hồi. Tuy nhiên, quá trình chuyển hóa này sẽ mất rất nhiều thời gian có thể mất từ hàng chục tới hàng trăm năm. Thời gian phục hồi rạn san hô cũng có thể lâu tương đương như hệ sinh thái rừng trên cạn.

Trong điều kiện tối ưu cũng sẽ mất rất nhiều thời gian mà như các nhà khoa học đã đưa ra là 50 năm, thậm chí lâu hơn thế để hệ sinh thái đặc thù có thể phục hồi lại được như ban đầu.

Nhưng thực tế, hệ sinh thái biển miền trung lại luôn chịu các sự tác động khác của con người và thiên nhiên đe dọa tác động đến hệ sinh thái khác (ví dụ như bão, áp thấp nhiệt đới, đánh bắt thủy hải sản, xả thải…)”, GS Ninh nêu.

Biển miền Trung đã thực sự an toàn cho người dân xuống tắm? - Ảnh 2.

GS Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch HĐQL Trung tâm nghiên cứu GD, MT&PT thuộc Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam. Ảnh Văn Nguyễn.

Về giải pháp để làm sạch biển miền Trung sau sự cố do Formosa gây ra, theo GS Ninh, đầu tiên là thắt chặt việc quản lý xả thải của các nhà máy, khu công nghiệp… ven biển.

Nâng cao ý thức người dân trong việc dọn và làm sạch biển, bảo vệ hệ sinh thái… vì các hành động tưởng như nhỏ là dọn rác thải ra biển cũng mang lại các tác động rất tích cực cho việc phục hồi hệ sinh thái biển.

Bên cạnh đấy, các nhà khoa học và các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu để đẩy nhanh các quá trình chuyển hóa lý-hóa-sinh bằng cách sử dụng các chất hấp thụ, vi sinh vật…

Tuy nhiên mọi biện pháp đều phải rất cân nhắc vì các biện pháp ấy cũng có thể tác động tới các yếu tố khác trong hệ sinh thái biển.

Còn PGS.TS Vũ Thanh Ca cho rằng, phenol được phân hủy khá nhanh và do vậy, khả năng gây nguy hiểm của nó cho môi trường biển trong thời gian dài không cao.

Tuy nhiên, cho tới nay trên thế giới vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về sự lưu giữ và biến đổi của xyanua trong trầm tích đáy biển.

“Thông thường, xyanua trong trầm tích đáy biển sẽ bị phân hủy bởi các quá trình phân hủy sinh học yếm khí và hiếu khí. Tuy vậy, hiện tại vẫn chưa biết được thời gian để phân hủy xyanua cho tới khi đạt ngưỡng an toàn.

Vì vậy, nếu hàm lượng xyanua trong trầm tích đáy biển cao, có thể cần phải hút trầm tích đáy bị ô nhiễm để xử lý ở trên bờ”, PGS Ca nêu.

PGS Ca cũng nêu thêm, về cơ bản, các rạn san hô vùng ven biển miền Trung đã bị chết do đánh bắt cá bằng xyanua, thuốc nổ, giã cào…, do đánh bắt quá mức, phá hoại cân bằng sinh thái, hủy diệt các sinh vật có lợi cho san hô và tạo điều kiện cho các sinh vật có hại cho san hô phát triển.

Vì vậy, những rạn san hô khỏe mạnh còn lại là cực kỳ quý và thiệt hại lần này càng lớn do nó đã tàn phá những rạn san hô khỏe mạnh còn sót lại.

theo Trí Thức Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP