Nguyên nhân sâu xa
Sáng 30/12, hàng loạt các nhà xe tại bến xe Mỹ Đình chạy tuyến Hà Nội – Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Thái Bình đồng loạt từ chối chở khách khiến cho hành khách ở bến xe này không thể trở về quê đúng dịp tết Dương lịch.
Những nhà xe này cho rằng, họ làm như vậy nhằm phản đối quyết định điều chuyển luồng, tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng ôtô tại Hà Nội được bắt đầu thực hiện từ ngày 2/1/2017. Việc nhà xe không đón khách đã khiến không ít người dân bức xúc.
Bến xe Mỹ Đình lúc 12h ngày 30/12. Lượng khách còn rất đông nhưng xe thì trống trơn |
Trao đổi với phóng viên, anh N.V.H – quản lý nhà xe H.H chạy tuyến Hà Nội – Thái Bình cho biết: ”Đành rằng nhà xe từ chối đón khách là để phản đối quyết định điều chuyển họ từ bến xe Mỹ Đình ra bến xe Nước Ngầm. Nhưng nguyên nhân sâu xa trong chuyện này nằm ở các lốt xe mà họ đã mua ở bến Mỹ Đình.
Những lốt này có giá hàng trăm triệu, thậm chí những lốt vào giờ vàng, tuyến đẹp có giá lên tới hàng tỷ đồng. Một người bạn của tôi ở Nam Định mới mua một lốt đẹp về Giao Thủy với giá hơn 3 tỷ đồng.
Nhiều nhà xe nắm bắt trước được thông tin chuyển bến đã nhanh chóng bán lốt của mình ngay khi còn được giá, đối với những nhà xe này thì việc chuyển bến đã không còn ảnh hưởng nhiều đến họ nữa.
Thế nhưng có những nhà xe vừa đầu tư hàng tỷ đồng tiền mua lốt, mua xe mới, phục vụ khách ở Mỹ Đình, giờ chuyển qua bến xe Nước Ngầm chắc chắn lượng khách sẽ không được như bến Mỹ đình do còn phải cạnh tranh với những nhà khác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc làm lại mọi thứ từ đầu. Chính điều này đã khiến họ phản đối.”
Theo anh H. việc mua, bán lốt là do các nhà xe tự thỏa thuận với nhau. Nhiều nhà xe họ làm ăn không có lãi hoặc vì một lý do nào đó thì họ bán lốt cho nhà xe khác. Còn chuyện đăng ký lốt mới tại bến xe là điều rất khó, phải phụ thuộc vào nhiều thứ khác.
Trong khi đó, anh T.V.T – quản lý nhà xe T.T chạy tuyến Hà Nội – Thái Bình có phần lạc quan hơn, anh chia sẻ: ”Nhà xe của tôi hoạt động ở Mỹ Đình từ nhiều năm nay rồi, thời điểm cách đây hơn chục năm thì tiền mua lốt còn rẻ. Bây giờ muốn có một lốt tại bến Mỹ Đình thì ít nhất cũng phải mất tầm 300 triệu.
Tuy nhiên, những lốt của chúng tôi ở Mỹ Đình vẫn sẽ được đảm bảo khi về bến Nước Ngầm. Có điều lượng khách ban đầu nói thẳng ra sẽ không cao, và phải cạnh tranh khốc liệt do tất cả nhà xe về Thái Bình đổ dồn về đây.
Có lẽ sẽ phải mất một khoảng thời gian nữa mới có thể ổn định. Chuyển tuyến vào dịp làm ăn này thực sự rất bất hợp lý.”
Liên quan đến vấn đề này, chiều 30/12, trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng:
Cần lắng nghe
”Nếu nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp luật, sáng 30/12 một số nhà xe tự động không đón khách ở Mỹ Đình là trái pháp luật. Đây được coi là hình thức lãn công, biểu tình, trong khi đó luật pháp của Việt Nam cấm các doanh nghiệp dịch vụ công cộng bãi công.
Sáng 30/12 chưa ai làm gì các anh cả, chưa điều chuyển, đến tận ngày mùng 2/1/2017 mới bắt đầu. Mà một khi đã đã bắt đầu thì kéo dài hàng tháng chứ không phải chuyển ngay lập tức.
Thế nhưng, doanh nghiệp không đón khách ở Mỹ Đình nghĩa là mục tiêu của anh không phải là phục vụ nhân dân, mà làm rối loạn bến xe, làm hình ảnh của ngành GTVT trở nên xấu xí trong mắt người dân. Không có chuyện doanh nghiệp vận tải bỏ khách mà không thông báo trước, đó là sai hoàn toàn.”
Theo ông Liên, trong trường hợp này không phải là doanh nghiệp phản đối mà là lái xe phản đối. Bởi lẽ, trước đó ông có thông báo cho một số doanh nghiệp vận tải rằng, nếu những doanh nghiệp này có ý kiến gì thì phản ánh bằng văn bản về cho Hiệp hội để từ đó Hiệp hội phản ánh đến cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này không có doanh nghiệp nào phản ánh gì cả.
“Đây có thể coi là bãi công tự phát, không có tổ chức. Cái mà các doanh nghiệp đang hoạt động là kinh doanh có điều kiện, theo nghị định 86, giờ anh bỏ khách nghĩa là làm trái với luật giao thông đường bộ, trái với các nghị định của Chính phủ về kinh doanh có điều kiện.
Tôi cho rằng đây là sự việc rất đáng tiếc, làm lệch lạc mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp, làm xấu hình ảnh doanh nghiệp. Việc đình công, biểu tình, bỏ khách ở bến trong ngày lễ như vậy là không thể chấp nhận được, an ninh phải vào cuộc tìm ra cho được người đứng sau tất cả những chuyện này. Đây có thể coi là hình thức kích động quấy rối.
Ngoài việc xử lý theo pháp luật những đối tượng gây rối để làm gương, cần xử lý cả doanh nghiệp để xảy ra việc này. Nếu doanh nghiệp giải thích rằng lái xe không chịu đón khách, thì trách nhiệm của doanh nghiệp phải hủy hợp đồng lao động đối với những lái xe này, không phải là hưởng ứng cái đó được. Mức xử lý cao nhất đối với doanh nghiệp ở đây là thu hồi giấy phép hoạt động ngay lập tức.”, ông Liên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cơ quan chức năng cần tổ chức những buổi đối thoại, lắng nghe bức xúc của người dân, doanh nghiệp vận tải. Từ đó, xem xét sự việc một cách cụ thể, lên lộ trình giải quyết phù hợp, làm hài hòa quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và của cả Thành phố.
Hải Phong