Xã hội

Bêu tên người xả rác: Ngạc nhiên cách dư luận phản ứng

Việc bêu tên họ, chân dung người xả rác bằng băng rôn được xem là vi phạm pháp luật.

Mới đây, một số người dân tại đường Săm Brăm, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã tự chụp hình những người xả rác bừa bãi rồi đưa lên băng rôn lớn, dán trên đường để bêu tên. Khi sự việc được đưa lên mạng xã hội đã có rất nhiều người người biết đến. Từ đây nổ ra cuộc tranh luận việc bêu tên người khác như vậy là đúng hay sai?

Các luật sư đã khẳng định luật không cho phép tùy tiện sử dụng hình ảnh của người khác, việc đăng ảnh của người vi phạm hành chính như vậy cũng là không đúng quy định. Người làm việc ấy có thể bị phạt. Tuy nhiên, làn sóng ủng hộ cách “trị” này lại áp đảo các nhà làm luật.

Không thể tuyên truyền suông

“Sao lại nói bêu tên người làm sai là phạm luật? Ở nước ngoài người làm sai còn phải mặc đồng phục đi quét rác, lao động công ích, chường mặt ra cho thiên hạ biết suốt nhiều ngày cơ”, bạn Ngô Lan chia sẻ.

Bạn đọc Lê Thuận thì cho rằng: “Tôi ủng hộ việc bêu tên khi họ đã không coi cộng đồng ra gì. Tiếc vài đồng tiền đổ rác và sự vô ý thức thái quá, phường lại không phạt được thì chỉ còn cách này thôi”.

Đồng tình, bạn Trần Hùng tức giận nói: “Tôi ủng hộ, việc này vì đã nói đi nói lại nhiều rồi. Không thể tuyên truyền suông được nữa”. Bạn Hoàng Quân cũng đồng ý: “Quá nhiều bức xúc với những người vô ý thức này rồi. Phải có hình thức răn đe mạnh hơn cả xử phạt bằng tiền”.

Một bạn đọc cho rằng “cảnh cáo, nhắc nhở hàng chục năm nay rồi có thấy ý thức được chút nào đâu? Phải bêu tên như thế này, cảm thấy xấu hổ thì người ta mới ngưng và cảnh báo những người khác. Không muốn mang tiếng thì đừng làm sai nữa”.

Thậm chí có người còn cho rằng cần nhân rộng cách làm này, không chỉ dán chân dung mà còn phải đọc trên loa phường mới có thể khiến môi trường sống trong lành, sạch đẹp bởi ai cũng sợ mất thể diện cả. “Ở Singapore còn có phạt bằng đánh roi và bây giờ họ là nước sạch nhất thế giới”, bạn Hùng Dũng ví dụ.

Hình ảnh những người xả rác bừa bãi bị dán trên tường

Bạn Tuyết Hoa phân tích cặn kẽ hơn: “Sở dĩ người dân phải tự xử theo cách này là vì mọi biện pháp nhắc nhở đã hoàn toàn vô ích. Trong khi địa phương không thể bắt quả tang, dù có bắt cũng không phạt tiền hay hình thức khác nên người ta vẫn tái phạm. Trong khu phố cần không ai nhìn thấy là họ xả, đi trên đường họ còn xả ngang nhiên hơn, vậy không còn cách nào khác là đánh vào sĩ diện của từng người mà thôi”.

Đáng ngạc nhiên là phải hơn 90% ý kiến ủng hộ cách làm này dù đa số trong đó biết rằng làm vậy có thể sai so với pháp luật quy định. Bạn Khac Vy lý luận: “Dung túng cho kẻ làm sai mới chính là sai, luật cũng thế thôi. Luật không phải lúc nào cũng đúng, nếu không phù hợp thì phải điều chỉnh. Nếu việc không hợp lòng dân thì có 1.000 luật sư cũng không ý nghĩa gì. Tôi ủng hộ bêu tên những việc làm xấu, ảnh hưởng đến môi trường của cộng đồng”.

Theo bạn đọc, dù việc bêu tên là sai so với luật nhưng lại đúng với tình hình thực tế của xã hội hiện nay khi ý thức kém luôn là vấn đề nhức nhối trong cộng đồng. “Không chỉ xả rác mà còn có tiểu bậy, phóng uế, phá hoại cây xanh, cảnh quan, vẽ bậy lên tường v.v… tất cả việc làm đó của người không có ý thức địa phương quản không nổi thì người dân có cách của riêng mình. Tôi ủng hộ!”, các bạn Vũ Thắng, V Thuận, Thanh Dang Huy, Miền Tây, Ha Thi Trieu, Sanu, Kiều Minh và rất nhiều độc giả khác cùng khẳng định.

Lo sợ có hệ quả

Tấm băng rôn sau đó bị gỡ bỏ

Những ý kiến cho rằng không nên bêu tên tỏ ra khá yếu ớt trước làn sóng tức giận đang ồ ạt. Đại diện cho luồng ý kiến này, bạn Diệu Hiền cho rằng: “Tuy bức xúc nhưng việc bị bêu tên với lỗi nhỏ có thể khiến tâm lý những người này ảnh hưởng nặng nề. Đó là chưa kể có nguy cơ trách nhầm hoặc mượn cớ trả thù cá nhân họ. Luật đã quy định thì hẳn phải có tính toán nhiều khả năng rồi”.

“Theo tôi nên răn đe cách khác, làm thế này ảnh hưởng cả người thân của người bị bêu tên. Cứ đánh mạnh vào kinh tế là xong. Tiền ai cũng tiếc nên cứ quy hết ra tiền là được mà”, bạn VoVi nêu ý kiến.

Bạn Thế Tài cũng hiến kế: “Cần có người kiểm tra tính chính xác của hành vi vi phạm. Có thể bêu tên ở nơi nào đó nhất định, ví dụ bản tin tổ dân phố, tức là phải có tổ chức chặt chẽ, tránh oan sai và cũng không nên bày tỏ bức xúc một cách tùy tiện như thế này”.

Tuy nhiên, các ý kiến này cũng tỏ ra loay hoay khi đưa ra cách xử lý hiệu quả hơn những đối tượng này. Đa phần đưa giải pháp ôn hòa như phường nên có một kênh tiếp nhận thông tin, bà con chụp hình kẻ xả rác gửi đến kênh này để cán bộ có trách nhiệm xử lý. “Luật vẫn là luật, chúng ta không thể xử cái sai này bằng một cách sai khác”, bạn HoaLy kết luận.

Tác giả: NHÂN CHÍNH

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP