3 chương trình quy mô nhưng không phát hiện tham nhũng
Chiều 14/3, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.
Bí thư Thành ủy TPHCM chưa hài lòng với kết quả phòng, chống tham nhũng lãng phí vì nhiều hoạt động quy mô nhưng kết quả hạn chế |
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết năm 2017, thành phố triển khai nhiều hoạt động quy mô chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, kết quả định lượng rất hạn chế. Công tác chống tham nhũng, lãng phí chưa mang lại sự hài lòng.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM đúc kết nguyên nhân của kết quả trên là do “ba không” và “hai một”. Theo ông Nhân, “ba không” thể hiện ở ba nội dung chương trình lớn nhưng kết quả đưa lại là con số “0”.
Thứ nhất, toàn thành phố có hơn 37.000 bản kê khai thu nhập của cán bộ, công chức. Nhưng báo cáo nêu ra lại không có ai bị xử lý tham nhũng.
Thứ hai, thành phố chưa phát hiện tham nhũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo. “Thành phố có gần 10 triệu dân, khiếu nại, tố cáo mỗi năm có đến cả nghìn. Nhưng báo cáo kết luận là chưa phát hiện tham nhũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chắc chưa đúng, thống kê chưa hết. Đọc mà thấy giật mình”, ông Nhân nói.
Thứ ba, năm 2017 thành phố tổ chức 43 đoàn kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu tại 63 đơn vị và kết quả là chưa xử lý trường hợp nào. “Tổ chức hoạt động lớn như vậy mà chưa xử lý được người đứng đầu nào cả, rõ ràng là thiếu hiệu quả”, Bí thư Nhân nói.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra 2 hoạt động nhưng kết quả phát hiện chỉ có một.
Cụ thể, kết quả phát hiện xử lý tham nhũng qua tự kiểm tra nội bộ phát hiện 1 trường hợp. Còn hoạt động thanh tra cũng phát hiện một trường hợp có dấu hiệu tham nhũng chuyển qua cơ quan điều tra.
Bí thư Thành ủy cũng chỉ ra điểm hạn chế trong công tác chống tham nhũng từ thông tin người dân cung cấp. “Riêng báo chí mỗi năm cũng có khoảng 1.000 thông tin liên quan đến tham nhũng nhưng chúng ta chưa tập hợp thông tin để xử lý”, ông Nhân nói.
Ngoài ra, từ hoạt động tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh bao nhiêu vụ việc có nguy cơ tham nhũng và thành phố xử lý bao nhiêu cũng không thấy báo cáo. Các cơ quan Đảng kiểm tra về phòng chống tham nhũng nhưng chưa thấy nêu kết quả.
Vì thành tích nên không chấp nhận tham nhũng?
Bí thư Nhân cho rằng, thông qua kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân cũng biết được cán bộ, công chức có tham nhũng vặt hay không. Do đó, về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị hàng quý xây dựng báo cáo đánh giá sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan Nhà nước. Có thể làm trước ở một vài quận, huyện.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu bên lề hội nghị |
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM yêu cầu trong năm 2018, thành phố phải tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, đưa ra các giải pháp trọng tâm.
“Bên cạnh đi sâu vào các giải pháp thì phải làm tốt giải pháp mới theo quy định của Thành ủy (quy định 1374) về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Xử lý và thông tin cho báo chí kết quả”, ông Nhân lưu ý.
Theo ông, phải nghiên cứu, hướng dẫn để từ kết quả thanh tra, xem xét loại vi phạm nào có thể kết luận tham nhũng, lãng phí để xử lý.
“Cái đó có kết luận tham nhũng hay không là tùy người. Cho nên cuối cùng chốt lại là có khi vì thi đua, thành tích nên không chấp nhận tham nhũng - yếu kém thì khắc phục chứ không chấp nhận tham nhũng”, ông Nhân nói.
Bí thư Thành ủy đề nghị Ban Nội chính phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu để đến quý II/2018 có hướng dẫn quy trình đánh giá những loại việc gì, con người cụ thể nào nằm trong kết luận thanh tra thì kết luận là tham nhũng.
Ông Nhân cho rằng với sai phạm tại Khu chế xuất Tân Thuận có thể kết luận là tham nhũng chứ đợi quy trình xử lý từ công an rồi qua viện kiểm soát, tòa án thì rất lâu. “Tôi đề nghị các đồng chí làm thử trường hợp này, có gọi là tham nhũng hay không”, ông Nhân nói.
Bên cạnh đó, Bí thư Nhân chỉ ra việc thu hồi tài sản thất thoát từ các vụ án tham nhũng còn nhiều hạn chế. Số tiền cần thu hồi từ các vụ án xử lý tham nhũng trong năm qua chỉ có 42 tỷ đồng là không tương xứng với thiệt hại. Hơn nữa, thu hồi chỉ được 1,7 tỷ đồng (4%) là rất thấp.
Từ đó, ông đề nghị khối tư pháp của thành phố phải bàn luận để tìm ra giải pháp, phấn đấu nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản thất thoát.
“Tỷ lệ thu hồi tài sản thất thoát mà không có định mức thì có cái thuận cho mình là khó quá không làm được thì cũng bình thường. Nhưng không có định mức thì phấn đấu bao nhiêu cũng không biết. Thất thoát 100 đồng mà thu hồi có 4 đồng thì thất thoát quá nhiều. Phải bàn để có định hướng chứ không thả nổi”, Bí thư Nhân nói.
Tác giả: Quốc Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí